“Giải thưởng cháu Bác Hồ” từ Trung thu năm ấy

(Baonghean.vn) - Nghe các cụ truyền lại, Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám âm lịch mỗi năm, nguyên là ngày lễ hội của những người làm nghề nông, trên một đất nước hầu hết làm nông nghiệp như Việt Nam.

Thời gian này, cấy cày mùa vụ đã xong, người dân có chút nhàn rỗi, nên ban ngày sửa soạn thờ cúng tổ tiên và các thần linh cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đến tối thì bày cỗ trông trăng, trẻ ngồi nghe ông bà kể lại sự tích chị Hằng Nga và chú Cuội. Ở thị thành, trai tráng tụ hội thành đoàn rước sư tử, rước rồng, kéo theo cái đuôi là đám trẻ hưởng ứng nồng nhiệt.

Từ ngày tết của nông dân, dần dà Trung thu lại được coi là tết của trẻ con, dành cho trẻ con. Các đoàn thể, gia đình xem đây là dịp bày tỏ tình cảm, sự chăm chút tới trẻ cả vật chất và tinh thần theo một cách riêng. Nhiều cái Tết Trung thu sau ngày nước ta dành Độc lập, Bác Hồ dù bận bịu vẫn gửi thư, thơ thăm các cháu yêu, cùng nhiều lời chúc thật tốt lành, vì các cháu là hình ảnh thu nhỏ của đất nước nay mai: “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới.” (Thư Trung thu năm 1951). Còn vì một lí do nữa, là “Già Hồ rất yêu mến các em”.

Bác Hồ với các cháu TN-NĐ đón Tết Trung thu tại Chiến khu Việt Bắc

Trên Báo Vệ Quốc quân (số 57, ra ngày 1-12-1949), Bác Hồ cho biết, Tết Trung thu năm 1949, Bác nhận được từ các cháu nhi đồng xã Nam Hồng (chưa rõ địa danh này thuộc tỉnh nào?- K.H), một bộ áo nâu và số tiền 1.400đ. Áo, các cháu biếu Bác kính yêu, còn tiền thì các cháu nhờ Bác gửi biếu các chiến sĩ. Thế rồi Bác đã dùng bộ áo cùng số tiền thêm vào 600đ cho đủ 2000đ, rồi thay mặt các cháu treo một giải thưởng gọi là “Giải thưởng Bác Hồ”. Tính từ thời điểm đó, chú vệ quốc quân, chú dân quân du kích nào giết được nhiều giặc, cướp được nhiều súng, lập được nhiều công nhất ở mặt trận Trung du, sẽ được trao giải...

Thế là, cùng với “Giải thưởng cháu Bác Hồ” được các cháu nhi đồng và Bác Hồ háo hức mong đợi, thì “các anh lớn càng phải gắng thi đua lập nhiều công” hơn trước!

Nhớ lại, Tết Trung Thu năm 1949 là Trung thu kháng chiến thứ 3 của các cháu. Bác Hồ thấy rõ trong “Thư gửi các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu” năm này, là “thức gì cũng hơi thiếu thốn hơn trước, cho nên có lẽ Trung thu này các cháu cũng ít bánh quà hơn năm ngoái!”. Tuy nhiên, Bác rất mừng vì năm này quân dân ta đang tiến dần tới thắng lợi hoàn toàn, các cháu ở mọi miền tiến bộ hơn năm ngoái về cả thi đua học hành cũng như thi đua cùng người lớn tham gia kháng chiến giết giặc Tây.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở Việt Bắc

Trong Thư trung thu năm 1951, mở đầu Bác Hồ có hai câu thơ thật hay gửi các cháu nhi đồng, cho mãi đến hôm nay còn được rất nhiều người ngâm nga đến thuộc lòng:

Trung thu trăng sáng như gương,

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng...

Thực ra, không chỉ đến Tết Trung thu nhìn trăng sáng và tròn, Bác mới nhớ tới các cháu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi, nhắc nhở người lớn, động viên tuổi nhỏ, ghi nhận và đánh giá cao thành tích của các cháu thiếu nhi trong cả nước. Rõ ràng, ngoài tấm lòng của một vị Chủ tịch, trong Bác Hồ còn có tấm lòng cả nghĩ của một người ông ruột rà đối với các cháu thân thương của mình...GS Trần Văn Giàu có lần viết, đại ý thân mật với trẻ, săn sóc tuổi trẻ, đặt hy vọng vào tuổi trẻ, trồng người từ tuổi niên thiếu một cách có ý thức, có hệ thống thì có thể nói là xưa nay ở xứ ta chưa từng thấy ai bằng Cụ Hồ, cũng chưa từng thấy người Việt Nam nào được nhi đồng thương yêu, tôn kính bằng Cụ Hồ!

Với mẩu chuyện “Giải thưởng cháu Bác Hồ” kể trên, chúng ta có thêm một câu chuyện xúc động, độc đáo của một thời vận nước gặp rất nhiều gian nan, mất mát để bổ sung vào cái kho tàng chuyện vui Trung thu nước nhà!

Kim Hùng

Tin mới