Khai mở kho báu miền Tây Nghệ An

(Baonghean) - Nghệ An có sự đa dạng sinh học rất cao với khu vực miền Tây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Qua điều tra, đánh giá trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 loài có giá trị dược liệu khác nhau và nhiều nguồn gen, sản phẩm nông nghiệp có tính đặc hữu. Làm thế nào để phát huy và khai thác được kho báu này? - là một trong những vấn đề được đặt ra trong cuộc làm việc vừa qua giữa đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh và lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Tính đa dạng sinh học cao

Đề tài nghiên cứu của Sở KH&CN cho thấy, miền Tây Nghệ An có nhiều loài có giá trị cao như sâm Puxailaileng, đẳng sâm, tam thất, nấm linh chi đỏ, trà hoa vàng… Tuy nhiên, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Doanh nghiệp trên địa bàn chưa quan tâm đến phát triển lĩnh vực đông y. Công tác thu hút các doanh nghiệp dược và phát triển dược liệu mới manh nha.

Trong khi đó, theo đánh giá của tỉnh, dược liệu trên địa bàn bị tư nhân thu mua bán ra nước ngoài, thậm chí có loại, tư thương mua theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc nhưng không hiểu “họ mua làm gì?”; và cũng không kiểm tra được vì chưa có chế tài quản lý do dược liệu đang được xếp vào nhóm lâm sản phi gỗ. Và nhiều loại đang trong trạng thái gần như tuyệt chủng ở cấp báo động đỏ.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đã xác định lấy công nghiệp dược và phát triển dược liệu là 1 trong 4 mũi đột phá. Điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển hiện nay khi công nghiệp dược là ngành có triển vọng phát triển mạnh trong tương lai do chứa đựng hàm lượng khoa học, công nghệ cao và mức tiêu thụ tăng mạnh khi mức sống người dân tăng lên.

Cây trà hoa vàng hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Quế Phong. Ảnh: Đào Tuấn
Cây trà hoa vàng hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Quế Phong. Ảnh: Đào Tuấn

Ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học công nghệ địa phương, Bộ KH&CN đánh giá: Nghệ An là tỉnh rất đặc thù, đa dạng về điều kiện tự nhiên, địa hình, đất đai, khí hậu, sinh học, văn hóa. Khi biết khai thác lợi thế của đa dạng sẽ tạo được lợi thế trong cạnh tranh để phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập.

“Sản xuất dược liệu trong nước mỗi năm được 3.000 tấn, trong khi nhu cầu hàng chục ngàn tấn. Các doanh nghiệp dược đang phải nhập khẩu dược liệu Trung Quốc sơ chế, người dân lại bán những cây thuốc quý. Nghệ An có rất nhiều loại dược liệu. Lợi thế này cần phát huy”, ông Liễu nói.

Đặt mối tương quan giữa tiềm năng của Nghệ An và nhu cầu thực tế của thị trường, cho thấy định hướng của Nghệ An phát triển dược liệu rất phù hợp, nhưng hiệu quả thu được đang thực sự là trăn trở của các cấp quản lý, trong đó có ngành KH&CN.

Tại cuộc làm việc với của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đã nêu lên 7 định hướng ưu tiên phát triển KH&CN của tỉnh, trong đó y - dược là một trong những mũi quan trọng được nhấn mạnh.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đã thay mặt lãnh đạo tỉnh đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ các dự án rất quan trọng đối với khu vực miền Tây Nghệ An là: “Dự án ứng dụng KH&CN phát triển dược liệu và công nghiệp dược trên địa bàn tỉnh, trước mắt tập trung phát triển một số dòng sâm: Puxailaileng, vũ điệp, tam thất hoang, bảy lá một hoa và dự án ứng dụng KH&CN phát triển trà hoa vàng”. 

Nhân giống trà hoa vàng ở Quế Phong. Ảnh: Đào Tuấn
Nhân giống trà hoa vàng ở Quế Phong. Ảnh: Đào Tuấn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ cho dự án đổi mới công nghệ phát triển chuỗi cây chè nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm chè, dự án nâng cao chất lượng đàn bò địa phương… Đây là lợi thế về nông nghiệp, nếu được phát huy tốt sẽ tạo được bước đột phá nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là ở khu vực miền Tây Nghệ An.

Trong đó mục tiêu đặt ra đối với dự án phát triển chuỗi cây chè là nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh, muốn vậy ngoài du nhập giống mới chất lượng cao thì việc nghiên cứu đổi mới công nghệ chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm chè đủ chất lượng vào được các thị trường cao cấp như Tây Âu, Bắc Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ.

