Kiểm soát việc đốt nương, làm rẫy

(Baonghean) - Mùa nắng cũng là mùa bà con dân tộc ở huyện rẻo cao phát dọn thực bì, đốt nương làm rẫy. Bởi vậy, nguy cơ gây cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, các huyện vùng cao đang có những giải pháp chủ động phòng, chống cháy rừng.

Ông Lương Văn Xuyên - Trưởng bản Cánh Tráp (xã Tam Thái, huyện Tương Dương) cho biết: Bản Cánh Tráp có 220 hộ, làm trên 70 ha rẫy luân canh. Đến thời điểm này bản đã phát nương đốt rẫy được trên 40 ha. Quá trình đốt rẫy, Ban quản lý bản cùng với cán bộ nông nghiệp xã trực tiếp hướng dẫn bà con quy trình đốt rẫy. Cụ thể trước khi đốt rẫy đều làm trước đường băng cản lửa để khi đốt tránh tình trạng lửa cháy lan vào rừng. Khi đốt phải canh lửa rừng và dập kịp thời nếu xảy ra cháy.
Chủ tịch UBND xã Tam Thái, ông Lô Vĩnh Tình cho biết thêm: Những năm 2000 về trước toàn xã Tam Thái có trên 700 ha rẫy, nay xã chỉ còn trên 220 ha rẫy. Ngay từ đầu mùa nắng nóng, xã cùng kiểm lâm địa bàn tổ chức tập huấn cho bà con thôn bản quy trình đốt nương rẫy. Hướng dẫn cho bà con biện pháp phòng cháy khi xảy ra tình huống đốt rẫy xảy ra cháy rừng. Nhờ vậy mà ở đây lâu lắm rồi không có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó nguyên nhân xã Tam Thái giảm được diện tích rẫy là do nhưng năm qua xã tập trung khai hoang ruộng nước, nâng tổng diện tích gần 100 ha lúa nước. Xã còn khuyến khích bà con phát triển mô hình kinh tế như trồng rừng, trồng mét, đặc biệt là nuôi 17 lồng bè cá trên sông Lam… 
Chúng tôi lên bản Cửa Rào II, xã Xá Lượng - Tương Dương, tại vùng quy hoạch làm rẫy thấy cơ bản bà con đã làm xong phần phát dọn đường băng cản lửa. Chị Đậu Thị Liên, Bí thư bản Cửa Rào II nói: Bản có 130 hộ dân nhưng chỉ có 30 ha rẫy, chia cho 40 hộ dân. Để nghiêm cấm canh tác nương rẫy xâm hại vào rừng tự nhiên, Ban quản lý bản và cán bộ xã trực tiếp kiểm tra khâu phát dọn thực bì, nếu phát hiện các hộ dân lấn chiếm trái phép thì kịp thời nhắc nhở xử lý, nếu cố tình vi phạm thì báo cáo lên cấp trên để xử lý. Ông Vi Tình ở bản Cửa Rào II làm 0,8 ha rẫy cho hay: Trước khi đốt rẫy, ngoài việc phải báo cáo với chính quyền địa phương, các gia đình cùng huy động nhân lực giúp nhau đốt rẫy để khi xảy ra sự cố thì có sẵn lực lượng  xử lý kịp thời. 
Huyện Tương Dương có 174.618 ha rừng, hiện chỉ còn 2.000 ha rẫy. Ngoài việc làm rẫy luân canh theo quy hoạch, do đời sống của đồng bào các dân tộc còn khó khăn, thiếu đất ruộng nước nên một bộ phận nhân dân vẫn còn tình trạng đốt nương rẫy trái phép. Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Tương Dương cho biết: Trước thực trạng trên, Tương Dương đã triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng do đốt nương làm rẫy gây ra. Cụ thể là xác định vùng trọng điểm sản xuất nương rẫy dễ gây ra cháy rừng bao gồm các xã như: Mai Sơn, Hữu Khuông, Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng, Lượng Minh, Tam Hợp, Lưu Kiền, Yên Hoà, Yên Tĩnh, Xiêng My, Nga My... Hạt tổ chức ký cam kết với người dân đốt nương làm rẫy chỉ được đốt ở những khu vực quy hoạch, đốt rẫy đúng với quy trình kỹ thuật. Trước khi đốt, phải báo cáo với chính quyền địa phương để được hướng dẫn.
