Đừng để di chỉ Đồng Trương bị lãng quên!

(Baonghean) - Di chỉ khảo cổ học Đồng Trương từng được đưa vào sách giáo khoa lịch sử, là chứng tích cho sự sống lâu dài của người Việt cổ xuyên suốt hai dòng văn hoá nổi tiếng của Việt Nam là Văn hoá Hoà Bình (tiền sử) và Văn hoá Đông Sơn (sơ sử), được giới khoa học cả nước đánh giá “là di tích đa văn hóa cực hiếm hoi”. Thế nhưng, hiện nay, di chỉ này đang bị lãng quên đáng tiếc.

Chúng tôi đến huyện Anh Sơn vào trung tuần tháng 7. Qua thị trấn ngót một cây số, hỏi thăm hang Đồng Trương, một cậu bé chăn trâu chỉ vào tấm biển chỉ dẫn đã tróc hết chữ, bị cây bụi che khuất sát quốc lộ nói gọn lỏn: "Đó. Hang trong kia". Di chỉ Đồng Trương nổi danh mà lại thế này a? - người bạn ngoại tỉnh ngạc nhiên thốt lên. Đường vào không có, chúng tôi vén lau lách, bụi rậm tiến về phía núi đá cách đó vài trăm mét. Thật hoang vu, lạnh lẽo. Ở cửa hang, bia dẫn tích chỉ trơ lại khung sắt. Cửa hang là bãi phóng uế của trâu, bò. Hàng rào thép gai trước đây dùng để rào trước cửa hang nay không còn. Trong lòng hang, rác thải bao bì, lông gà vịt ngổn ngang khắp nơi. Sâu trong hang, có dấu hiệu bị đào bới với ngổn ngang đất đá...

Cửa hang Đồng Trương bị cây chen lấn.
Cửa hang Đồng Trương bị cây chen lấn.

Di chỉ khảo cổ học Đồng Trương rõ ràng đang bị lãng quên. Lục tìm các tài liệu lịch sử về di chỉ khảo cổ học và liên lạc với những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, thì Đồng Trương thực sự là một kho báu. Di chỉ Đồng Trương được mô tả là hang đá có cấu tạo hàm ếch; nền hang rộng trên 100m2, cửa rộng 15m, cao 15m. Hang nằm cách sông Lam qua một thung lũng. Cách đó khoảng 30m có một con suối với nhiều nguyên liệu đá cuội và có nước quanh năm nên Đồng Trương là một địa điểm ngụ cư lý tưởng của người tiền sử.

Theo nhà khảo cổ học Bùi Vinh, di chỉ khảo cổ học Đồng Trương được phát hiện bởi các cán bộ Bảo tàng tổng hợp Nghệ An vào tháng 4/1998. Đến tháng 6/2000, Viện Khảo cổ học vào đào một hố thám sát 7m2, cho thấy đây là một địa điểm chứa di tích của hai nền văn hóa thuộc hai thời đại khác nhau là văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại đồ đá và tiền Đông Sơn thuộc thời đại kim khí. Nhận thấy đây là một địa điểm khảo cổ học có tầm quan trọng đặc biệt, Viện Khảo cổ đã chủ động tiến hành khai quật với diện tích 50m2 ở di chỉ này vào tháng 2 và tháng 3/2004 theo Quyết định số 44199/QĐ/BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin. Kết quả khai quật đợt này cho thấy, hiện vật và di tích thu được trong hố khai quật gồm đồ đá, đồ gốm, đất nung, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh, thổ hoàng, xương, răng động vật, dấu tích than tro bếp và mộ táng. Có 1.173 di vật đồ đá, xương, răng động vật, dấu tích bếp lửa và mộ táng được xếp vào văn hóa Hòa Bình. Trong số này có 155 công cụ như chày, bàn nghiền, cuội ghè đẽo; 60 mảnh tước và 358 nguyên phế liệu chủ yếu bằng cuội suối.

Đặc biệt, trong đợt khai quật này, đoàn đã phát hiện 10 ngôi mộ cổ phân bố dày đặc trong khoảng diện tích 25m2 nằm gần ngoài cửa hang. Các ngôi mộ đều tìm thấy di cốt người song không đầy đủ và bị vỡ vụn. Một số công cụ cuội thổ hoàng tìm thấy trong các mộ giúp dự đoán được sự xuất hiện của tục tùy táng trong nghi thức chôn cất ở giai đoạn này. Trong hố khai quật, đoàn cũng phát hiện 305 mảnh sành sứ thời phong kiến; 70 mảnh gốm in ô vuông thời Hán; 4.083 mảnh gốm và 16 dọi xe chỉ bằng đất nung mang đặc trưng văn hóa kim khí thời đại văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Ngoài ra còn có một số hiện vật đồ đồng mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn như rìu, giáo, chuông, dao găm, thạp, vòng và 12 di vật đồ thủy tinh trang sức thể hiện trình độ chế tác cao.

Qua việc phân tích các di vật, nhà khảo cổ học Bùi Vinh khẳng định đây là một di chỉ khảo cổ học hết sức quan trọng, lần đầu tiên phát hiện được “một Hòa Bình sơ khởi” đi kèm với các mộ táng thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ với niên đại rất cổ xưa từ 1 đến 1,2 vạn BP. Những tài liệu này chứng tỏ lịch sử văn hóa lâu dài của con người và mảnh đất Nghệ An. Đồng thời khẳng định rằng, lưu vực sông Lam là 1 trong 3 trung tâm phát sinh và phát triển văn hóa của người Việt cổ thời các Vua Hùng dựng nước. Nhà khảo cổ học Bùi Vinh cũng khẳng định, tại thời điểm đó, các ngôi mộ ở Đồng Trương còn được bảo tồn tại hiện trường theo chủ trương của ngành Văn hóa địa phương.

