Bất cập trụ sở làm việc ở các xã miền núi: Bài 1: Những phòng làm việc… “đoàn kết”

(Baonghean) - Một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới là trụ sở làm việc phải đúng theo quy chuẩn. nhưng đến nay hệ thống công sở của một số xã ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu và yếu,  không đồng bộ, nhiều trụ sở đã xuống cấp chưa được sửa chữa cải tạo...

Cửa gỗ mục nát, tường vôi rơi vãi xuống nền nhà, đó là cảnh tượng chung của các phòng làm việc ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn. Tranh thủ xã có cuộc họp, anh Võ Văn Trị - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Hồng đến phòng làm việc để hoàn thành bản báo cáo. Phòng làm việc chỉ khoảng 10m2  nhưng 3 đoàn thể là Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và Cựu Chiến binh cùng chung sở hữu. Mỗi đơn vị phụ trách một lĩnh vực khác nhau, trong giờ hành chính người ra người vào nên khó có thể tập trung để làm việc được. Hầu hết công việc được anh Trị đưa về nhà làm. “Do phòng làm việc xuống cấp nghiêm trọng nên mỗi sáng đến cơ quan, công việc đầu tiên của chúng tôi là quét vôi rữa rơi xuống sàn nhà, bàn ghế. Mùa hè thì nóng, khổ nhất hôm nào trời mưa, cửa sổ bị mối mọt, gãy, nhà dột thì không thể ngồi trong phòng được”- anh Trị dẫn chứng khi dẫn chúng tôi xem phòng làm việc của các anh.

               Trụ sở UBND xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) chật hẹp và xuống cấp.

Xã Nghĩa Hồng tiếp nhận từ trụ sở của Nông trường Cờ đỏ được xây dựng từ những năm 1980 và chuyển giao cho xã từ năm 1995. Những dãy nhà cấp 4 này đã bào mòn theo năm tháng. Điều đáng nói là phòng làm việc xuống cấp đã đành nhưng mỗi phòng phải “nhồi nhét” các ban, ngành đoàn thể: Văn hóa - Mặt trận, Người Cao tuổi, Khuyến nông; Công an - Quân sự; Hội đồng nhân dân, Trực đảng, Phó Bí thư Đảng ủy xã… Riêng phòng họp thì “đa chức năng” vừa là phòng làm việc của các ban, ngành: Phụ nữ, Dân số. Lúc nào có cuộc họp của xã thì các ban, ngành tạm ...nghỉ làm việc.

Chúng tôi đến xã Xá Lượng, huyện Tương Dương vào đầu buổi chiều nhưng người dân đến trụ sở xã làm các thủ tục hành chính đã tập trung rất đông. Người đứng ngoài hành lang, người đứng ở sân, người chờ ở hội trường nhốn nháo. Bộ phận giao dịch một cửa được bố trí với Phòng Tư pháp trong khuôn khổ diện tích khoảng 5m2 đủ bố trí ghế một người ngồi làm thủ tục. Anh Lương Văn Ngọc ở bản Na Bè - Xá Lượng, cho biết: “Phòng làm việc quá chật chội, không có chỗ dành cho công dân ngồi chờ nhận kết quả. Chúng tôi vào đặt hồ sơ thủ tục cần giải quyết ở bàn, rồi ra ngoài sân chờ. Chúng tôi ở bản biên giới xa xôi đến đây nhưng không có chỗ ngồi chờ tiếp dân”.

Trụ sở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương là ngôi nhà gỗ 2 tầng 5 gian được xây dựng từ năm 2002. Thời điểm đó cán bộ xã Xá Lượng có 26 người, không rộng rãi nhưng cũng xem là tạm đủ nơi làm việc so với thời điểm lúc bấy giờ. Với diện tích khoảng hơn 150m2 được chia làm 8 phòng, một hội trường được bố trí ở tầng 1 dùng làm nơi họp và tổ chức các hoạt động cộng đồng của xã chiếm 3 gian. Cũng với diện tích đó, từ 26 người, số lượng cán bộ hiện nay đã “phình” lên tới 54 người. Nhà vẫn thế, người đông hơn gấp đôi, mọi người đành co kéo, san sẻ nhau trong diện tích làm việc nhỏ bé trên.

Do diện tích quá chật hẹp, năm 2007, được sự hỗ trợ của cấp trên, xã đầu tư xây mới mở rộng thêm 2 phòng nhưng vẫn chưa đáp ứng điều kiện làm việc. Năm 2012, xã đã có sáng kiến khi trưng dụng và “nâng đời” luôn cả nhà bếp nằm ở trong trụ sở xã thành…phòng làm việc. Để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, đoàn thể, xã Xá Lượng tổ chức ghép các phòng ban như: Thanh niên, CCB, Phụ nữ, Hội khuyến học làm việc trong 1 phòng; Xã đội, TNXP, Chất độc da cam, Hội Chữ thập đỏ được bố trí 1 phòng, Tư pháp và Bộ phận một cửa một phòng, Ban nông nghiệp, Địa chính, Bảo vệ thực vật, Thú y làm việc chung 1 phòng…. Chỉ có Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã là có phòng riêng.

Cứ gọi riêng cho “oai” chứ phòng của 2 vị lãnh đạo xã cũng thuộc diện “đồng cân đồng lạng” như các phòng, ban khác. Nghĩa là diện tích cho các “phòng tập thể” và “phòng riêng” chỉ vẻn vẹn 5-6m2. Mặc dù xã đã tận dụng hết diện tích, “quy hoạch” các kiểu để có chỗ làm việc tốt nhất nhưng thực tế do các phòng ban phải “ở chung”, làm việc “đoàn kết” trong căn phòng chật chội nên rất khó khăn và bất cập.

Xã Lưu Kiền (huyện Tương Dương) tình cảnh cũng chẳng thể khá hơn. Ông Lô Văn Quỳnh- Chủ tịch xã Lưu Kiền cho biết: “Ngôi nhà gỗ 2 tầng được xây dựng từ năm 2003, diện tích 200m2 vào năm 2011, số lượng cán bộ công chức của xã là 35 người, nhưng đến nay là 44 người. Ngôi nhà gỗ 2 tầng này là do Chương trình 135 giai đoạn 1 đầu tư xây dựng”. Năm 2005, trường mầm non xã được xây dựng mới, UBND xã Lưu Kiền được “kế thừa” ngôi nhà gỗ cũ của Trường Mầm non. Tình trạng quá tải của trụ sở UBND xã đã được cải thiện chút ít.

Điều kiện làm việc quá chật chội, phương án của xã Lưu Kiền cũng như xã Xá Lượng là tổ chức ngăn phòng, ghép các phòng ban lại với nhau. Chẳng ai muốn chật chội, thiếu thốn và cũng chẳng ai muốn phải “chung chạ” với nhau nhưng là khó khăn chung, mỗi người phải chung vai sẻ chia một ít vậy…

Thanh Lê

Tin mới