Cần đầu tư đồng bộ

(Baonghean) - Dệt thổ cẩm của huyện Quỳ Hợp từ trước đến nay đã được đồng bào các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái du nhập về nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2013, UBND huyện Quỳ Hợp đã ban hành đề án phát triển CN - TTCN, làng nghề và các dịch vụ thương mại theo hướng bền vững trên địa bàn, giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để trở thành những làng có nghề dệt thổ cẩm, cần có sự đầu tư một cách đồng bộ.
Khung cửi dệt thổ cẩm ở xã Châu Cường do người dân tự làm.
Khung cửi dệt thổ cẩm ở xã Châu Cường do người dân tự làm.
TIN LIÊN QUAN
Xã Châu Cường có nghề dệt thổ cẩm từ bao đời nay, nhiều nhất là 2 xóm Đồng Tiến và bản Nhang. Đây là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, nên phần lớn gia đình nào cũng có khung cửi, trồng dâu nuôi tằm lấy tơ, các gia đình tự làm khung cửi và các dụng cụ dùng khác để dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, do chưa có đầu tư một cách đồng bộ, nên nghề dệt thổ cẩm nơi đây chủ yếu phục vụ trong gia đình. 
Ông Lô Văn Mậu - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phong tục của đồng bào Thái là khi gia đình có con lấy chồng, người mẹ thường sắm cho con ít nhất 2 cái váy, 2 cái nệm, 4 đôi gối, 1 tấm vải thổ cẩm dệt bằng tơ tằm. Những ngày lễ, tết, phụ nữ Thái nơi đây còn mặc trang phục Thái rực rỡ, gồm: áo ngắn, áo dài, váy, thắt lưng, khăn, nón, xà cạp, vòng cổ, vòng tay… và các loại hoa tai. Những sản phẩm đó đều do bà con tự làm lấy, đó chính là nét lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào người Thái. Tuy nhiên, từ trước đến nay, do chưa có sự đầu tư của Nhà nước, nghề dệt thổ cẩm chỉ bó hẹp trong các gia đình, bản làng, sản phẩm chưa bán ra được thị trường. Để xây dựng làng có nghề, bà con cần vốn và có sự đầu tư của Nhà nước. Vốn để mua khung cửi, vật liệu; còn đầu tư vào công sở sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. 
Đến bản Nhang, chúng tôi vào nhà bà Sầm Thị Liên, chuyên sản xuất các mặt hàng dệt thổ cẩm. Bà Liên hồ hởi mang ra một số sản phẩm, và cho biết: Gia đình có khoảng 600 m2 đất sản xuất ngoài đồng dành để trồng dâu, nuôi tằm. Hàng năm, lượng tằm tơ nuôi được đủ nguyên liệu để dệt thổ cẩm. Khung cửi và các dụng cụ dệt vải làm bằng thân tre, gỗ mộc mạc, ọp ẹp. Là người đam mê với nghề dệt thổ cẩm, hàng năm bà dành nhiều thời gian để sản xuất các mặt hàng truyền thống như váy, khăn, nệm, gối... vừa phục vụ trong gia đình và bán cho bà con trong vùng. Mới rồi, bà được theo lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm do huyện mở tại bản, có 15 người. Qua tập huấn, bà được học hỏi cách thêu các hoa văn đẹp hơn, nhanh hơn. Mỗi cái váy được thêu thùa hoàn chỉnh, bà Liên làm liên tục trong 10 ngày, bán với giá 600-700 nghìn đồng. Không riêng nhà bà Liên, hầu hết các gia đình ở bản Nhang đều có đất trồng dâu, nuôi tằm lấy tơ. 
Bà Lê Thị Lương, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Đồng Tiến, cho biết: Phụ nữ trong xóm ai cũng biết dệt thổ cẩm, do vậy phần lớn các gia đình đều có khung cửi. Có điều, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ gia đình. Khung cửi, và các dụng cụ khác do bà con tự làm, nguyên liệu cũng tự làm ra, do vậy những lúc nông nhàn, bà con rất chịu khó ngồi vào khung cửi...
Ông Kim Thành Xuyên - Phó phòng Công thương huyện Quỳ Hợp, cho biết: Trên địa bàn huyện, hiện có một số xã bà con người Thái làm nghề dệt thổ cẩm, như Châu Lý, Châu Quang, Châu Cường, Châu Thái... Nhưng chưa có địa phương nào được công nhận là làng nghề. Mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo là xây dựng một số làng có nghề dệt thổ cẩm. Do vậy, để sản phẩm dệt thổ cẩm làm ra đẹp hơn, vừa qua huyện mở 2 lớp đào tạo nghề tại Châu Cường và Châu Lý. Xác định khôi phục các ngành nghề truyền thống đòi hỏi vốn lớn, nhưng sẽ giải quyết được nhiều lao động nên huyện chú trọng vào công tác tuyên truyền vận động, hướng nghiệp, dạy nghề, truyền nghề và xúc tiến tìm kiếm thị trường. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, đang mai một dần, cần khôi phục và phát triển trở lại, do vậy giai đoạn 2013-2015, mục tiêu của huyện sẽ tổ chức dạy nghề cho khoảng 700-1.000 lao động có tay nghề, hình thành 4-5 làng có nghề dệt thổ cẩm. Trước mắt, huyện chưa có sự đầu tư gì khác, ngoài tổ chức đào tạo nghề cho bà con...
Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Tin mới