Những người "vác tù và" ở Nghĩa Đàn

(Baonghean) - Ở các thôn bản, bí thư chi bộ, xóm trưởng là “rường cột” để đưa bộ mặt của thôn xóm đi lên, vì vậy việc nâng cao chất lượng lãnh đạo của các xóm trưởng, bí thư chi bộ cơ sở góp phần đưa kinh tế cũng như các phong trào khác ở cơ sở phát triển. Nhiều thôn, bản ở Nghĩa Đàn khá lên một phần nhờ những người “dân bầu xã cử” này. Tuy nhiên, để chọn được những người “vác tù và” nói được, làm hay ở cơ sở không phải là điều đơn giản.

Ông Nguyễn Xuân Đồng làm Xóm trưởng xóm Hải Lộc, xã Nghĩa Lộc đã hơn 20 năm nay, nhiều người dân trong xóm thường nói vui: Ông Đồng “về hưu” thì chắc khó tìm được người làm xóm trưởng nhiệt tình như ông. Nước nôi, mùa vụ, tranh chấp… ở đâu người ta cũng thấy ông có mặt sớm nhất để giải quyết. Người “vác tù và” có thâm niên này chia sẻ “muốn làm được công việc xã hội thì mình phải làm được trong gia đình, mình mà nghèo thì không thể đứng trước hàng trăm hộ dân trong xóm tuyên truyền họ xóa đói, giảm nghèo được.
Mô hình cây thanh long của Xóm trưởng xóm Hải Lộc, xã Nghĩa Lộc.
Mô hình cây thanh long của Xóm trưởng xóm Hải Lộc, xã Nghĩa Lộc.
Vì vậy, mình muốn nói được người ngoài thì  phải mạnh từ bên trong, ít ra gia đình mình kinh tế cũng phải khá, con cái phải ngoan”. Về thăm gia đình ông thấy cơ ngơi khang trang chúng tôi mới biết ông nói đúng. Trước đây, khi xuất ngũ trở về địa phương gia đình ông cũng chật vật lắm. Năm 2005 được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ông đầu tư trồng rừng và vận động nhân dân trong xóm tận dụng đất trống, đồi trọc để trồng keo. Vì vậy, gia đình ông và người dân trong xóm đỡ vất vả hơn nhờ trồng rừng. Xóm Hải Lộc có gần 90% hộ sản xuất nông nghiệp, để tăng thu nhập, ông đi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông mạnh dạn đưa mô hình nuôi gà vào thử nghiệm, mỗi năm gia đình ông xuất bán cả nghìn con gà và nhờ đó mà có nhiều gia đình học tập theo. Để tạo nguồn vốn cho nhân dân trong xóm, nhất là các hộ nghèo, ông đã đề xuất lên UBND xã cho bà con vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nghĩa Đàn để phát triển kinh tế. 
Cũng ở xã Nghĩa Lộc, chúng tôi đến xóm Khe Xài 1, đây là một xóm thuần nông, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dân vận mà khi xã có chủ trương làm hơn 1 km đường giao thông nông thôn, nhân dân xóm Khe Xài 1, xã Nghĩa Lộc đã tình nguyện hiến hơn 20.000 m2 đất lâm nghiệp và đất hai lúa, ngoài ra người dân còn ủng hộ tiền, ngày công cho công trình. Để có sự đồng thuận này, có vai trò rất quan trọng của người xóm trưởng năng nổ là ông Lại Văn Vinh. Ông đã dùng máy múc của gia đình đi múc cây cối, san đường khi xóm mở rộng đường. Trên cương vị xóm trưởng, ông luôn là người đi trước về sau. Không chỉ thế, trong mọi hoạt động khác, ông đều năng nổ đi đầu, vì vậy được nhân dân tin tưởng làm theo.
