Khám phá Mường Quàng - Bài 2: Kỳ thú những hang động

(Baonghean) - Ở xã Quang Phong huyện Quế Phong, tức Mường Quàng xưa có những hang động đẹp gắn với lịch sử lập mường của người xưa. Cách đây 66 năm có một chi bộ đảng của miền Tây Nam huyện Quỳ Châu đã được thành lập trong hang đá.

Lâu đài hóa đá
Trong những ngày rong ruổi khắp hơn hai chục bản ở Mường Quàng, tôi có nhiều ấn tượng về bản Chiếng xã Quang Phong. Nghe đâu xưa kia đây là trung tâm, nơi ở của người đứng đầu Mường Quàng. Từ trụ sở xã vào bản chỉ có một con đường độc đạo. Một mặt có núi Phá Chiếng, một mặt là sông Quàng bao bọc lấy bản làng, địa thế khó công, dễ thủ. Tôi thầm khen cho người xưa khéo chọn vùng đất dễ bảo vệ bản mường trước giặc giã. Khi nguy cấp, dân bản có thể trốn vào các hang núi, trong đó có Thằm Mẹ Mọn. Có lẽ nhờ vị trí đặc biệt vậy mà nơi đây vẫn còn nguyên một nếp sống cổ xưa. Những câu hát nhuôn, một điệu dân ca mà người Thái Mường Quàng khá yêu thích. Về đây tôi mới biết rằng trong bản có không ít người thuộc những bài hát về hang đá huyền thoại Thằm Mẹ Mọn..
Phiến đá Choong Nang, nơi truyền thuyết cho là giường ngủ của nàng Vi Xốm.
Phiến đá Choong Nang, nơi truyền thuyết cho là giường ngủ của nàng Vi Xốm.
Nghe hỏi chuyện bằng tiếng Thái lại biết rằng nhóm chúng tôi muốn thăm thú Thằm Mẹ Mọn, một phụ nữ hát cho tôi nghe mấy bài về hang núi này, trong đó có bài ngắn gọn chỉ 3 câu hát nhuôn vừa để răn dạy con gái đã đến tuổi lấy chồng, vừa nói lên sự cuốn hút khó cưỡng lại của hang núi cũng là chốn vui chơi của trai gái bản:
Bảo đi rẫy mày bảo đau mắt
Bảo ra ruộng mày nói bị ốm
Bảo vào Thằm Mẹ Mọn mày nhanh nhẹn như hươu.
Nghe xong bài hát, đôi chân tôi cũng chợt nhanh nhẹn hẳn lên. Sau một lúc leo núi, Thằm Mẹ Mọn đã hiện ra trước mắt. Hang đá ở ngay lưng chừng núi. Nhìn lên cửa hang không có vẻ gì đặc biệt vì lối vào chỉ đủ cho hai người cùng sánh bước. Tôi mỉm cười với ý nghĩ đây quả là một sự sắp xếp khéo léo của thiên tạo cho những người thích sự riêng tư. Vừa bước qua cửa hang, anh cán bộ văn hóa xã Quang Phong ngăn tôi lại chỉ lên nhũ đá giống hình người trên cửa hang. Người dân Mường Quàng gọi nhũ đá là Mẹ Man, nghĩa là người đàn bà mang bầu. Bên cạnh tượng Mẹ Man là một người đàn ông lực lưỡng đứng bảo vệ. Người ta tin rằng đó là thần thợ săn Mo Phan và nàng Vi Xốm. Hai người chung sống cho đến khi già và chết đi rồi hóa thành nhũ đá. 
Ông Lang Văn Liêm kể chuyện thành lập chi bộ đảng
Ông Lang Văn Liêm kể chuyện thành lập chi bộ đảng
Người ta tin rằng hàng nghìn người có thể thoải mái vào hang vui chơi mà không sợ chật chội. Bởi hang đá có 5 buồng đá rộng rãi, mỗi buồng đá lại có một cái tên khác nhau. Buồng ngoài gọi là Phông Nọc, nơi có 2 bức tượng đá, họ là một cặp vợ chồng chung thủy. Trong khi người vợ mang bầu, người chồng luôn ở bên chăm sóc. Phông Cuông là buồng có giường ngủ của nàng Vi Xốm. Buồng Mò Nin là nơi có nhũ đá hình cái chạn là nơi nàng Vi Xốm nhuộm vải may trang phục cho gia đình. Buồng Pành Hàn (bánh rán – tiếng Thái) với những nhũ đã hình chiếc bánh rán, một thứ đồ cúng vẫn gặp trong một số ngày lễ của người Thái. Ngoài ra có có buồng Thằm Bình trước kia là nơi cư ngụ của loài dơi.
