Bình Chuẩn vào Thu

(Baonghean) - Trước kia người ta thường nghĩ đến Bình Chuẩn là vùng đất gian khó bậc nhất huyện miền núi Con Cuông; rồi đã từng biết một Bình Chuẩn là xã “3 không” rồi “4 không”. Nay về với vùng đất này, đã cảm nhận rõ bước chuyển mạnh mẽ của một Bình Chuẩn quyết tâm vượt khó, phát triển.

Bình Chuẩn nay vẫn là xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện Con Cuông. Thế nhưng từ ngày có điện lưới quốc gia, đường đổ nhựa về đến khắp các bản, Bình Chuẩn đã khởi sắc hơn.

Những phụ nữ Bình Chuẩn trong trang phục cổ truyền.
Những phụ nữ Bình Chuẩn trong trang phục cổ truyền.

Có điện rồi nên mạng internet, 3G cũng vươn đến từng ngõ ngách. Vì thế mà thông tin về xã vùng xa này luôn được cập nhật. Nào là vụ lúa vừa rồi nhiều bản thu hoạch khá; nào là năm nay xã có nhiều học sinh đạt điểm thi cao, chắc sẽ có thêm những tân sinh viên mới vào đại học... Một sự “cách mạng” về thông tin mà chỉ dăm năm về trước chỉ là mơ ước của dân bản ở đây.

Vượt ngọn núi Pù Hoạt, nhìn từ trên cao xuống thung lũng, cả một vùng rộng lớn trồng lúa nước thu trong tầm mắt. Những thửa ruộng bậc thang mơn man xanh. Màu xanh non của lá mạ, màu xanh đậm của núi rừng, cây cối, thấp thoáng bóng dân bản thăm đồng... tất cả tạo thành một phác họa bình yên nhịp sống vùng cao.

Đó là cánh đồng bản Tông, bản Xiềng. Tiếp đến là bản Mét, bản Đình, bản Nà Cọ, bản Nong Kim… đều trồng lúa nước. Bình Chuẩn có những thung lũng trồng lúa nước rộng rãi có thể mở rộng lên đến hai trăm ha. Năm nay có thể gọi là mưa thuận, gió hòa, lượng nước từ khe suối cũng dồi dào hơn.

Chẳng đến nỗi như năm ngoái, xã phải huy động máy bơm chống hạn ngày đêm. Máy và người đều hoạt động hết công suất mà năng suất lúa vẫn bị ảnh hưởng do những chân ruộng cao không bơm tới được.

Đi qua bản Tông, dưới lòng suối cạnh Quốc lộ 48C là những chiếc cọn nước nhẫn nại quay. Kể cũng lạ, thứ công cụ thủy lợi này đã có từ thời nào chẳng ai còn nhớ. Nó đơn giản là dùng sức nước để dẫn nước vào ruộng; vậy mà chưa bao giờ nó bị lãng quên.

Ông lão Lê Văn Tấm, trú ở bản Mét đã 80 tuổi, chẳng còn nhớ mình đã tự tay làm ra bao nhiêu chiếc cọn nước, cười hiền hậu: “Nhìn đơn giản vậy thôi nhưng làm được nó khó ra phết đấy. Một người vừa tự tay vào rừng chặt tre, gỗ, rồi làm cũng mất nửa tháng mới xong”. Khó, nên chính quyền xã phải khuyến khích người dân tự lực dẫn nước vào ruộng để phòng, chống hạn hán bằng cách làm cọn nước.

Hệ thống cọn nước ở Bình Chuẩn.
Hệ thống cọn nước ở Bình Chuẩn.

Cứ đầu mỗi vụ sản xuất, người dân bản Mét, bản Xiềng, bản Đình, bản Nà Cọ lại rủ nhau đi kiểm tra những cọn nước của nhà mình. Ai cũng lo cọn nước hỏng hóc vì nếu không có nước vào ruộng thì ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm nhà mình chứ chẳng chơi.

Thoảng trong hơi gió chớm Thu là hương lúa ngan ngát. Hương thơm tỏa ra từ những thửa ruộng bậc thang khi lúa đang vào kỳ đẻ nhánh thật đặc biệt. Mùi hương chỉ tỏa ra khi tiết trời dịu mát, thoang thoảng và quyến rũ. Đâu đó, trên con đường đổ nhựa, thấp thoáng bóng người xuống chợ, hoặc ra các hiệu tạp hóa ở trung tâm xã sắm sách vở cho con.