Đối với dự án ứng dụng KH&CN nâng cao chất lượng đàn bò địa phương trên địa bàn các huyện miền Tây, thì tập trung vào các mục tiêu nghiên cứu quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cải tạo giống bò, quy trình chăn nuôi, tìm giải pháp để tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, đặc biệt là xuất khẩu.

Dự báo những năm sắp tới nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng bình quân 20%/năm. Theo số liệu của ngành Y tế, chỉ tính riêng về thuốc chữa bệnh, ngành công nghiệp dược Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 48% nhu cầu, trong khi đó năm 2013, tổng giá trị thị trường thuốc nước ta đã lên đến 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng năm bình quân giá trị dược liệu cung cấp cho các bệnh viện y học cổ truyền trên toàn quốc lên đến con số trên 1.500 tỷ đồng.


Vào cuộc với tinh thần hành động

Hoàn toàn đồng tình với những định hướng ưu tiên trong phát triển KH&CN của tỉnh, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá, hướng đi của Nghệ An là phù hợp với “dòng chảy” chung và hướng chuyển dịch chính sách của Bộ và lĩnh vực KH&CN ở nước ta.

Dẫn lại câu chuyện ở hội nghị dược liệu toàn quốc vừa diễn ra do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, ở nước ta đã có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phát triển cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài, có những sản phẩm đã vào được thị trường khó tính như Mỹ và được cấp bằng sáng chế.

Truyền cảm hứng từ những câu chuyện thành công đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ủng hộ cách làm đối với cây gấc và trà hoa vàng được tỉnh triển khai gắn với thu hút doanh nghiệp đầu tư thành công và nhận định đã nhìn thấy hình hài chính sách về phát triển KH&CN ở Nghệ An. Vì đằng sau những mô hình này, Nhà nước đã có sự chuẩn bị trước bằng một số nghiệp vụ khoa học nhất định. Sau đó, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Khi doanh nghiệp lớn mạnh có thể thành viện nghiên cứu hoặc hỗ trợ nghiên cứu đổi mới, chuyển giao công nghệ. “Chính sách của ta tiếp tục tập trung vào đây, bước đi này hết sức phù hợp”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Giống bò của đồng bào Mông ở Nghệ An có giá trị cao. Ảnh: Thành Duy
Giống bò của đồng bào Mông ở Nghệ An có giá trị cao. Ảnh: Thành Duy

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, đây cũng là hướng tiếp cận mà Bộ KH&CN cùng tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp để thực hiện không chỉ trong lĩnh vực dược liệu mà còn với các sản phẩm nông nghiệp khác theo kiến nghị của tỉnh. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh lựa chọn sự ưu tiên để tập trung đầu tư cao cho từng sản phẩm nhất định.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo các vụ, cục có liên quan, trước hết Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương làm đầu mối xem cái nào trước, cái nào sau theo ưu tiên của tỉnh nhằm đưa vào các chương trình KH&CN quốc gia để hỗ trợ”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh các cơ quan của Bộ “sáp vô” để hỗ trợ Nghệ An bằng tinh thần hành động.

Có thể nói, cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN với lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã thúc đẩy mạnh mẽ cam kết, đồng hành giữa hai bên. Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, nhiều “đề bài” cụ thể đối với lĩnh vực KH&CN được đưa ra để về phía Bộ KH&CN, tỉnh Nghệ An cùng phối hợp giải quyết để xây dựng Nghệ An thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về KH&CN, đặc biệt là vấn đề khai thác được “kho báu” ở miền Tây Nghệ An như dược liệu, nông nghiệp.

Điều này vừa mở ra hướng đi phù hợp với văn hóa bản địa, vừa bảo vệ khai thác nguồn tài nguyên bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo được sinh kế bền vững để nhân dân địa phương không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ chính tiềm năng vốn có trong không gian sống gắn bó bao đời.

Cũng tại cuộc làm việc, trả lời kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường về giúp huyện Nam Đàn xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN nhằm thực hiện mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về hỗ trợ Nam Đàn xây dựng nông thôn mới, giải pháp hiện nay có 2 kênh, đó là Bộ NN&PTNT phụ trách chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ KH&CN một thành viên tham gia; còn kênh thứ hai là trực tiếp do Bộ KH&CN thực hiện, qua đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc tổ chức rà soát và làm việc cụ thể ở Nam Đàn để xác định trúng vấn đề hỗ trợ.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới