Hiệu quả thiết thực trong giảm nghèo ở Tương Dương

(Baonghean) - Một trong những dấu ấn trong nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ Tương Dương là đã đề ra chủ trương và các giải pháp xóa nghèo bền vững, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nâng cao nhận thức của nhân dân, do vậy công tác giảm nghèo trên địa bàn đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo từ 71,8% đầu nhiệm kỳ xuống còn 39,38%, bình quân mỗi năm giảm 6,5%.

Đa dạng các mô hình kinh tế
Thăm gia trại của CCB, Phó Chủ tịch MTTQ xã Thạch Giám (Tương Dương) Vi Đức Tuấn mới thấy được sự nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo của ông. Trên diện tích chỉ vẻn vẹn trên 1.000 m2, với phương châm, “lấy con này bù con kia”, ông Tuấn đã nuôi lợn bản địa, lợn rừng lai, nuôi bồ câu, nuôi dê... Sở dĩ mô hình của ông Tuấn hiệu quả bởi ông tận dụng một cách triệt để lực lượng lao động trong gia đình, nguồn thức ăn tự sản xuất được (lúa, ngô, sắn) làm thức ăn tinh. Hiện tại, với số lượng gần 50 con lợn các loại, trong đó có 5 con lợn nái mẹ, gần 60 đôi bồ câu, 18 con dê... cho thu nhập ổn định, lợi nhuận hàng năm gần 100 triệu đồng. Không những giỏi, năng động phát triển kinh tế gia đình, ông Tuấn còn giúp đỡ 4 gia đình trong bản Mon, nơi ông sinh sống cách thức chăn nuôi, cho con giống để làm theo như hộ ông Chu Văn Quang, Lô Thị Thơm, Nguyễn Thị Bình, La Thị Loan.
Nuôi giun quế tạo thức ăn cho gia cầm của hộ ông Hà Văn Bình, bản Tân Hợp, xã Tam Thái.
Nuôi giun quế tạo thức ăn cho gia cầm của hộ ông Hà Văn Bình, bản Tân Hợp, xã Tam Thái.
Cũng tại xã Thạch Giám, chúng tôi thăm mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất rau an toàn do Sở KHCN hỗ trợ triển khai tại bản Phòng, quy mô 2ha có 25 hộ tham gia. Mô hình triển khai bắt đầu từ vụ Đông năm 2012 và đến cuối năm 2013 thì kết thúc. Trong thời gian này, dự án hỗ trợ giống, phân bón, tư vấn đầu ra về sản phẩm, kỹ thuật trồng rau an toàn. Khi dự án kết thúc, người dân đã nắm vững kỹ thuật canh tác, chủ động mở rộng diện tích lên 3ha.
Trên ruộng rau xanh mướt, chị Lô Thị Tâm, trưởng nhóm trồng rau an toàn đang thu hoạch hành và bắp cải vui vẻ cho biết: “Tham gia mô hình, tôi biết được cách gieo giống, chăm sóc, bón phân hiệu quả và an toàn. Bình quân mỗi năm chỉ trồng rau an toàn 4 tháng nhưng thu nhập mang lại bình quân khoảng 16 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 2 triệu đồng. Nhờ trồng rau mà gia đình tôi đã thoát nghèo”. Hiện nay, có 10 hộ trong bản thoát nghèo nhờ tham gia trồng rau. 
Đến thăm một số mô hình kinh tế tại các xã Tam Quang, Tam Thái mới thấy hết sự trăn trở của các hộ dân nơi đây, họ đã tận dụng những điều kiện thực tế đẩy nhanh việc thoát nghèo. Thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Lô Thị Lý ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, với kiến thức có được từ lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn, chị Lý tự tin vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi 90 con lợn thịt, lợn đen, không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, khẳng định mô hình chăn nuôi hiệu quả bền vững. Hay tại bản Tân Hợp, xã Tam Thái, mô hình chăn nuôi bò nhốt, nuôi gia cầm tập trung cho hiệu quả kinh tế cao của ông Hà Văn Bình. Dọc theo khe Pặc Quàng, ông Bình xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi bò nhốt vừa tận dụng được lượng thức ăn trồng men theo khe, vừa bảo vệ được rừng.
Trên khu vực trang trại, ông Bình nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, ngan. Thu nhập từ phương thức chăn nuôi tổng hợp trên cơ sở tận dụng các điều kiện lợi thế này mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Sự linh hoạt trong xây dựng các mô hình kinh tế, xóa nghèo bền vững còn thấy rõ khi ngăn đập Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, trong điều kiện nước hồ dâng cao, được cơ chế hỗ trợ của huyện, nhiều hộ bà con đã đầu tư làm lồng nuôi cá. Sở hữu 2 lồng cá, bà Lộc Thị Bình ở bản Nhẵn, nguyên bí thư Đảng ủy xã Thạch Giám đã tiên phong nuôi cá và hướng dẫn cho 9 hộ dân khác trong bản cùng làm theo. Bà Lộc Thị Bình cho biết: “Phải tận dụng những lợi thế địa phương và trăn trở thì mới có phương kế làm ăn thoát nghèo được. Nuôi cá lồng, chăn nuôi bò sinh sản, trồng rừng là những điều kiện rất có lợi thế ở đây để thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.    
