Khám phá Mường Quàng: Bài 1: Thần thợ săn lập mường

(Baonghean) - Khu vực các xã Quang Phong, Cắm Muộn (huyện Quế Phong) từng tồn tại một mường cổ của người Thái với tên gọi Mường Quàng. Ngày nay dấu vết của mường cổ này chỉ còn lại trong những câu chuyện kể và những ngọn núi, hang đá, khúc sông nhưng lại chứa đầy những điều thú vị về một vùng văn hóa độc đáo. Báo Nghệ An xin giới thiệu về những điều lý thú này qua chuyên đề “Khám phá Mường Quàng”. 

Người ta tin rằng thần thợ săn Mo Phan và nàng Vi Xốm chính là những người đầu tiên lập nên Mường Quàng. Nơi cư trú của họ là cái hang đá có tên Thằm Mẹ Mọn ở bản Chiếng (Quang Phong - Quế Phong) ngày nay.

Nơi trời rộng, sông dài
Tính cả 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn thì Mường Quàng có 25 bản người Thái và 1 bản người Khơ mú, số dân ngót nghét vạn người. Ấy vậy mà khi mới hình thành, Mường Quàng mới chỉ có 8 bản. Đó là thông tin từ già bản Lang Văn Ngọ trú bản Mỏng 3, xã Cắm Muộn (Quế Phong) nguyên là cán bộ Tỉnh đoàn Nghệ An rồi Huyện ủy Quế Phong nghỉ hưu từ năm 1978. Năm nay đã  65 tuổi đảng, 85 tuổi đời nhưng ông Ngọ vẫn còn rất minh mẫn, ưa nghiên cứu, viết lách. Ông thực sự là một kho tư liệu về vùng Mường Quàng vốn còn đầy những bí ẩn. 
Bản Chiếng nhìn từ hang núi Thằm Mẹ Mọn.
Bản Chiếng nhìn từ hang núi Thằm Mẹ Mọn.
Trong một buổi sáng mát dịu chớm thu, ngồi giữa  gian khách trên căn nhà gỗ ở bản Mỏng 3, ông Lang Văn Ngọ kể cho chúng tôi nghe về Mường Quàng xưa. Ông bắt đầu bằng vị trị địa lý của vùng đất: Vùng Mường Quàng ở khu vực Tây Nam huyện Quế Phong, nằm giữa vùng thung lũng  dãy Pù Huống của huyện Tương Dương và Pù Kẹp của các xã Châu Kim, Mường Nọc huyện Quế Phong, một mặt giáp xã Tri Lễ và Nậm Nhoóng. Bao quanh Mường Quàng là 27 ngọn núi đá vôi dựng đứng với nhiều hang động đẹp ăn sâu vào lòng núi. Nhìn từ xa những mạch đá vôi tựa hồ tấm thảm khổng lồ bằng cẩm thạch. 
Dưới thời Pháp thuộc, Mường Quàng gọi là tổng Quang Khẩn sau đổi thành tổng Quang Phong gồm 3 xã Bàng Nghệ, Quang Phong và Phú Thành.  Sau Cách mạng Tháng Tám tổng Quang Phong đổi thành xã Cắm Muộn. Tên gọi Cắm Muộn để nhớ về nguồn gốc xa xưa của những người lập mường (Khăm Muộn – Lào). Cái tên này còn được hiểu là lời nói vui tai. Người Thái có câu thành ngữ tạm dịch là nụ cười đẹp, lời nói vui tai để chỉ những người con gái đẹp người, đẹp nết.
Mường Quàng trải dài trên lưu vực con sông Quàng bắt nguồn từ dãy núi có tên gọi Pha Cà Tún giáp biên giới Việt – Lào. Cạnh dòng sông là những bản người Thái khá trù phú. Thay vì trồng lúa rẫy như nhiều địa phương khác, từ lâu người Thái ở Mường Quàng đã biết canh tác lúa nước. Những cánh đồng lúa xanh tươi gợi lên vẻ thanh bình. Tên gợi Mường Quàng gợi về một vùng trời rộng, sông dài.
Mo Phan lập Mường Quàng
Chuyện lập mường của người Thái ở miền Tây Nghệ An hầu hết chỉ còn trong những câu chuyện kể nửa hư nửa thực. Những nhân vật anh hùng lập nên Mường Quàng cũng vậy. Trong những câu chuyện mà ông Lang Văn Ngọ cố công sưu tầm từ nhiều năm nay có chuyện về Mo Phan, thần thợ săn đến từ vùng Khăm Muộn (Lào) lập nên Mường Quàng.
Về lai lịch, thần thợ săn Mo Phan cũng khá đặc biệt. Ngày xưa xứ Do Chi vùng miền Tây Nghệ An ngày nay rất nhiều hổ. Hổ ngang nhiên đến bắt người mà không ai chống lại được. Vua Âu Lạc sai Xử Thảo có phép thuật thần thông đến giúp dẹp nạn hổ. Trong cuộc diệt trừ hổ dữ, Xử Thảo cứu được nàng Tiên rồi lấy làm vợ. Vua Do Chi giao cho Xử Thảo làm quan cai quản những cùng đất mà chàng đã đánh đuổi được nạn hổ dữ. Sau đó con gái út của Xử Thảo là nàng Quàng được gả cho Tạo Khun ở Khăm Muộn (Lào) và sinh ra Mo Phan. 
