'Cây sáng kiến' ở cơ sở giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đang được các ban, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn tỉnh triển khai với nhiều việc làm, nhiều phong trào thiết thực, ý nghĩa.

Qua đó, cũng đã xuất hiện những điển hình tiên tiến với nhiều cải tiến, sáng tạo trong chuyên môn, giúp các đơn vị tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng.

Sáng tạo là không giới hạn

Ở Công ty May Minh Anh - Kim Liên, anh Hoa Văn Tân được xem là người giữ kỷ lục và đi đầu trong việc triển khai các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Ở tuổi 35, anh cũng có thể được xem là “vua” sáng kiến trẻ, bởi chỉ tính từ năm 2018 đến nay, anh đã có 157 sáng kiến về cho đơn vị và đem lại lợi ích, tiết kiệm cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng.

Trước khi vào làm việc ở Công ty May Minh Anh - Kim Liên, anh Tân chỉ là một lao động phổ thông và có 4 năm kinh nghiệm làm việc tại một công ty may ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không có bằng cấp được đào tạo bài bản, thời gian công tác chưa nhiều, nên thời điểm mới vào làm công ty, anh cũng như nhiều lao động khác chỉ làm việc của một công nhân đơn thuần ở tổ may.

Anh Hoa Văn Tân (áo trắng) được xem là vua sáng kiến ở Công ty May Minh Anh - Kim Liên. Ảnh: NVCC

Anh Hoa Văn Tân (áo trắng) được xem là vua sáng kiến ở Công ty May Minh Anh - Kim Liên. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, với bản tính ham học hỏi, yêu lao động, sáng tạo, trong quá trình làm việc, anh luôn trăn trở với nghề và luôn cố gắng cải thiện quy trình sản xuất để tăng năng suất lao động. Những sáng kiến đầu tiên của anh cũng xuất phát từ quá trình làm việc thực tế. Sau mỗi sáng kiến được áp dụng và đưa vào sản xuất, đem lại lợi ích, anh càng có thêm động lực để cố gắng. Thấy được sự nhiệt tình trong công việc và khả năng tư duy sáng tạo, sau đó, anh Hoa Văn Tân được chuyển lên làm nhân viên kỹ thuật và nay đảm nhận nhóm trưởng nhóm rập gá cải tiến.

Nói về những sáng kiến mà mình đã trực tiếp thực hiện, anh Tân cho biết, dù “lớn hay nhỏ” thì mục tiêu của anh đó là giúp giảm lao động, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất, hiệu quả công việc. Trong quá trình thực hiện, để đạt được tiêu chí này, anh áp dụng máy móc, thiết bị kỹ thuật vào các quy trình. Anh cũng nói rằng, trong ngành may mặc, mỗi một sản phẩm, mỗi một đơn hàng có những đặc thù và tính chất riêng. Vì thế, việc sáng tạo ở công nhân kỹ thuật là không giới hạn và tùy vào những sản phẩm lại có những cải tiến khác nhau.

Nhờ ham học hỏi, từ một lao động phổ thông anh Hoa Văn Tân đã thực hiện được nhiều sáng kiến cải tiến hiệu quả giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều tỷ đồng. Ảnh: NVCC

Nhờ ham học hỏi, từ một lao động phổ thông anh Hoa Văn Tân đã thực hiện được nhiều sáng kiến cải tiến hiệu quả giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều tỷ đồng. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, để sáng kiến đạt hiệu quả và đi được vào thực tế thì người thực hiện phải am hiểu chuyên môn, nắm chắc các kỹ thuật từ cắt may, sử dụng máy móc và không ngừng tự học, tự tìm tòi, sáng tạo. Chẳng hạn, một cải tiến đơn giản như sáng kiến dán túi. Trước đây, để hoàn thành khâu này trong một sản phẩm may mặc cần từ 3 - 4 lao động để thực hiện các quy trình, từ đánh dấu vào thân quàng, dùng bàn là để ủi phẳng, rồi sau đó mới thực hiện. Nhưng sau khi cải tiến bỏ vào máy lập trình thì quy trình được rút ngắn lại và hiệu quả công việc lại gấp 3...

Với những sáng kiến cải tiến này, trong những năm gần đây, các công trình của anh Tân đã giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,3 tỷ đồng. Bản thân anh cũng đã nhiều năm liên tục được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn KKT Đông Nam khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo", được vinh danh “Công nhân lao động tiêu biểu”.

Về phía Tập đoàn Minh Anh cũng đã vinh danh anh là nhân viên xuất sắc của công ty, giải thưởng cá nhân có nhiều sáng kiến nhất. Dịp này, anh cũng đang được Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam đề xuất xét tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Đây là phần thưởng cao quý của tổ chức Công đoàn Việt Nam vinh danh công nhân lao động trực tiếp sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc nhất trong phong trào thi đua "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”.

