Chân dung một người anh hùng...

(Baonghean) - Nhiều người biết đến Trung tá Nguyễn Đức Cường - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Công an Nghệ An) với những chiến công xuất sắc, những danh hiệu cao quý mà đảng và nhà nước đã trao tặng, tôn vinh. Thế nhưng, ít ai biết rằng phía sau chân dung người anh hùng, người chiến sỹ công an nhân dân  luôn “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” ấy là một nhân cách, nghị lực và lý tưởng sống với biết bao điều đáng khâm phục, tin yêu và trân trọng….

Lửa thử vàng, gian nan thử sức…

Nhìn bề ngoài Trung tá Nguyễn Đức Cường có gương mặt hiền từ, phong thái điềm tĩnh, khiêm tốn trong từng lời nói, thế nhưng khi bước vào cuộc chiến với tội phạm ma túy anh rất quyết liệt, mưu trí, dũng cảm và giàu đức hy sinh. Bản lĩnh kiên cường và tinh thần thép ấy được tôi luyện từ sự trưởng thành trong gian khó và thử lửa trong những môi trường làm việc vất vả và đầy hiểm nguy. Anh sinh ra và lớn lên ở xã Nghi Trung, vùng quê nghèo của huyện Nghi Lộc. Gia đình làm nông nghiệp, tuổi thơ anh lam lũ với mưa nắng ruộng đồng. Nhà nghèo, đông con, nhưng bố mẹ anh không cam chịu đói nghèo, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai nuôi 4 con học đại học. Bố anh - một cựu dân công hỏa tuyến, phải hái từng trái ổi, trái táo trong vườn nhà đem ra chợ bán lấy tiền đóng học phí cho con. Chính bởi thế, ngay từ nhỏ Nguyễn Đức Cường đã sớm rèn ý thức tự lập, ý chí vượt khó vươn lên. Thời phổ thông anh học rất giỏi và thi đỗ vào Học viện An ninh và Học viện Kỹ thuật Quân sự và anh đã quyết định chọn theo ngành An ninh. Học xong giai đoạn tại Học viện An ninh, anh thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân với một niềm đam mê mãnh liệt được trực tiếp chiến đấu với tội phạm.  Năm 2000, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi, chàng trinh sát trẻ Nguyễn Đức Cường được điều về công tác tại xã Chiêu Lưu - địa bàn trọng điểm ma túy của huyện miền núi  cao Kỳ Sơn, núi rừng hiểm trở, đường sá, phương tiện đi lại khó khăn, phức tạp, phương tiện thông tin liên lạc hạn chế, rồi bất đồng về ngôn ngữ với đồng bào các dân tộc thiểu số…

Biết bao trở ngại mở ra trước mắt chàng trinh sát trẻ mới ra trường. Thế nhưng anh đã vượt qua tất cả và chính những ngày tháng “nằm vùng” đã đưa Cường đến với nhiệm vụ điều tra về tội phạm ma tuý. Anh kiên trì xây dựng cơ sở, bám chắc địa bàn, lên kế hoạch báo cáo lãnh đạo và trực tiếp tham gia tiêu diệt nhiều tụ điểm ma tuý. Anh tâm sự: “Chính nhờ được thử  thách ở môi trường khó khăn, nguy hiểm mà tôi nhanh chóng trưởng thành và sau này đối mặt với hiểm nguy, khó khăn hơn lại thấy đó là điều bình thường…”. Những chuyên án lớn như 502M, 901T do Cường phụ trách đã gây tiếng vang rất lớn và anh được bổ nhiệm làm Đội phó, rồi Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý - Công an huyện Kỳ Sơn. Năm 2004, anh được điều động về Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an tỉnh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng Trung tá Nguyễn Đức Cường trong Chương trình Vinh quang Việt Nam.

