Cần sửa chữa đường ống dẫn nước cho Piêng Cu

(Baonghean) - Tháng 10/2010, những người dân 2 bản Nong Đanh và Piêng Pủng thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Hủa Na rời quê hương bản quán về nơi ở mới, nhường đất cho công trình. Nơi ở mới của họ là bản Piêng Cu 1, Piêng Cu 2 thuộc xã Tiền Phong (huyện Quế Phong). Đến nay cuộc sống của 137 hộ dân đang đi vào ổn định. Bao nhiêu khó khăn bộn bề của nơi ở mới đang được khắc phục, nhưng có những khó khăn vượt quá tầm của bà con, khiến họ phải làm đơn kiến nghị với cơ quan chức năng, trong đó có nước sinh hoạt.

Chúng tôi về Piêng Cu vào một ngày cuối mùa khô, cây cối ở đây gần như khô rạc. Trong cái nóng hầm hập của những ngày chuyển mùa mới thấy hết những vất vả của bà con khi thiếu nước sinh hoạt. Trường Mầm non bản Piêng Cu 2 không phải ngày chủ nhật nhưng vắng lặng, hỏi ra mới biết do thiếu nước sinh hoạt nên nhà trường phải cho các cháu nghỉ học. Ở góc sân trường, những người thợ đang hì hục khoét trong lòng giếng, những sọt đất khô rang được kéo lên. Một người thợ đào giếng cho biết: Giếng này do dự án tái định cư đào nhằm khắc phục tình trạng khi nguồn nước tự chảy không đủ. Độ sâu của giếng trước đây khoảng 10m. Do đào vào mùa mưa, nên lúc đào nước nhiều, sang mùa khô giếng cạn trơ đáy. Muốn có nước phải đào thêm ít nhất là 2m nữa mới đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho nhà trường.

Người dân bản Piêng Cu 2 cải tạo giếng tìm nguồn nước.

Rời trường mầm non, chúng tôi tìm đến nhà trưởng bản Piêng Cu 2,  ông Lương Văn Hợi. Sân nhà trưởng bản cũng có một cái giếng, lòng giếng cũng đã được chủ đầu tư cho người đến đào thêm hơn nửa mét, lượng nước chảy ra một ngày khoảng vài trăm lít, nếu một nhà bơm đầy bình 500 lít là các nhà khác không có nước dùng. Theo ông Hợi, thì khó khăn lớn nhất của bà con nơi đây là thiếu nước sinh hoạt. Khoảng 3 tháng đầu lúc mới về hệ thống nước tự chảy đang hoạt động nên bà con đủ nước sinh hoạt. Sau sự cố vỡ đường ống nguồn nước tự chảy bị mất, để bảo đảm nước sinh hoạt cho bà con, bên cạnh hệ thống nước tự chảy chủ đầu tư còn đào giếng. Bản Piêng Cu 2 có 17 giếng, hầu hết đến nay đã cạn trơ đáy khiến bà con không có nước sinh hoạt.

Anh Lữ Văn Thu cho biết, gia đình có 4 khẩu, nước sinh hoạt trong nhà anh đã từ lâu phải gánh ở suối cách nhà hàng trăm mét, và chỉ ưu tiên cho ăn uống, còn tắm rửa đều phải ra khe suối, mà nguồn nước ở suối cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phần do chuồng chăn nuôi gia súc đặt ven suối, cả bản chỉ mới có 90 nhà vệ sinh, số chưa có thường lấy bờ suối làm nơi đại tiện khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Tình hình sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh khiến một số bệnh tật xuất hiện như đau mắt, đau bụng. Người dân mong muốn công trình nước tự chảy sớm được khắc phục để có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Theo ông Hợi, thì bản dời về nơi ở mới được gần 3 năm, nhưng chỉ sau 3 tháng là không có nước nữa. Từ đó đến nay đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư khắc phục nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Người dân đã làm đơn kiến nghị lên xã, huyện và các cơ quan chức năng giải quyết nguồn nước để bà con sinh hoạt đỡ vất vả.

Thủy điện Hủa Na đã lên lưới, hàng ngày chủ đầu tư thu vào hàng tỷ đồng tiền bán điện, chủ đầu tư cần trích ra chỉ một phần rất nhỏ trong số thu đó là có thể sửa chữa, cải tạo đường ống dẫn nước, khắc phục tình trạng thiếu nước ở Piêng Cu.

Trước thực trạng này, Ban quản lý dự án Thủy điện Hủa Na cần đặt lợi ích của những người dân ở các khu tái định cư song hành với lợi ích của mình.

Bài, ảnh: Anh Tuấn

Tin mới