Nhất quán chỉ đạo thực hiện
Tương Dương là huyện nghèo của cả nước, kinh tế - xã hội còn rất khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình kinh tế được xem là chìa khóa để huyện đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Để dấy lên phong trào giảm nghèo sâu rộng và nâng cao trách nhiệm của TCCS đảng, cũng như các đảng viên, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương trong nhiệm kỳ đã ban hành Chỉ thị số 19 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế. UBND huyện đã cụ thể hóa về việc ban hành Đề án “Phân công các cơ quan, phòng ban cấp huyện giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo giai đoạn 2013-2020”.
Theo đó, các cấp ủy đảng phải trực tiếp chỉ đạo việc tổng kết công tác xây dựng mô hình kinh tế, đồng thời lựa chọn nội dung để xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương mình. Gắn trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế cho các cấp ủy viên, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn cấp huyện, trưởng các ban, ngành cấp xã để mỗi năm xây dựng ít nhất 2 -4 mô hình/bản. HĐND huyện bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về xây dựng mô hình kinh tế, bên cạnh đó, huyện tích cực lồng ghép kinh phí từ Chương trình 135, 30a, khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư,… để xây dựng, triển khai các mô hình. Vì vậy, qua hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 19 thực sự đã tạo nên một làn gió mới trong việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. 
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành chuyên môn, trong nhiệm kỳ, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được chuyển giao; nhiều mô hình đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất giúp người nông dân Tương Dương nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế.
Từ năm 2011 đến nay, huyện Tương Dương đã tổ chức được 248 lớp dạy nghề và tập huấn kỹ thuật với hơn 6.500 lượt người tham gia; triển khai xây dựng được trên 700 mô hình kinh tế như chăn nuôi, trồng rừng, đan lát, nuôi trồng thủy sản, thổ cẩm. Trong số đó, huyện hỗ trợ 269 mô hình, số còn lại là nhân dân tự đầu tư. Trong 5 năm qua đã tạo việc làm mới cho 14.706 lao động. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, các mô hình đang tiếp tục duy trì phát triển đạt kết quả tốt, thu nhập ổn định từ 15 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 71,3% (năm 2011) xuống còn 47,24% năm 2014, và dự báo năm 2015 giảm xuống 39,8%..
Trao đổi về những kinh nghiệm giảm nghèo sau khi có Chỉ thị 19, đồng chí Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Bài học quan trọng nhất là cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đối với công tác giảm nghèo; coi mục tiêu xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời phải thực hiện tốt công tác rà soát, điều tra chính xác hộ nghèo và nguyên nhân dẫn đến đói nghèo để có chủ trương, kế hoạch và biện pháp, chế độ hỗ trợ phù hợp theo quy định. Chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chế độ chính sách đối với người nghèo, cận nghèo, giúp người nghèo hiểu được những chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo, từ đó động viên người nghèo tự vươn lên”.
Những kinh nghiệm từ thực tế trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 về giảm nghèo nhanh, bền vững thông qua việc xây dựng các mô hình kinh tế là bài học hết sức quan trọng để Đảng bộ và nhân dân huyện Tương Dương phát huy trong giai đoạn tới để thực hiện tốt mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo.
Hữu Nghĩa

Tin mới