Cây nỏ của người Mông

(Baonghean) - Hầu như cộng đồng nào cũng dùng cây nỏ trong săn bắn, trong đánh giặc giữ làng, giữ nước. Thời bình thì thi đấu thể thao. Đối với người đàn ông Mông, cây nỏ còn có một vị thế đặc biệt, cũng gần như chiếc răng hổ. Đó là một biểu tượng của sức mạnh và lòng dũng cảm...
Chiến sỹ biên phòng người Mông tập luyện bắn nỏ
Chiến sỹ biên phòng người Mông tập luyện bắn nỏ
Thi bắn nỏ là trò chơi quen thuộc của trẻ em  Mông ở Nghệ An. Các em nhỏ mới lên 7, lên 8 đã được bố dạy cho cách làm quen với chiếc nỏ. Đến bất kỳ bản Mông nào, cũng gặp cảnh tượng những trẻ em trai kè kè bên mình chiếc nỏ nhỏ. Trẻ em sức yếu chỉ căng dây được những chiếc cỡ nhỏ thôi. Cứ tập tành dần dà qua tháng ngày, các em lớn lên cây nỏ được dùng cũng lớn dần. Cho đến ngày trưởng thành, các em cũng sẽ căng dây được những chiếc nỏ lớn nhất bản. Những dịp rỗi rãi thường là sau giờ học, hay những buổi không lên rãy lũ trẻ lại túm tụm bên một mô đất cao, hoặc cạnh cửa nhà tập bắn nỏ, tập vót tên. 
Những cuộc thi nho nhỏ thường diễn ra giữa những đứa trẻ bắn tài nhất. Bia bắn là chiếc lá rừng đắt cách vạch đứng thi dăm bảy sải tay. Đôi khi bia ngắm bắn là một cái cây nhỏ, tùy thuộc vào sự lựa chọn của bầy trẻ. Mũi tên được đặt lên thân nỏ rồi lao đi mang theo cả niềm hy vọng. Tiếng reo hò vang dậy cả xóm núi khi một mũi tên trúng đích. Chưa được thì phải gắng để lần sau bắn cho chuẩn xác. Qua thi thố, người thắng có thêm niềm động viên, kẻ bại cũng không vì thế mà chán cái nỏ. Các em lại âm thầm tập luyện để chờ đợt sau thi lại, thi cho kỳ thắng mới thôi. Đó là cách mà trẻ em Mông tự rèn luyện kỹ năng để về sau có những tay bắn nỏ rất cừ.
Xồng Bá Phộng, một học sinh lớp 9 ở bản Phá Lõm (Tam Hợp - Tương Dương), cho biết: “Từ năm lên 5 tuổi, bố đã làm cho em chiếc nỏ bé xíu để tập căng dây và ngắm bắn. Năm nay, em gần 15 tuổi, cây nỏ cũng đã theo em được chừng 10 năm rồi”. Bây giờ Phộng đã biết căng những cây nỏ lớn. Chúng tôi đến dãy nhà bán trú cạnh Trường THCS Tam Hợp, gặp lúc Phộng và nhóm bạn đang tập luyện để tham gia hội thi văn hóa thể thao. Em đặt mục tiêu sẽ giành giải tại hội thi sắp tới.
Là một cộng đồng yêu thích săn bắn nên cây nỏ trở thành thứ cần thiết đối với người Mông. Ngày trước, cuộc sống dựa hoàn toàn vào thiên nhiên nên săn bắn là một kỹ năng để sinh tồn của cộng đồng, cây nỏ có vị trí quan trọng trong đời sống của người Mông. Ngày nay, cây súng săn không còn phổ biến như trước kia nữa, cây nỏ thì vẫn được dùng hàng ngày để săn bắn, nhiều khi chỉ là một thú chơi. Người Mông dùng nỏ săn chim rừng và những con thú nhỏ.
Lúc rỗi rãi những chiến sỹ biên phòng ở Trạm Huồi Sơn (bản Huồi Sơn - Tam Hợp - Tương Dương) cũng tập luyện bắn nỏ. Chiến sỹ Xồng Bá Xềnh cũng đang ra sức tập bắn nỏ để chuẩn bị cho hội thi hướng đến kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12). Anh Xềnh là một trong những người bắn nỏ giỏi của đơn vị.
Đại úy Vừ Bá Rê, Đồn Phó, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Hợp cho rằng: "Người Mông mình bắn nỏ giỏi lắm đấy nhé. Trong các đợt thi của lực lượng bộ đội biên phòng, cũng như các đợt thi do huyện tổ chức đều giành được giải cao!". Tập bắn nỏ cũng giúp các chiến sỹ rèn luyện ý chí chiến đấu để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Đây cũng là một hình thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cộng đồng có 12 dòng họ này. 
Bài, ảnh: Hữu Vi

Tin mới