Vốn thích săn bắn nên chàng Mo Phan và đội thợ săn tràn đến vùng đất trù phú sản vật, muông thú dồi dào. Tại đây Mo Phan trở nên giàu có bởi nhiều nhung hưu, gạc nai, sừng tê giác, ngà voi. Ông Phò Vi Thong là cha của nàng Vi Xốm ở mường Ca Da muốn chiếm lấy gia sản nên tìm cách cho con gái kết hôn với Mo Phan. Ngày ấy vùng Mường Quàng chưa có người ở. Vợ chồng Mo Phan đưa nhau về sống trong hang có tên Thằm Phá Chiếng. Hai vợ chồng yêu thương gắn bó. Khi nàng Vi Xốm mang bầu, Mo Phan luôn ở bên túc trực chăm sóc. Hai vợ chồng sống với nhau đến trăm tuổi và mất tại hang núi này. Về sau trai gái người Mường Quàng ai cũng mến mộ mối tình gắn bó của Mo Pha và nàng Vi Xốm. Tết đến trai gái lại hội tụ về đây giao duyên để mong tìm được một mối lương duyên gắn bó cả đời. Xuân về nơi đây luôn vang lên tiếng ca hát của trai gái vì thế có tên là Thằm Mẹ Mọn với ý nghĩa là nơi của tiếng hát nhuôn chứ không phải hang con tằm như nghĩa thông thường người ta vẫn hiểu. Hiện hang núi này ở bản Chiếng, Xã Quang Phong. Đây cũng là bản trung tâm của Mường Quàng ngày trước.
Mo Phan có 3 con trai là Hún Quang Học, Hún Quang Phong và Hún Quang Thành. Mỗi người lập thành một bản riêng ở vùng rừng núi Mường Quàng. Thế nhưng khi ấy vẫn chưa thành tổ chức, mường chưa có người đứng đầu. Về sau những người thợ săn khác tìm đến và mâu thuẫn xảy ra. Có người bắn nhầm vào nhau nhưng không có ai đứng ra giải quyết. Nàng Vi Xốm bàn với chồng cho họp các con và những toán thợ săn lại tại hang Phá Chiếng. Tại đây mọi người cử Mo Phan, người tài giỏi nhất là người đứng đầu tất cả các bản. Mo Phan lấy tên của mẹ mình là nàng Quàng để đặt cho tên mường mới. Con sông chảy qua mường cũng gọi là sông Quàng.
Mở rộng mường và những cuộc đấu tranh
Sau khi Mo Phan qua đời, người con trưởng Hún Quang Học không biết có được cử làm tạo mường hay không nhưng ông liên quan đến những biến cố của vùng đất. Theo tư liệu của ông Lang Văn Ngọi thì ông Hún Quang Học có 2 con gái đẹp vô song, trong đó có nàng Ón Quang Piếng kết duyên với Tạo Lo Nghệ. Vốn có sức vóc hơn người nên Lo Nghệ đã mở mang được nhiều đất đai. Lo Nghệ ở rể trong nhà ông Hún Quang Học về sau nảy sinh tư tình với mẹ vợ và bị phát giác. Ông Hún Quang Học bỏ về bản Chiếng ở với em trai là Húng Quang Thành. Từ đó ông đặt ra lệ không cho phép con dâu ngồi chung mâm cơm với bố chồng, con rể không ăn chúng với mẹ vợ. Tập tục này hiện vẫn thấy ở nhiều cộng đồng dân tộc ở miền Tây Nghệ An.
Tạo Lo Nghệ về quê đón em trai là Tạo Lo Páng đến ở cùng. Về sau ông Lo Páng lấy vợ và khai khẩn nên những cánh đồng lúa nước. Người dân Mường Quàng tin rằng chính ông Lo Páng là người đã dạy người dân làm lúa nước. Ngày nay ở Mường Quàng có những cánh đồng lúa mang tên Lo Páng. Sau này khi người Hán kéo đến khai thác vàng, Lo Páng cũng học cách làm theo và chuyển về bản Cắm, nơi có nhiều vàng sa khoáng cư trú. 
Về sau, chẳng nhớ là dưới triều đại nào, người Hán ở phương Bắc lại đến khai thác vàng và bạc ở Mường Quàng. Bị xâm lấn đất đai, người Mường Quàng dưới sự đứng đầu của tạo mường Lo Ngán đứng lên đấu tranh. Mường Quàng tồn tại đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền phong kiến, thực dân bị lật đổ và tổ chức mường cũng tan rã.
Những câu chuyện về Mường Quàng của ông Lang Văn Ngọ dẫu rằng nửa hư, nửa thực nhưng nó phản ánh một cách chân thực một thời kỳ đã lùi vào quá khứ của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa cũng như lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ cộng đồng.
(còn tiếp)
Hữu Vi - Đào Thọ

Tin mới