Người "trả lại" giá trị cho những cổ vật

(Baonghean) - Tại Lễ hội Làng Vạc lần thứ 15 vừa qua, ông Trần Đức Đường, khối Đóng, phường Quang Phong, Thị xã Thái Hòa đã cung tiến 45 hiện vật cho Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc. Nghĩa cử này của ông thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của hậu thế đối với công ơn các bậc tiên tổ…
Ông Đường và bà Tứ (vợ ông) cùng quê Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) lên Nghĩa Đàn lập nghiệp những năm 60 và từ đó gắn bó với vùng đất đỏ Phủ Quỳ. Cách đây 15 năm, ông hợp đồng với xưởng 250 Phủ Quỳ thu gom các loại kim loại phế liệu để bán cho xưởng. Sắm được bộ máy dò kim loại, ông cùng con trai rong ruổi khắp vùng Phủ Quỳ để tìm vận may. 
Ông Đường (bên phải) giới thiệu niên đại các cổ vật.
Ông Đường (bên phải) giới thiệu niên đại các cổ vật.
Thời điểm cả vùng nguyên liệu mía sôi động cày xới vào vụ trồng cũng chính là lúc cha con ông tăng cường bám hiện trường để tìm những mảnh kim loại còn sót lại. Thông qua việc dò tìm kim loại, những mảnh sành vụn nổi lên trên từng đường cày là dấu hiệu để ông biết chỗ này có cổ vật, chỗ kia là khu mộ táng của người tiền cổ. Khi có dấu hiệu trên mặt đất, bằng cảm nhận trực quan và linh cảm, ông dùng xiên để chọc thẳng xuống mặt đất, gặp chướng ngại vật mới bắt đầu đào. Cũng bằng phương pháp dò tìm bằng máy kết hợp thủ công trực quan này mà vận may nhiều lúc đến với bố con ông. Đó là việc đào được thạp đời Lý - Trần ở Nghĩa Mai, dân buôn đồ cổ nghe tin vào trả ông cả chục triệu đồng; hay chiếc chóe vại tại Đồng Canh, Nghĩa Yên và một số đồ vật các triều đại sau đó... Đào tìm được cái nào, ông đưa về lau chùi sạch sẽ rồi đối chứng với các hiện vật in trong tập sách của Bộ VHTT (nay là Bộ VH -  TT - DL) xuất bản nhận diện niên đại.
Thông qua việc đào tìm, nhận diện triều đại này mà ông đã phát hiện rất nhiều đồ vật thời Đông Sơn cùng niên đại Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc nằm rải rác trên vùng Phủ Quỳ. Do đó, ông không bán mà ông tập hợp, lưu giữ vào tủ. Hơn 10 năm trong nghề sưu tầm đồ cổ, ông Trần Đức Đường đã tập hợp được 45 loại hiện vật, bao gồm: bình sứ, vòng tay, ghế gốm, rìu đá... Tại Lễ hội Làng Vạc lần thứ 15 vừa rồi, ông tự nguyện hiến tặng các cổ vật cho Ban quản lý Khu di tích Làng Vạc. 
Lễ hội Làng Vạc năm nào ông cũng đều có mặt và đã chứng kiến sự phát triển về quy mô, mức độ ảnh hưởng của lễ hội, tuy nhiên điều ông băn khoăn đó là hiện vật hiện đang lưu giữ tại Khu di tích quá ít so với tầm vóc, giá trị lịch sử của nó. Do vậy, ông muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn phát huy giá trị của khu di tích lịch sử, để những hiện vật phải đặt đúng giá trị, ý nghĩa của nó. Đồng chí Hoàng Nghĩa Thái - Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, địa phương có Khu di tích Làng Vạc, cho biết: “Những hiện vật do ông Đường hiến tặng được trưng bày theo sơ đồ, có chỉ dẫn để hướng dẫn du khách tham quan, chiêm ngưỡng.” Nghĩa cử đáng trân trọng của ông Trần Đức Đường và sự chu đáo trong công tác bảo quản, sưu tầm giới thiệu của Ban Quản lý Khu di tích đang góp phần tích cực để nâng tầm giá trị lịch sử, tâm linh của địa chỉ đỏ làng Vạc.
Hữu Nghĩa 

Tin mới