Chỉ độ mươi ngày nữa là năm học mới đến rồi. Anh Kha Văn Giáp, trú ở bản Tung Poọng có 2 con, đứa trai lớn sắp vào lớp 8, đứa gái nhỏ chuẩn bị lên lớp 5. Anh cho biết, năm nay không xuống chợ huyện mua sách vở cho con vì gần nhà cũng có bán. Bản cách chợ huyện 35 cây số, tiền xăng xe đi về cũng mất tong gần chục cuốn vở cho con. Thôi thì mua gần vậy! Có thể sẽ đắt hơn đôi chút so với chợ huyện nhưng bù lại chẳng phải đi xa.

Bên chén trà đón khách, Chủ tịch UBND xã – ông Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ: “Xã mình vẫn nhiều khó khăn lắm nhưng nhìn chung đã khởi sắc. Cuộc sống người dân đang dần ổn định. Ngành dịch vụ từ chỗ gần như chẳng có gì đáng kể giờ đang phát triển khá mạnh”. Được biết nhà Chủ tịch Mạnh cách trung tâm xã Bình Chuẩn hơn 30km nhưng đã gắn bó với đất này gần 20 năm nay.

Là một trí thức trẻ tăng cường cho xã Bình Chuẩn từ những ngày khó khăn nên anh hiểu rằng, chính con đường nhựa qua xã đã giúp người dân trên địa bàn giải quyết được những bế tắc khi giao thông cách trở. Bây giờ chỉ cần ngồi lên xe là có thể bon bon thẳng về tận thành phố Vinh.

Đường sá được mở mang cũng giúp kinh tế phát triển nhanh chóng hơn. Có những bản trong xã đã sầm uất như một thị tứ, điều mà chỉ trước đây dăm bảy năm chẳng ai nghĩ tới. Quốc lộ 48C nối từ huyện Tương Dương sang Quỳ Hợp đi qua hầu hết các bản của xã Bình Chuẩn quả là một thuận lợi lớn.

Dẫu vậy thì Bình Chuẩn vẫn có một điều “chưa chuẩn”. Ấy là đường xuống tỉnh thì dễ, nhưng đi lên huyện vẫn khó bởi đoạn dốc Bù Lìu nơi tiếp giáp với xã Đôn Phục vẫn còn thi công dang dở. Xe cộ đi lại khó khăn. Ngày mưa, đi xuống trung tâm huyện rất vất vả. Đường chưa xong vì thiếu vốn. “Mình hiểu đó cũng là khó khăn chung của toàn tỉnh” - Chủ tịch xã Nguyễn Thế Mạnh chậm rãi chia sẻ và cho biết, giải pháp tình thế bây giờ vẫn là địa phương tự bỏ kinh phí san ủi, tạo thuận lợi cho người dân trong khi chờ nguồn từ cấp trên.

Học sinh Bình Chuẩn đến trường.
Học sinh Bình Chuẩn đến trường.

Buổi chiều muộn, chúng tôi trở lại bản Tung Poọng thăm gia đình anh Kha Văn Giáp. Anh là trưởng bản của quần cư gần 100% là người Thái này. Căn nhà sàn gia đình anh Giáp nằm cạnh khe Chon. Tối ngày nghe tiếng cọn nước kẽo kẹt. Nom có vẻ thơ mộng. Nhưng anh Giáp cho hay, không chỉ là nguồn nước tưới ruộng, con suối còn là một nơi kiếm thêm thu nhập của người dân trong bản. “Chẳng phải đánh cá suối bán lấy tiền đâu. Suối bây giờ ít cá rồi.

Người ta kiếm tiền từ việc nuôi vịt thả suối đó” - anh Giáp nói đồng thời còn cho biết, trong bản có hơn chục hộ gia đình đang nuôi vịt thả trên dòng suối. Nguồn cá tôm và những sinh vật sống trong làn nước suối xanh trong là nguồn thức ăn chính của đàn vịt.

Nâng chén rượu nồng mời khách, anh Giáp chia sẻ: Bây giờ trong bản, trong xã đã có nhiều người làm ăn rất năng động. Là người đứng đầu thôn bản nên bản thân nhận ra mình càng phải cố gắng nhiều hơn để không tụt hậu so với cộng đồng. Anh trưởng bản 35 tuổi cho biết, bản thân cũng có một cái trang trại nhỏ cách nhà chừng 3km. Ở đó anh kết hợp chăn nuôi, trồng lúa nước. Làm giàu là chuyện của tương lai, bây giờ thì từ rau, thịt đến gạo ăn đều tự túc được. Cuộc sống như thế là vui rồi.

Đêm đã về khuya, cái lạnh và tiếng suối róc rách ngoài kia vọng về khiến tôi khó chợp mắt. Lòng chợt miên man nghĩ về miền đất này. Người ta đã từng nghĩ rằng sẽ còn phải rất lâu nữa Bình Chuẩn mới tiến kịp những xã bạn khác. Ấy nhưng từ thực tế nghe và thấy, cảm nhận rõ được những khởi sắc của vùng đất này.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN
 

Tin mới