Người Mường Quàng kể cho nhau nghe rằng, trong thời gian cư ngụ trong hang đá, nàng Vi Xốm dùng phiến đá lớn ở buồng Phông Cuông làm giường ngủ. Hiện nay người ta còn có thể nhìn thầy một đôi gối đá và những thớ đá buông xuống chân giường trông mềm mại như vải lụa. Phông Nọc, nơi có 2 bức tượng đá được Mo Phan dùng để họp bản. Phông Thằm Bình cao ráo, kín đáo để cất giữ tài sản, vũ khí… 5 căn buồng đá tựa hồ một không gian sinh sống xa xưa  khiến người ta dễ liên tưởng về tòa lâu đài bị phù phép và hóa đá trong những câu chuyện cổ tích. Theo anh Lang Văn Tuấn, cán bộ văn hóa xã Quang Phong thì mỗi nhũ đá buông thõng xuống lòng hang đều có thể tạo nên những nốt nhạc thú vị khi gõ vào. Trong lúc cao hứng, anh Tuấn cầm hòn đá gõ vào những nhũ đá tạo ra tiếng cồng chiêng vang động khắp lòng hang. Chúng tôi như được kéo vào không khí những ngày hội vui nhộn từ thuở xa xưa nào.
Anh Lang Văn Tuấn chia sẻ: Ngày trước, vào những ngày xuân bản Chiếng lại mở hội Thằm Mẹ Mọn. Vào ngày này, dưới bản trên hang đều nhộn nhịp người đi hội. Trai vác khèn bè, sáo khắp, sáo nhuôn lên hang thổi gọi con gái bản lên vui hội để chọn bạn đời. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hội Thằm Mẹ Mọn dần đi vào quên lãng. Anh Tuấn cho biết: Ngày nay giới trẻ chỉ ham mê chốn thị thành hơn những hang núi nên không ai đi chơi hội Thằm Mẹ Mọn nữa.
Vào hang lập chi bộ Đảng
Có một hang đá khác ở bản Tả (xã Quang Phong) ở dưới chân núi Phá Tả. Cửa hang ngoảnh mặt ra cánh đồng lúa thơ mộng. Theo tư liệu của ông Lang Văn Ngọ, lão thành cách mạng ở bản Mỏng xã Cắm Muộn thì hang núi còn có tên là Thằm Phá Tả. Trông xa hang đá như người khổng lồ đầu đội khăn, mặt quay về hướng Đông Bắc.
Hang đá ở khá gần đường cái, lối lên rậm rì cây cối. Người dẫn đường bảo trước kia người dân ở bản Tả vẫn lên đây lấy phân dơi bón ruộng. Lòng hang hẹp và kín đáo. Hang có 2 lối vào chính. Theo truyền thuyết, đây là thần núi Phú Tả chọn làm nơi hội họp của dân bản. Từ đây người ta cũng có thể quan sát cảnh làm lụng của người dân trên đồng lúa, qua đó học hỏi kinh nghiệm cấy lúa nước. 
Hang đá Thằm Chán còn gắn với một thời kỳ cách mạng của một phần huyện Quỳ Châu (cũ) nay là khu vực Tây Nam huyện Quế Phong. Theo ông Lang Văn Liêm, con trai của ông Lang Văn Quốc, Bí thư chi bộ đầu tiên của Chi bộ xã Cắm Muộn thành lập ngày 10/6/1949, thì chi bộ khi ấy có 4 đảng viên. Người về gây dựng phong trào đảng ở khu vực này là một cán bộ ở Tỉnh ủy Nghệ An khi ấy là ông Nguyễn Quốc Sủng. Ngày ấy mỗi xã chỉ có 1 chi bộ đảng, ông Lang Văn Quốc được bầu làm Bí thư chi bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Cắm Muộn. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của khu vực Tây Nam huyện Quế Phong. 
Chi bộ thành lập trong hang động nhưng sau đó chuyển ra sinh hoạt ở những trụ sở bí mật tại nhiều làng bản khắp Mường Quàng. Ngày ấy, nhờ sự che chở của bà con làng bản nên dẫu bị sự kìm kẹp của giặc nhưng vẫn giữ được an toàn. Đây là một thời kỳ gian lao nhưng rất đáng tự hào của người dân Mường Quàng. 
Ông Lang Văn Liêm cho biết: Hang đá Thằm Chán thực sự là một di tích cách mạng có ý nghĩa đặc biệt đối với địa phương. Tuy nhiên, nhiều người thế hệ trẻ ngày nay không hề biết đến. Qua hỏi chuyện một số người trẻ trong ban quản lý thôn bản, thậm chí họ không hề biết đến sự kiện thành lập chi bộ đảng vào năm 1949 ở Thằm Chán.
Hữu Vi - Đào Thọ
TIN LIÊN QUAN

Tin mới