Ngay từ đầu mùa nắng nóng Hạt kiểm lâm đã phối hợp với các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con quy trình đốt nương làm rẫy. Đặc biệt các ngành chức năng cấp huyện, xã đã tiến hành khoanh vùng sản xuất nương rẫy, xây dựng và triển khai thực hiện phương án sản xuất nương rẫy, thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất nương rẫy, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các  thôn bản để chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân thực hiện. 
Ở Quế Phong, để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng do đốt nương làm rẫy, UBND huyện Quế Phong đã có Quyết định số 33/QĐ/UB ngày 29/1/2015 “Về việc thành lập Ban chỉ đạo giao rẫy huyện Quế Phong” do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ tịch UBND huyện giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác giao rẫy. Căn cứ tình hình thực tế ở các xã tổ chức giao rẫy cho các bản thiếu ruộng nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất lương thực của nhân dân. Chỉ đạo chính quyền xã lập Ban chỉ đạo giao rẫy cấp xã, hướng dẫn nhân dân làm rẫy đúng quy định. Sau khi triển khai rà soát nhu cầu sử dụng đất nương rẫy, huyện đã tiến hành giao 330 ha rẫy cho các xã: Thông Thụ, Đồng Văn, Cắm Muộn, Quang Phong… Để đảm bảo diện tích sản xuất rẫy cho người dân, tránh tình trạng phát rừng làm rẫy trái phép. Ban chỉ đạo giao rẫy UBND xã xã căn cứ vào chỉ tiêu được phân của xã (Theo thông báo của UBND huyện), và căn cứ vào điều kiện thực tế của từng thôn bản như: diện tích lúa nước của từng bản, xem bản nào thiếu lương thực thì mới xây dựng kế hoạch giao rẫy.  
Ông Trần Đức Lợi, Hạt phó Kiểm lâm Quế Phong cho hay: Hạt đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tiến hành tổ chức khoanh vùng rẫy đúng đối tượng, đúng vị trí theo quy hoạch. Ban hành hướng dẫn, các văn bản liên quan đến công tác khoanh rẫy, cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo nhân dân khoanh rẫy, sản xuất rẫy đúng quy định. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ và hướng dẫn nhân dân phát, đốt rẫy đúng kỹ thuật. Kiểm soát người dân đi vào rừng, ngăn chặn các hành vi lợi dụng việc đốt rẫy làm ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, phát đốt rừng trái phép.
Mới đây Hạt kiểm lâm đã phát hiện 1 hộ dân thuộc xã Đồng Văn phát rẫy trái phép gần 800 ha, Hạt kiểm lâm đã xử phạt hành chính 2,6 triệu đồng. Khó khăn là Đồng Văn hiện 6 bản tái định cư Thủy điện Hủa Na, trong khi diện tích đất lúa nước chỉ có 50 ha. Đất nương rẫy được giao trên 65 ha, do thiếu thốn đất sản xuất những năm qua có nhiều  bà con thường vi phạm phát rẫy trái phép ngoài vùng quy hoạch. Sau khi được giao rẫy, Ban lâm nghiệp xã đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện xử lý kịp thời...
Văn Trường
Mới đây huyện Tương Dương đã xử lý hình sự 2 vụ án chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy, phạt hành chính 5 hộ dân, 1 hộ/40 triệu đồng vi phạm chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy (các hộ dân trên đều thuộc xã Hữu Khuông). Thời điểm nắng nóng kéo dài như hiện nay Tương Dương sẽ cho tạm dừng việc đốt dọn nương rẫy.

Tin mới