Chuyện vui trên miền đá trắng

(Baonghean) - Một ngày ở miền heo hút Nam Sơn (Quỳ Hợp), nơi tiếp giáp Xiêng My (Tương Dương) và Bình Chuẩn (Con Cuông). Thật vui, khi tôi được nghe những người nông dân nơi đây trò chuyện về đề án "Ngân hàng bò"...

Gia đình anh Vi Văn Ngọ và Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Sơn bên con bò sinh sản  từ nguồn kinh phí Đề án
Gia đình anh Vi Văn Ngọ và Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Sơn bên con bò sinh sản từ nguồn kinh phí Đề án "Ngân hàng bò".
Chẳng khác “Lục lạc Vàng”
"Ồ! Như chương trình Lục lạc Vàng trên truyền hình ấy..." - ông Lô Văn Huyền ở bản Quảng, 60 tuổi, tay ve vuốt chú bê mới sinh có bộ lông óng vàng, mượt như nhung, miệng cười hồn hậu bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy. Khoảng 2 tháng trước, ông Lô Văn Huyền được Hội Nông dân xã tuyên truyền về Đề án "Ngân hàng bò", do Hội Nông dân huyện thực hiện. Qua đó, ông biết Hội Nông dân huyện sẽ tập huấn cho dân về cách thức chăn nuôi, phòng bệnh, làm chuồng trại... để nuôi giống bò vàng sinh sản của địa phương. Và quan trọng hơn, hộ dân nào được chọn sẽ được vay 16.625.000 đồng (không phải trả lãi) để mua và nuôi một con bò sinh sản. Thời gian thực hiện đề án là 2 năm; sau đó, trả lại bò hoặc trả lại tiền gốc để Hội chuyển cho gia đình khác. "Trước đây, tôi cũng đã nuôi bò vàng địa phương. Sau bò bị tai nạn chết mà không có vốn nuôi lại. Nhà có gần 2 ha rừng trồng, cỏ rất sẵn, tôi với vợ lại còn sức khỏe mà không có bò nuôi nên tiếc lắm. Khi biết Đề án "Ngân hàng bò" cho vay, thích quá tôi đăng ký liền. Hội Nông dân huyện và xã đã đến nhà kiểm tra, thấy nguyện vọng chính đáng, lại có chút kinh nghiệm nên duyệt cho tham gia...". 
Theo lộ trình thực hiện Đề án "Ngân hàng bò", đầu tháng 9 mới đến thời gian chuyển tiền về cho các hộ dân Nam Sơn thực hiện. Vì mong mỏi đã lâu, và vì "thích quá", ông Lô Văn Huyền đã tìm và mua nợ cho mình một cặp bò mẹ con của một gia đình ở bản Hằm, cách nhà ông non 1km, với số tiền 18.500.000 đồng. Ông lấy sợi dây đo vanh ngực, chiều cao, chiều dài thân của bò mẹ để tính độ cân nặng, rồi nói: "Yêu cầu của đề án là bò phải đủ độ tuổi sinh sản, chiều cao, cân nặng và phải là bò địa phương, cùng xã. Những tiêu chí này, tôi thực hiện cả. Sướng lắm, chỉ mong tiền về để trả...". Và ông xúc động: "Đề án "Ngân hàng bò" có nhiều mục tiêu hay lắm. Nhưng quan trọng với gia đình tôi, có được bò sinh sản là cơ hội cho mình có việc làm, thu nhập. Bò địa phương chúng tôi dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, thức ăn chỉ toàn cây cỏ, một năm sinh một lần. Dự tính sau thời gian thực hiện dự án tôi sẽ có 2 con bê và một con bò trưởng thành. Tôi sẽ làm chuồng trại, chăm sóc bò cẩn thận để thực hiện tốt đề án...".