Xứng danh anh hùng…

Mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng khó khăn ác liệt, nhất là vùng biên giới giữa ta và nước bạn Lào. Bởi bọn tội phạm ngày càng nguy hiểm, tinh vi và xảo quyệt, lại trang bị vũ khí nóng và hết sức manh động, sẵn sàng liều lĩnh chống trả quyết liệt khi bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Khắc sâu lời Bác Hồ dạy chiến sỹ Công an nhân dân, với vai trò của người Đội trưởng và hiện nay là Phó trưởng phòng, trong các chuyên án lớn, Nguyễn Đức Cường luôn xây dựng kế hoạch một cách thận trọng, tỉ mỉ, chính xác để vừa bảo đảm thắng lợi, vừa hạn chế thương vong. Những lúc phải đối đầu trực diện với tội phạm anh cũng là người đứng mũi chịu sào mà không mảy may đắn đo suy nghĩ thiệt hơn, không sợ nguy hiểm đến tính mạng, cương quyết, khôn khéo áp dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để bắt giữ bằng được đối tượng.

Trong cuộc chiến với tội phạm ma túy, nhiều lần Nguyễn Đức Cường đã bị thương ở các mức độ khác nhau, nhưng với tinh thần kiên quyết trấn áp tội phạm đến cùng, anh luôn cố gắng hết mình hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Điển hình như trong vụ bắt giữ Nguyễn Văn Ngọc (xã Nghi Phú, Thành phố Vinh) - đối tượng có 3 tiền án, nhiễm HIV giai đoạn cuối đã chống cự quyết liệt, cắn  vào tay Cường chảy máu hòng tẩu thoát nhưng anh vẫn một mình bắt gọn đối tượng.

Trong Chuyên án 503M bắt 2 đối tượng người Lào buôn bán ma túy có vũ khí nóng ở khu vực rừng sâu xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), Nguyễn Đức Cường cũng là người trực tiếp áp sát tước vũ khí của đối tượng. Hay trong Chuyên án 526L bắt nhóm đối tượng buôn bán ma túy có trang bị súng AK, K54 và lựu đạn ở khu vực bản Cò Phào, Lưu Kiền, Tương Dương. Nguyễn Đức Cường xung phong đảm nhận bắt đối tượng đặc biệt liều lĩnh và nguy hiểm Lầu Bá Rùa, trú tại Noong Hét (Lào). Trong quá trình bắt giữ, tổ công tác bị nhóm đối tượng khác trong rừng tấn công, mặc dù bị thương nặng, máu tuôn xối xả nhưng Nguyễn Đức Cường vẫn nén cơn đau ghì chặt đối tượng xuống đất, khóa chặt và bập còng số 8 vào tay hắn và nói với đồng chí Trưởng ban chuyên án: “Chú cứ bình tĩnh, phải bắt bằng được đối tượng và thu tang vật, cháu không sao đâu”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Cầu - Phó Giám đốc Công an tỉnh kể lại tình huống xúc động khi Nguyễn Đức Cường bị tội phạm ma túy bắn xuyên ổ bụng đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, khi tỉnh lại câu đầu tiên anh nói với thủ trưởng của mình không phải là “anh ơi em đau quá” mà là “anh ơi em đói quá…”. Cũng phải thôi, bởi qua nhiều ngày mật phục giữa rừng, anh và đồng đội chỉ mới ăn vội được gói mì tôm sống. Đồng chí Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, người thủ trưởng trực tiếp của Nguyễn Đức Cường cũng đã dành cho anh những lời tin yêu, trân trọng: “Có những chuyên án phải lựa chọn người tham gia thì sự lựa chọn đầu tiên luôn là Nguyễn Đức Cường…”.

Trong thời gian 10 năm công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Nghệ An, Trung tá Nguyễn Đức Cường đã trực tiếp cùng đồng đội xác lập, xây dựng kế hoạch và khám phá nhiều chuyên án lớn như: 109T, 408Đ, 608Q, 708P, 808L, 908X, 105C, 911T, 607K... thu giữ hàng chục bánh heroin, bóc gỡ nhiều đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn, góp phần kìm giữ và giảm tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh.

