Con chữ hành trình theo dòng sông Pao

(Baonghean) - Mấy năm gần đây, việc tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai Pao đã được khôi phục lại ở huyện Tương Dương và huyện Con Cuông. Chữ Lai Pao cũng được tổ chức thành một môn thi trong Lễ hội Cửa Rào - Đền Vạn (Tương Dương) hàng năm.

Để biết rõ hơn về ý nghĩa của sự khởi sắc và bảo tồn, phát triển di sản hiếm hoi này của người Thái ở Tương Dương, xin hãy đọc thêm bài nghiên cứu “Giới thiệu về chữ Lai Pao của người Thái Tương Dương (Nghệ An)” của các ông Trần Trí Dõi (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) và ông M. Ferlus (Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia, Paris, Pháp) được đăng hơn chục năm về trước.

Theo đó, chữ Thái hệ Lai Pao được coi là 1 trong 4 hệ chữ được sử dụng bởi các nhóm Thái ở Việt Nam, phân bố từ vùng Tây Bắc đến Nghệ An. “Loại chữ Thái có tên là Lai Pao được sử dụng ở người Thái Mường (Thái Hàng Tổng) thuộc vùng Tương Dương (Nghệ An) là đối tượng được giới thiệu ở đây. Lai Pao, theo nghĩa từng từ có nghĩa là chữ Pao, là tên Thái Nặm Pao của sông Cả ở người Việt. Chữ này chỉ còn hai người sử dụng được và chỉ còn một bản chép tay rất ngắn […].

Loại chữ này đã từng được nhắc đến lần đầu tiên dưới cái tên Liếp Nặm, trong một chuyến đi công tác của người Pháp, cha cố Théodore Guignard khi ông đến vùng này vào đầu thế kỷ (XX)”. Hai nhà trí thức Thái còn sử dụng được chữ Lai Pao ở thời điểm xuất bản của bài viết này là các ông Lô Văn Thoại (Bản Lạ, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) và ông Lô Văn Mai Liễu, nguyên là người Thái vùng Xiềng Líp (nay thuộc địa phận các xã Yên Hòa, Yên Na, Nga Mi của huyện Tương Dương). Tài liệu viết tiếp: “Rất có thể sau hai nhà trí thức này, không có một người nào đọc và viết được chữ Lai Pao nữa và vì thế cần phải ngay lập tức tập hợp lại, có một sự truyền bá chữ viết này để nó không bị lãng quên”.

Mẫu tự font chữ Lai Pao.

May mắn thay, và cũng hết sức kịp thời, khi công việc “tập hợp và truyền bá” nêu ở trên đây đã được chính ông Lô Văn Thoại (nay đã mất) cùng với các ông Lương Bá Vin, Vi Khăm Mun, Lô Khăm Phi chung tay thực hiện để tập hợp các con chữ Lai Pao vào trong cuốn Sách dạy chữ Thái Lai Pao ấn bản tháng 2 năm 2009. Cuốn sách có dung lượng 53 trang, với phần trình bày về chữ cái, về mẫu câu, mẫu tự… được viết theo cách thủ công. Mặc dầu cách thể hiện các quy luật của chữ Lai Pao trong tài liệu còn khá đơn giản, nhưng tài liệu ban đầu này đã hoàn thành trọng trách ngăn chặn được chữ Lai Pao trôi vào lãng quên, như số phận của nhiều di sản khác.

Hiện tại, đồng bào Thái ở Nghệ An đang sử dụng song hành cả 3 hệ chữ Thái là Lai Thanh, Lai Tay và Lai Pao. Nhóm Thái Tay Thanh sử dụng hệ chữ Lai Thanh có chung quy luật với hệ chữ Thanh của người Thái Thanh Hóa. Riêng nhóm Thái Tay Mương sử dụng cả hai hệ chữ: Lai Tay ở vùng Phủ Qùy (đường 48) và Lai Pao ở Tương Dương (đường 7). Có một điểm trùng hợp thú vị là cả hai hệ chữ Lai Tay và Lai Pao cùng có quy luật ghép vần xuôi, và quy luật này là khác biệt so với tất cả các hệ chữ Thái khác, kể cả chữ Thái ở Lào và Thái Lan… Tuy nhiên, về cách trình bày thì chữ Thái Lai Pao viết ngang, còn chữ Thái Lai Tay viết theo hàng dọc.

Gần hai năm nay, chữ Thái Lai Tay và chữ Thái Lai Thanh đã được thiết kế thành font chữ, đưa vào máy vi tính để biên soạn tài liệu. Chuyên mục “Bảo tồn vốn cổ” của Báo NACT - Chuyên trang MNDT, đều đặn có đăng các bài đồng dao, nhuôn xuối, lời răn… của đồng bào Thái in bằng chữ Thái Lai Tay và Lai Thanh đã làm cho bà con hào hứng và yêu thêm nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Mới đây, sau khi được gặp gỡ ông Vi Khăm Mun, trao đổi và tham khảo các mẫu tự Lai Pao viết tay của ông Mun (Sầm Văn Bình) đã thiết kế thành công font chữ Lai Pao để phục vụ cho việc biên soạn tài liệu một cách nhanh chóng và hiệu quả, cho phép phổ biến chữ Lai Pao rộng khắp, kể cả trên mạng internet, vượt qua ranh giới của không gian… Từ trong quá khứ xa xôi hàng thế kỷ, con chữ của dòng sông Pao đã được mang tên là Liếp Nặm, nghĩa là “hành trình theo dòng sông”. Và nay, hơn bao giờ hết, từ một mạch nguồn vô cùng nhỏ nhoi ở đầu nguồn sông Pao, qua bao sự nỗ lực và tâm huyết của nhiều người, con chữ sông Pao với một hành trình luôn chung thủy với con người, bản mường, sông suối, giờ đây đã hòa mình vào với đại dương…

Sầm Văn Bình (Yên Luốm, Châu Quang, Qùy Hợp)

Tin mới