Biển chỉ dẫn vào hang ngay bên quốc lộ bị mất hết chữ.
Biển chỉ dẫn vào hang ngay bên quốc lộ bị mất hết chữ.

Phóng viên Báo Nghệ An liên lạc với PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, hiện là Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam. Ông  đã khẳng định vai trò đặc biệt của hang Đồng Trương đồng thời gửi ngay cho chúng tôi (PV Báo Nghệ An) bản báo cáo của ông về đề tài nghiên cứu di cốt người cổ ở hang Đồng Trương, một phần của đề tài khoa học cấp bộ năm 2006. Vị chuyên gia đầu ngành về nhân chủng học khẳng định, vào đầu tháng 6/2006, theo yêu cầu của lãnh đạo Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý Di tích Nghệ An, ông đã cho tiến hành đào phúc tra hang Đồng Trương và thu thập thêm 2 di cốt nữa bên cạnh ngoài 10 di cốt đã được phát hiện trước. Ông khẳng định đây là những di cốt vô giá.

Qua việc phân tích các chỉ số về xương sọ, hàm răng bằng những phương pháp khoa học, hiện đại, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường khẳng định: “Người cổ Đồng Trương đứng tách biệt hẳn thành một nhóm và gần với những người thổ dân Australia”.  Khi chúng tôi trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Lân Cường về thực trạng hiện nay của hang Đồng Trương, vị chuyên gia hàng đầu tiếc nuối và cho biết, tại thời điểm năm 2006, khi phát hiện giá trị to lớn của hang Đồng Trương, ông và cộng sự đã quyết định lấp cát các hố khai quật, chỉ mang một số mẫu vật về nghiên cứu. Ông cũng đã đề nghị Viện Khảo cổ học cần tiếp tục đào nốt phần diện tích còn lại và đề nghị Cục Di sản văn hoá cho xếp hạng địa điểm này.

Để nắm rõ hơn về thực trạng của hang Đồng Trương hiện nay, chúng tôi cũng trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người vừa có chuyến thám sát một số hang động ở khu vực miền Tây Nghệ An. PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử khẳng định, hang Đồng Trương vẫn còn nguyên giá trị về lịch sử, văn hóa. Các tầng văn hóa phía dưới vẫn đang được giữ nguyên. Tuy nhiên, hiện nay, hang đang đứng trước những nguy cơ bị phá hủy như: Phía trước hang đang dần hình thành một sân vận động, nơi người dân qua lại rất nhiều, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hang; toàn bộ hệ thống hàng rào bảo vệ đều không còn tác dụng nên người dân đã vào đây sinh hoạt, chăn thả trâu bò.

Mặt khác, ở đây là vùng nguyên liệu của các nhà máy xi măng, nếu không có biện pháp bảo vệ thì chắc chắn không bao lâu nữa, hang cũng sẽ bị biến mất. “Sau chuyến thám sát hang Đồng Trương, tôi đã kiến nghị với Viện Khảo cổ học cần nhanh chóng khai quật nốt hang này. Cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để từng bước xếp hạng di tích, trước hết là cấp tỉnh sau đó xếp hạng cấp cao hơn. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng có biện pháp bảo vệ và thông báo với toàn thể người dân quanh khu vực về những giá trị văn hóa, lịch sử của hang đá Đồng Trương để cộng đồng dân cư hiểu và cùng bảo vệ”, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử cho biết.

Rác thải trong hang.
Rác thải trong hang.

Khi nói về hướng bảo tồn bền vững cho di chỉ Đồng Trương, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ, sớm khai quật thì cả PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử và PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đều đồng ý với ý kiến của nhà khảo cổ học Bùi Vinh rằng: Đây là một di tích đa văn hóa cực kỳ hiếm hoi, lại nằm bên triền sông Lam, cạnh Quốc lộ 7 nên Đồng Trương có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phục vụ cho công tác tham quan du lịch nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và cả nước.

Mang tâm sự của những nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu về khảo cổ, và nhân chủng học, chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo Sở VH-TT&DL và Ban Quản lý di tích, danh thắng tỉnh Nghệ An. Theo bà Nguyễn Thị Lương, Trưởng phòng Tuyên truyền (Ban Quản lý di tích, danh thắng) cho biết: Hang Đồng Trương cùng với một số di chỉ khảo cổ học khác trên địa bàn tỉnh đang gặp phải những khó khăn trong việc bảo tồn và xếp hạng vì thiếu kinh phí. Và khó khăn trong việc khoanh vùng địa giới để bảo vệ. Việc kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn, bảo vệ di tích cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, ban đang xin chủ trương của UBND tỉnh để năm 2016 xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích này.

Ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, lâu nay, các tài liệu thất lạc nên rất ít người biết được giá trị lịch sử to lớn của hang này. "Sở VHTT&DL cũng mong muốn, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc, cùng nhau xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích, đồng thời sớm phát huy giá trị của hang Đồng Trương bằng cách, biến điểm này trở thành nơi tham quan, học tập gắn với tuyến du lịch đến các danh thắng khu vực miền Tây như Con Cuông, Tương Dương..." - ông Hồ Mậu Thanh nói.


Nguyên Khoa - Hà Giang

Tin mới