Ở Công đoàn ngành Công Thương, anh Hồ Hữu Khanh, hiện là Tổ trưởng Tổ Bảo trì cơ khí tại Công ty CP Nafoods Group cũng là một cá nhân điển hình được đề xuất xét tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Ở tuổi ngoài 50, anh Khanh cho biết, mình khá bất ngờ khi được công ty và công đoàn ngành vinh danh. Tuy nhiên, đó lại chính là động lực để anh cố gắng, phấn đấu, không phải vì bản thân mình mà vì lợi ích cho doanh nghiệp.

Trước đó, vốn làm việc trong ngành chế biến thực phẩm nên anh Khanh nói rằng, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là khâu quan trọng cần phải chú trọng hàng đầu. Chính vì thế, trong các sáng kiến của anh, anh thường cải tiến các kỹ thuật làm sao đảm bảo các điều kiện để lưu giữ thực phẩm một cách an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, các sáng kiến hướng tới để tăng năng suất hiệu quả sản xuất, giúp tăng lợi nhuận cho đơn vị.

Ở tuổi ngoài 50, anh Hồ Hữu Khanh vẫn được đề xuất xét tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: NVCC

Ở tuổi ngoài 50, anh Hồ Hữu Khanh vẫn được đề xuất xét tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: NVCC

Trong các sáng kiến anh đã thực hiện, giải pháp kết nối 2 chiler làm lạnh nhiệt độ sản phẩm sau thanh trùng đã đem đến nhiều lợi ích, như làm giảm thời gian cấp đông sản phẩm từ 72 giờ xuống còn 48 giờ, giảm chi phí về điện cấp đông. Qua đó, mỗi năm sáng kiến này giúp giảm chi phí cho đơn vị là gần 1 tỷ đồng. Hay với sáng kiến gia công máy cắt lát chanh chua 5mm thì sau một thời gian sử dụng đã tăng năng suất, thu về được hơn 2,3 tỷ đồng/năm.

Ở công ty chúng tôi, tôi thuộc lứa nhiều tuổi và là một đảng viên lâu năm. Do đó, dù khó khăn, vất vả nhưng mình phải tiên phong, đi đầu và làm gương cho các đồng nghiệp khác. Đây cũng là những việc làm thiết thực mà chúng tôi thực hiện nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Anh Hồ Hữu Khanh - Tổ trưởng Tổ Bảo trì cơ khí, Công ty CP Nafoods Group

Phát huy tiềm năng của người lao động

Từ nhiều năm nay, Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam đã phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đến tất cả các đơn vị và người lao động trực thuộc.

Với đặc thù của các đơn vị chủ yếu là sản xuất, kinh doanh, việc triển khai ở cơ sở được thực tế hóa bằng những việc làm cụ thể, gắn với các phong trào thi đua như “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Xanh, sạch, đẹp - Bảo đảm ATVSLĐ”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất”. Về phía các công đoàn cơ sở cũng đã tổ chức phát động, ký cam kết thi đua theo đặc thù của từng đơn vị.

Nhiều sáng kiến do các lao động trực tiếp sản xuất thực hiện. Ảnh: Mỹ Hà

Nhiều sáng kiến do các lao động trực tiếp sản xuất thực hiện. Ảnh: Mỹ Hà

Như trong năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều chương trình đã được triển khai kịp thời, góp phần đưa các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh như “1 triệu sáng kiến-nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid -19”, “40 ngày cao điểm”.

Các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong ngành Công Thương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm lợi cho các doanh nghiệp.

Nhờ đó, đã khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ của người lao động, tạo nên sức mạnh tổng hợp để các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Đồng thời, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động thi đua lao động, sản xuất, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động giỏi -Lao động sáng tạo”.

Để triển khai hiệu quả, các cấp công đoàn đã gắn các phong trào thi đua yêu nước với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; phong trào “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực”; phong trào “CNVCLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”; “Xây dựng người cán bộ, công chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào thi đua "Nghệ An làm theo lời Bác dạy"…

Phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” được nhiều đơn vị phát động trong những năm qua. Ảnh: Mỹ Hà

Phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” được nhiều đơn vị phát động trong những năm qua. Ảnh: Mỹ Hà

Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức gặp mặt, biểu dương, tôn vinh những cá nhân tiêu biểu. Riêng trong 2 năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã lựa chọn 133 tập thể để trao tặng Cờ Thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 462 cá nhân điển hình để biểu dương ở cấp tỉnh.

Nói về hiệu quả của chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định: Từ các phong trào này đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người lao động, thể hiện lời nói đi đôi với việc làm. Điều đáng quý là nhiều sáng kiến đều xuất phát từ trong thực tiễn, do những công nhân, lao động trực tiếp triển khai thể hiện sự say mê lao động, sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ của người lao động trong thời kỳ mới, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển.

Tin mới