Ở bản Hằm, câu chuyện về Đề án "Ngân hàng bò" và việc gia đình anh Vi Văn Ngọ (1979) mua nợ con bò chửa trị giá 18 triệu đồng được đàm luận khá sôi nổi. Vi Văn Ngọ lập gia đình năm 2005. Với 1.500m2 ruộng nước và 3000m đất vườn, nhờ chịu khó lao động, chăn nuôi lợn gà, dần dà Ngọ và vợ là chị Lô Thị Hương (1986) đã dựng được nhà, mua được trâu. Cũng như hộ ông Lô Văn Huyền, sau khi biết tin về đề án anh liền đăng ký. Xác định đây là cặp vợ chồng trẻ có chí hướng, có thể trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế hộ nên Hội Nông dân đã chọn cho tham gia đề án. Biết tin được chọn, Ngọ mừng vô kể và ngay lập tức bàn với Hương tìm và mua chịu bò. Ngọ cho biết anh đã từng nuôi bò và phát triển rất tốt. Tuy nhiên, để có nếp nhà sàn cho "vợ con ở" anh đành bán đi. Với Ngọ "Em dự định sẽ cố gắng giữ lại bò mẹ. Bò vàng quê em nuôi không có gì phức tạp. Hơn nữa, bây giờ lại được hướng dẫn làm chuồng trại, cách thức chăm sóc, phòng bệnh nên càng yên tâm. Bò em mua gần đến ngày sinh rồi. Nuôi hết kỳ hạn 2 năm sẽ thêm 2 lần sinh nữa. Khi đó, con bê đầu tiên đã đến tuổi trưởng thành, em sẽ bán đi để trả tiền gốc cho Hội...". Cách tính của Vi Văn Ngọ, theo cán bộ Nam Sơn, không phải là "đếm cua trong lỗ". Chị Lương Thị Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân Nam Sơn vui vẻ: "Anh Ngọ nói được làm được đấy. Chẳng phải gia đình trẻ nào cũng chí thú như vợ chồng Ngọ Hương đâu!".
Để dân có nội lực
Chủ tịch Hội Nông dân Nam Sơn Lương Thị Hồng (năm nay 30 tuổi) nói vui rằng, Nam Sơn có đến 99,9% đồng bào Thái, diện tích tự nhiên rộng đến trên 6000 ha nhưng chỉ có 73 ha đất nông nghiệp. Còn lại là rừng và núi. Rừng bạt ngàn, núi thẳm xanh trùng điệp nối với Xiêng My, Bình Chuẩn trở thành một phần của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Thế nên, việc chăn nuôi trâu bò để phát triển kinh tế hộ như là nguồn sống và gắn với bà con nhân dân nơi đây tự bao đời. Tuy nhiên, do cách thức chăn nuôi vẫn còn lạc hậu, đánh dấu thả rông, thậm chí, tự sinh tự dưỡng nên kém phát triển, kinh tế vì vậy vẫn nhiều khó khăn. Toàn xã có trên 330 hộ, chỉ mới có 155 hộ có trâu bò. Bởi thế, Đề án "Ngân hàng bò" ra đời thực sự có rất nhiều ý nghĩa.
Với sự đầu tư của UBND huyện, Hội Nông dân huyện đã lập đề án với mục tiêu giúp các gia đình phát triển kinh tế, bên cạnh đó là bảo tồn quỹ gen giống bò vàng địa phương, phát triển mạnh mẽ đàn bò. Nam Sơn có rất nhiều gia đình muốn tham gia nuôi bò sinh sản. Tuy nhiên, với kinh phí ban đầu là 300 triệu đồng, có 16 hộ được tham gia. "Theo chỉ đạo của Hội, tiêu chí đầu tiên để được lựa chọn là những gia đình có chí hướng phát triển kinh tế. Đặc biệt quan tâm các gia đình trẻ mới thành lập có khát vọng. Vì nhiều gia đình đăng ký, thật lòng khi lựa chọn cũng rất khó khăn. Hội đã lựa chọn ra 64 hộ. 16 hộ đầu thực hiện đề án trong 2 năm thì chuyển cho 16 hộ tiếp theo, cứ thế cho đến 16 hộ cuối cùng. Tính ra một chu kỳ của đề án là 5 năm..." - Lương Thị Hồng thổ lộ.
