"Giải mã" hướng đi cho mường Quế

(Baonghean) - Ngày gần cuối tháng 4, khi những đóa bằng lăng khoe sắc tím trời miền biên viễn Quế Phong, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm một số mô hình kinh tế nông nghiệp ở đây...
Cuộc kiểm tra đồng thời với những ý kiến gợi mở về cách nghĩ, cách làm cho địa phương bắt nguồn từ thực tiễn. Điểm đến đầu tiên của Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác là trang trại nuôi trồng tổng hợp của gia đình anh Hoàng Quốc Hải ở bản Na Dến, xã Tiền Phong. Quê gốc ở Diễn Lâm (Diễn Châu), từ hai bàn tay trắng lên lập nghiệp ở Quế Phong, nhờ chịu khó, ham tìm hiểu, học hỏi, gia đình anh Hải đã biến vùng đất hoang hóa thành một trang trại tạo ra lợi nhuận gần tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, trên diện tích khoảng 6 ha, anh đã đầu tư chuồng trại quy mô nuôi hàng ngàn con lợn thịt và lợn nái; ngoài ra anh còn trồng 2 ha cao su, 2 ha ao cá… Thành công trong phát triển kinh tế, gia đình anh không những vun đắp cuộc sống ấm no trên quê hương mới, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập khá cao và ổn định. 
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thăm vườn trồng chanh leo của người dân ở xã Tri Lễ (Quế Phong).
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thăm vườn trồng chanh leo của người dân ở xã Tri Lễ (Quế Phong).
Minh chứng sinh động về nét đổi mới nữa là mô hình trang trại của gia đình anh Hoàng Trung Thông tại Thị trấn Kim Sơn. Vị Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Kim Sơn này vốn hay lam hay làm, đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 3 ha tiêu và 3,8 ha cam Xã Đoài cùng hàng trăm gốc ổi, cam sành, bưởi da xanh… Cây tiêu mới chỉ trồng 6 tháng nhưng đã cao hơn 2m, phát triển tốt. Còn cây cam sau 1 -2 tháng trồng và được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nên đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Anh Thông cho biết: “Đây là lần đầu tiên cây cam, cây tiêu được đưa vào trồng theo quy mô lớn ở Quế Phong. Dù mới chỉ một thời gian, nhưng các giống cây này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Chúng tôi quyết tâm làm thành công mô hình, từ đó tạo sức lan tỏa, mở ra hướng mới cho nông nghiệp huyện Quế Phong”.
...Ấy chỉ là “mục sở thị” 2 trong số hàng trăm mô hình kinh tế trang trại phát triển mạnh trong những năm qua trên địa bàn huyện Quế Phong. Theo thống kê của UBND huyện, đến nay toàn huyện có 162 trang trại, trong đó có 87 trang trại cho thu nhập bình quân từ 35 - 40 triệu đồng/năm; 7 trang trại có doanh thu từ 500 triệu đồng/năm (đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 27), trong đó có 2 trang trại có doanh thu đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/năm. Con số cuối cùng vẫn chưa dừng ở đây, bởi đánh giá tình hình cho thấy, mô hình kinh tế trang trại nông, lâm, thuỷ sản kết hợp tăng nhanh theo từng năm.
Điểm tiếp theo mà đoàn công tác của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm là vùng nguyên liệu chanh leo tại xã Tri Lễ. Mô hình trồng chanh leo ở Tri Lễ thành công là điều đã được khẳng định. Các mô hình đã bước đầu tạo sức lan tỏa rộng rãi, phát triển thành quy mô hàng hóa có sự gắn kết cụ thể giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước. Hiện nay, Công ty CP Đầu tư - Phát triển nông nghiệp Napaga, thuộc Công ty Nafoods đã đầu tư hoàn chỉnh trung tâm sản xuất giống trên địa bàn với quy mô giai đoạn 1 rộng 1 ha, có khả năng sản xuất 2 triệu cây giống mỗi năm với sự vào cuộc của chuyên gia Đài Loan. Hiện tại, đây là trung tâm sản xuất giống chanh leo lớn nhất khu vực.
Với số lượng giống này, công ty không dừng lại việc cung ứng cho vùng nguyên liệu trên địa bàn mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Công ty đang chuẩn bị xây dựng giai đoạn 2 của trung tâm sản xuất giống, dự kiến vào tháng 10/2015 trên diện tích 2 ha để cung cấp giống cho vùng nguyên liệu chanh leo khoảng 5.000 ha ở Tây Nguyên và 5.000 ha ở Tây Bắc đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Vùng nguyên liệu chanh leo trên địa bàn Quế Phong cũng được quy hoạch với diện tích 800 ha và hiện nay đã trồng 150 ha, trong đó của người dân là 115 ha, còn lại thuộc Công ty CP Đầu tư - Phát triển nông nghiệp Napaga.
Ông Phạm Duy Thái, Giám đốc công ty cho biết: “Năm nay, tổng sản lượng chanh leo khoảng 4.000 tấn. Giá thu mua dự kiến dao động từ 8.000 -10.000 đồng/kg quả. Chúng tôi đã ký kết hợp đồng tiêu thụ cho nông dân trồng chanh leo từ đầu vụ và đảm bảo mua hết cho bà con. Bên cạnh đó, ngoài vùng nguyên liệu chanh leo đã được phê duyệt, chúng tôi đang xúc tiến các thủ tục để xin quy hoạch bổ sung 600 ha trồng chanh leo trên địa bàn Quế Phong”. Với những bước phát triển đó, Quế Phong đang trở thành một trung tâm sản xuất giống và trồng chanh leo lớn nhất nước. Thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp này đã và đang mở ra lối thoát nghèo, thậm chí làm giàu cho nhân dân địa phương. 
Như vậy, có thể khẳng định rằng, lĩnh vực nông nghiệp của Quế Phong đã có những kinh nghiệm phát triển mới về chất. Từ các mô hình trang trại cho đến phát triển các vùng nguyên liệu, đều được định hướng sản xuất theo quy mô hàng hóa và dần chứng minh được hiệu quả trong thực tế sản xuất, kinh doanh; qua đó, không những mang lại hiệu quả cho một số cá nhân, đơn vị cụ thể mà bước đầu tạo sức lan tỏa, tác động lớn đến nhận thức và trình độ canh tác của một bộ phận không nhỏ người dân địa phương đang  có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. 
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thăm trang trại của gia đình anh Hoàng Quốc Hải1.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thăm trang trại của gia đình anh Hoàng Quốc Hải1.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp như: phân nén NK, cá lồng, vịt bầu, chanh leo, gạo Japonica, nấm... được xây dựng và nhân rộng thành công đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác ở Quế Phong. Làm việc với lãnh đạo huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tốc độ giảm nghèo của Quế Phong chưa xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển. Mấu chốt ở đâu?
Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý: Thời gian tới, huyện cần phải làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và thu nhập từ rừng. Phát triển kinh tế hộ và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; xác định các vùng sản xuất gắn với địa chỉ cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. 5 năm tiếp theo, qua thực tế và những phân tích đánh giá, có thể thấy mô hình tăng trưởng chủ đạo giúp Quế Phong khai thác tốt tiềm năng, thoát khỏi huyện nghèo, đó chính là đẩy mạnh xu hướng liên kết giữa các nhà theo cách tăng cường lên mức độ cao hơn ở những sản phẩm đã làm được và tiếp tục hình thành ở những sản phẩm được đánh giá là thế mạnh khác sắp được triển khai trong thời gian tới.
Nhật Lệ

Tin mới