Ấm tình gia đình, đồng đội…

Trong câu chuyện của mình, Trung tá Nguyễn Đức Cường không nói nhiều về những chiến công, về những phần thưởng cao quý (Huân chương Chiến công hạng Ba của Chủ tịch nước, 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích đặc biệt; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an trong phong trào thi đua công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy; giải thưởng Vinh quang Việt Nam, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,… mà luôn dành tình cảm đặc biệt cho cho gia đình, người thân và đồng chí, đồng đội - tập thể luôn đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đầy cam go thử thách với tinh thần “vì nước quên thân”. Anh tâm sự: “Trong chiến đấu chúng tôi mới hiểu tận cùng bản lĩnh, ý chí quyết tâm cũng như tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao cả biết chừng nào khi đối mặt với ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết”.

Những người đồng đội  trực tiếp cùng anh đánh án đã kể cho chúng tôi nghe tình huống trong Chuyên án 526L, dù trúng đạn bị thương nặng nhưng Nguyễn Đức Cường vẫn lo lắng cho sự an nguy của đồng chí mình. Đó là lúc tổ chuyên án đang tập trung khống chế đối tượng, quan sát thấy sườn núi có ánh chớp do đạn bắn ra, Cường liền gắng sức báo cáo với thủ trưởng: “Nói với anh em bắn về phía có ánh chớp và nằm thấp xuống…”.

Trong cuộc sống đời thường tuy còn nhiều vất vả, lo toan nhưng may mắn của Nguyễn Đức Cường là anh có một hậu phương vững chắc. Vợ anh - chị Hương Giang, công tác tại Phòng Chính trị Công an tỉnh luôn đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, sát cánh bên chồng. Ngày mới lấy nhau, khó khăn chồng chất, nhưng căn phòng nhỏ hẹp trong khu tập thể của họ luôn tràn ngập tiếng cười. Sau bao năm dành dụm, mãi tới vài năm gần đây, vợ chồng anh mới chuyển được lên căn hộ chung cư - nơi mà chị Hương Giang gọi vui là “thiên đường”. Đối với chị, việc phải chờ đợi là rất đỗi bình thường. Bởi chị đã quá quen với những bát cơm ăn vội vàng, những tuần biền biệt xa nhà không tin tức của chồng. Chị bảo, mỗi lần thấy chồng đi làm nhiệm vụ, không phải không thấy lo nhưng niềm tin thì lớn hơn rất nhiều, chị tin vào sự mưu trí, dũng cảm, vào thắng lợi của chồng cùng những đồng chí, đồng nghiệp của mình… Và tôi tin điều đó khi nhìn thấy ánh mắt lúc ngời sáng, khi rưng rưng của vợ chồng họ khi nói về nhau.

Những ngày nghỉ hiếm hoi, Trung tá Nguyễn Đức Cường thường đưa vợ và cô con gái nhỏ về quê thăm mẹ, bố anh đã mất cách đây hơn 10 năm vì bệnh hiểm nghèo, anh trai cả cũng đột ngột ra đi khi đang học những năm cuối của Trường Đại học Y Thái Bình. Mỗi lần về anh làm liền tay liền chân, lúc thì giúp mẹ cuốc cỏ cho mảnh vườn nhỏ, khi thì thưng lại cái bờ rào, đóng lại bản lề cửa sổ đã bong… Với anh, “hạnh phúc lớn nhất là được mang lại bình yên cho nhân dân, cho những phút giây đoàn viên bên gia đình và cả những phút thảnh thơi hiếm hoi cùng đồng đội ngồi nghe thủ trưởng đọc thơ, hay chơi một trận bóng đá, bóng chuyền”. Chính những điều cao quý, bình dị ấy đã tiếp thêm sức mạnh giúp anh vượt qua chính mình, vượt qua những cám dỗ đôi khi rất đỗi con người  “ai  cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”?

Bài, ảnh: Khánh Ly

Tin mới