"Đánh thức" nghề truyền thống

(Baonghean) - Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu) không chỉ làm ra khối lượng hàng hóa lớn để tiêu thụ trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu mà còn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Trên những tấm khăn trải bàn, khăn treo tường, người Thái ở đây đã dệt nên những hoa văn chuyển tải khung cảnh đẹp của làng quê, gửi gắm đến du khách muôn nơi.

Phụ nữ bản Hoa Tiến 1 dệt thổ cẩm  Ảnh: Trần Ngọc Lan
Phụ nữ bản Hoa Tiến 1 dệt thổ cẩm Ảnh: Trần Ngọc Lan
Vùng đất Hoa Tiến hầu như nhà nào cũng có khung cửi dệt vải, người già, người trẻ đều có thể làm nên những tấm vải thổ cẩm với những đường nét hoa văn độc đáo. Từ bao đời nay, người Thái đã biết tự tay thêu dệt những bộ trang phục váy áo, đệm gối, khăn Piêu phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường. Trên cơ sở nghề truyền thống đó, Hợp tác xã Hoa Tiến vốn được thành lập từ một nhóm sản xuất nhỏ gồm 10 người. Họ là những nghệ nhân lâu năm, nhận thấy xu hướng bị mai một của nghề dệt, thế hệ con cháu dần quên đi cách trồng bông, nuôi tằm, dệt vải, họ đã tự đứng ra thành lập nhóm sản xuất để làm sống lại nghề. Từ đó, tiếng khung cửi dệt vải lại rộn rã khắp mọi bản làng, thôn xóm, quy mô sản xuất được mở rộng, đến năm 2010, tổ sản xuất nhỏ đã phát triển thành hợp tác xã.
Hiện nay, hợp tác xã có khoảng 60 thành viên, ngoài việc đồng áng, họ tổ chức thêu dệt tại nhà, trung bình 1 tháng mỗi thành viên làm ra được 8 - 10 sản phẩm với đủ các chủng loại, kích cỡ khác nhau, mang lại nguồn thu nhập thêm từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Những tấm khăn trải bàn, khăn treo tường thêu dệt bức họa làng quê được chú trọng nhiều hơn cả, bởi đây không chỉ là sản phẩm chủ yếu dùng để xuất khẩu, phát triển thị trường mà còn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường chỉ thêu. Chị Sầm Thị Bích - Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề Hoa Tiến cho biết “Đối với các sản phẩm thêu cảnh làng quê, hợp tác xã thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật thêu để chị em nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường hiện nay…”.
Hợp tác xã sản xuất đa dạng các tấm vải thổ cẩm với nhiều kích cỡ khác nhau, trong đó phổ biến nhất là những tấm khăn trải bàn có độ dài 2 m, khổ rộng 60 cm; còn các bức tranh thường có độ dài từ 1,5m - 2 m. Đường thêu thưa, dày tùy thuộc vào từng họa tiết của mỗi tấm vải, hình ảnh cánh cò, đồng lúa, cây đa, bến nước, sân đình hay cảnh núi non trùng điệp. Tất cả đều được khắc họa một cách tinh tế, sống động, làm cho tấm khăn trải bàn, khăn treo tường thực sự mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. 
Tấm vải thổ cẩm của làng nghề Hoa Tiến không chỉ được ưa chuộng bởi những hoa văn trang trí đẹp mắt mà còn mang nét đặc trưng riêng, sản phẩm được nhuộm bằng các loại cây rừng sẵn có trên mảnh đất Quỳ Châu nên màu sắc tự nhiên, tươi tắn, khác hẳn những sản phẩm thổ cẩm ở các vùng, miền khác. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó và được phân phối đều khắp mọi vùng miền, tập trung nhất ở Hà Nội, Hội An, Sài Gòn… Ở thị trường nước ngoài, các sản phẩm này đã đến được nhiều nước châu Á như Lào, Thái Lan… và bước đầu quảng bá sản phẩm ở một số nước châu Âu. Những tấm vải thổ cẩm mang hình hài đất nước cứ thế đi khắp năm châu. Với những ấn tượng tốt đẹp đó, Hợp tác xã Hoa Tiến đã được tham gia Dự án “Cải thiện sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển bền vững chuỗi giá trị dâu tằm tơ và dệt vải” do Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ, được triển khai từ năm 2013. Nhờ đó, sản phẩm của hợp tác xã ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. 
Năm 2013, hợp tác xã đã bán ra thị trường hơn 4.000 chiếc khăn trải bàn và khăn treo làm bằng chất liệu thổ cẩm, đến năm 2014, số lượng này đã vượt 5.000 chiếc. Tuy quy mô sản xuất ngày càng phát triển và số lượng đặt hàng lớn nhưng hợp tác xã mới chỉ đảm bảo được 40% nguyên liệu sợi từ việc trồng dâu, nuôi tằm, số còn lại phải nhập thêm từ bên ngoài. Ông Sầm Văn Kính - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: “Trong thời gian tới, xã sẽ có kế hoạch bố trí đất đai để các hộ dân có thể trồng dâu, nuôi tằm, đảm bảo nguồn nguyên liệu, đồng thời sẽ xây dựng các khu nhà riêng nhuộm vải, khu trưng bày sản phẩm để mở rộng sự phát triển quy mô sản xuất của Hợp tác xã Hoa Tiến…”. 
Với những nỗ lực của làng nghề, năm 2014 những sản phẩm thổ cẩm của làng nghề Hoa Tiến được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tháng 4 tới đây, những sản phẩm này sẽ có mặt tại Hội chợ Làng nghề được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, các chị em đang rộn ràng nhịp xe cửi, náo nức chờ ngày hội. Tâm sự với chúng tôi, chị Sầm Thị Bích cho biết thêm: “Bà con làm nghề dệt vải chưa hẳn đã giúp kinh tế giàu hơn vì sản phẩm đưa ra tiêu thụ còn qua nhiều khâu trung gian, tiền công chưa tương xứng với giá trị sản phẩm. Nhưng người Thái vẫn dệt, vẫn thêu vì đam mê, vì cái nghề truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt rồi, một phần dùng cho sinh hoạt hằng ngày, lễ Tết, cưới hỏi, một phần cũng là vì muốn giữ lại giá trị văn hóa của dân tộc và mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm của dân bản mình.
Hiện nay, ngành dệt phát triển mạnh mẽ với các hàng ngàn mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm khác nhau khiến cho nghề dệt ở nhiều vùng, miền dần mai một. Làm thế nào để những sản phẩm thổ cẩm vẫn được ưa chuộng, để những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc được bảo lưu là câu hỏi lớn mà nhiều người trăn trở? Những gì mà làng nghề dệt Hoa Tiến làm được hôm nay như một câu trả lời xác đáng, khơi dậy lòng tự hào về quê hương xứ sở, làm “sống dậy” nghề truyền thống dệt thổ cẩm. 
Phương Thảo

Tin mới