Có điều gì băn khoăn trong thực hiện đề án không? Tôi hỏi vậy, thì được Chủ tịch Hội Nông dân Nam Sơn lắc đầu nhẹ: Mừng để đâu cho hết, chứ có băn khoăn gì. Như ông Huyền, anh Ngọ nói đấy thôi. Bò vàng sinh sản được mua tại địa phương, đã quen địa hình thổ nhưỡng, hợp khí hậu, những thức ăn tự nhiên như lá cây, rau, cỏ ở Nam Sơn rất sẵn. Hơn nữa, người tiêu dùng rất ưa chuộng thịt bò Nam Sơn, đâu có sợ thiếu thị trường tiêu thụ. Trước khi thực hiện đề án, cán bộ Hội huyện vào tập huấn rất kỹ các phương pháp chăn nuôi, phòng bệnh. Tới đây, huyện sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng bò của từng gia đình, đúng chuẩn mới giao tiền. Quá trình nuôi còn tiếp tục giám sát, giúp đỡ khi cần thiết. Em chỉ mong, hàng năm huyện cấp thêm kinh phí mở rộng Đề án "Ngân hàng bò" để có thêm được nhiều nữa những gia đình tham gia nuôi bò sinh sản...".
Tại Đề án "Ngân hàng bò" của Hội Nông dân huyện Quỳ Hợp, có nêu chi tiết đặc tính chuyên biệt của giống bò vàng địa phương. Bò vàng Quỳ Hợp nhỏ hơn so với bò lai. Lông mượt, da mỏng, đầu thanh nhẹ, cơ thể phát triển vừa phải, bò trưởng thành tối đa từ 200 - 250 kg. Và với chất lượng thịt tốt nên có giá trị kinh tế cao. Đề án cũng nhắc tới Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, khẳng định phải phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, ưu tiên phát triển chăn nuôi đại gia súc bản địa, nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng, chất lượng tốt, giá thành cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân, đồng thời bảo vệ nguồn gen quý của giống bò vàng.
Tôi đã theo anh kỹ sư quê lúa Yên Thành Ngô Văn Quyền đi kiểm tra chất lượng bò sinh sản của một số gia đình ở Nam Sơn và nghe vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quỳ Hợp này hướng dẫn cho họ làm chuồng trại, từ nâng nền, lợp mái, xây hố thải, trồng chuối bao quanh làm sao để "đảm bảo vệ sinh, ấm mùa đông, mát mùa hè, lại có thức ăn dự trữ". Và nghe ông Nguyễn Quế Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện kể về sự ra đời của đề án cùng những dự định phát triển "Ngân hàng bò" trong tương lai. Hóa ra, không chỉ Hội Nông dân mà Hội Phụ nữ cũng được lãnh đạo huyện giao thực hiện chương trình này. UBND huyện Quỳ Hợp đã "cắt" từ ngân sách 600 triệu đồng để thực hiện đề án. Với số tiền này, có 32 hộ được tham gia. Và Hội Phụ nữ Quỳ Hợp chọn xã Bắc Sơn (cạnh xã Nam Sơn) để triển khai đề án. Ông Hùng khẳng định: “Cán bộ hai hội sẽ theo sát giúp đỡ các gia đình để quyết tâm thực hiện đề án thành công. Hàng năm, huyện sẽ đánh giá kết quả, khi đó, chúng tôi sẽ đề nghị lãnh đạo huyện nghiên cứu bổ sung kinh phí để mở rộng hơn nữa "Ngân hàng bò"...”.
Nhìn cách anh Quyền tiếp cận với người dân, nghe những tâm tư của ông Hùng, bỗng tôi mường tượng ông nông dân xã Nam Sơn hồn hậu với câu nói "như chương trình Lục lạc Vàng trên truyền hình...". Tôi đã nhiều lần xem chương trình Lục lạc Vàng trên VTV1, lần nào cũng chứng kiến cảnh người cho bò, người nhận bò, người thực hiện chương trình, và khán giả... cùng rơi nước mắt vì mừng. Và nghĩ, tình cảm những người dân tham gia Đề án "Ngân hàng bò" Nam Sơn, Bắc Sơn, những người thực hiện đề án chắc cũng là tương tự. Lại nghĩ về công cuộc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dù nhà nước đã có sự quan tâm hỗ trợ đầu tư, để thành công, điều kiện tiên quyết là phải phát huy được nội lực của dân. Làm gì để người dân có nội lực? Đề án "Ngân hàng bò" là một cách làm hay. Và, cần nhiều lắm những chương trình, dự án tương tự?!
Bài, ảnh: Nhật Lân

Tin mới