Tuổi tác không bằng ông Nguyễn Xuân Đồng hay ông Lại Văn Vinh nhưng anh Hà Thanh Hữu (sinh năm 1976) ở làng Đồng Cần, xã Nghĩa Hưng làm bí thư chi bộ làng đã 10 năm nay. Năm 2013, anh được nhân dân trong xóm tín nhiệm bầu làm xóm trưởng, thế là một lúc 2 nhiệm vụ nhưng chàng trai chưa vợ này luôn hoàn thành tốt công việc và được sự tín nhiệm rất lớn của nhân dân. Làng Đồng Cần có 100% đồng bào dân tộc Thái, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn với gần 50% hộ nghèo. Năm 2013, được sự hỗ trợ của Nhà nước trong Chương trình 135, xã Nghĩa Hưng chọn Đồng Cần làm điểm về giải tỏa hành lang giao thông để làm đường bê tông. Trước tình hình đó, anh Hà Thanh Hữu đã tổ chức họp chi bộ, họp xóm để tuyên truyền chủ trương của xã.
Lúc đầu đồng bào trong xóm không tin lắm, người tiếc cây mít đã trồng mấy chục năm, người tiếc mấy chục mét bờ rào mới xây, không ai muốn hiến cây, hiến đất… Thế là Hà Thanh Hữu phối hợp với xã tuyên truyền qua loa truyền thanh, rồi đến “uống nước chè xanh” tâm tư với những gia đình chưa đồng thuận. Thấy anh phân tích có lý, có tình nên 100% nhân dân làng Đồng Cần đã “thông” và hiến cây, đất bờ rào để làm đường bê tông. Đến nay làng Đồng Cần có đường bê tông đi, người dân Đồng Cần rất cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước và cảm ơn người xóm trưởng, bí thư năng nổ của họ. Ông Lô Xuân Thống, người dân làng Đồng Cần chia sẻ: “Lúc đầu cũng tiếc, vì để xây được bờ rào gia đình cũng phải bỏ công sức, tiền của nhiều, nhưng xã xuống tuyên truyền, anh bí thư, xóm trưởng đến vận động mới thấu, vì vậy mình đã hy sinh cái trước mắt để hưởng lợi lâu dài”.  
Ông Nguyễn Xuân Hường, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng cho biết: “Dù chưa được hỗ trợ về xi măng, cát, sỏi nhưng Nghĩa Hưng đã vận động nhân dân đóng góp làm hơn 2,5 km đường bê tông. Để có sự đồng thuận trong nhân dân, xã chú trọng công tác tuyên truyền và coi trọng vai trò của các bí thư, xóm trưởng trong công tác vận động. Đối với làng Đồng Cần là xóm khó khăn nhưng xã vẫn chọn làm điểm trong giải tỏa hành lang giao thông. Là người trẻ nhưng đồng chí Hà Thanh Hữu rất năng nổ, với xóm đặc thù như Đồng Cần thì việc nâng cao nhận thức của đảng viên cũng như nhân dân là rất quan trọng. Trên cương vị bí thư, xóm trưởng, chỉ trong thời gian ngắn, với sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã, Đồng Cần đã hoàn thành giải phóng hành lang, có được điều này là nhờ sự chỉ đạo ngay từ cơ sở. Để làm tốt các phong trào, Nghĩa Hưng luôn chú trọng chọn người đứng đầu thôn xóm có uy tín, làm việc hiệu quả, được lòng dân”.
“Làm xóm trưởng mà nghèo thì vận động nhân dân xoá đói, giảm nghèo ai tin, làm bí thư xóm mà không có uy tín, nói suông thì đảng viên sao thấu”, lời nói của chàng thanh niên dân tộc Thái Hà Thanh Hữu thật có lý. Công việc nhiều, lương thấp nên để làm một người đứng đầu cơ sở có uy tín, nói dân tin không phải ai cũng làm được và không phải ai cũng nhiệt tình để “làm dâu trăm họ” như  vậy. Vì thế, việc chọn người  lãnh đạo cơ sở đã khó, để họ “say” với công việc thì càng khó hơn. Việc đó có phần đóng góp của nhân dân trong việc “chọn mặt gửi vàng” và sự định hướng của địa phương. Có thể nói nhiều mô hình bí thư, xóm trưởng ở Nghĩa Đàn phát huy hiệu quả đã và đang tạo niềm tin cho nhân dân trong việc thực hiện các phong trào.
Đinh Thuỳ
(Đài Nghĩa Đàn)

Tin mới