Làm giàu trên đất khó

(Baonghean) - Anh Vi Văn Dũng (SN 1964) ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) là một nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo. Dựa vào lợi thế sẵn có ở địa phương, anh xây dựng mô hình trang trại, dần vươn lên làm giàu, là tấm gương cho bà con trong vùng noi theo... 
Ngày trước, anh cũng như bao người dân trong bản sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, phụ thuộc vào thiên nhiên, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nên năng suất thấp, mùa màng bấp bênh, thường xuyên thiếu đói. Anh đã ra Bắc, vào Nam làm đủ mọi nghề để kiếm sống, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 1996, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, anh mạnh dạn nhận hơn 9 ha đất rừng toàn cỏ dại, lau lách. Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, anh kể: “Nhiều lần nản chí vì sức lực hai vợ chồng có hạn, không có tiền thuê người làm, mà đất toàn cỏ dại, cằn cỗi, bạc màu. Có khi đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng tận mắt chứng kiến những nông dân khác, điều kiện đất đai khó khăn hơn nhiều, vậy mà họ vẫn xây dựng được những trang trại cho thu nhập cao, lẽ nào mình bó tay? Trong khi đó, mình lại là đảng viên, là  chi hội trưởng nông dân của bản, mình càng phải trăn trở để phát triển kinh tế vừa lo cho gia đình, vừa làm gương cho dân bản”. 
Anh Vi Văn Dũng chăm sóc đàn bò.
Anh Vi Văn Dũng chăm sóc đàn bò.
Trên mảnh đất ấy quy hoạch theo mô hình tổng hợp VACR, với 5.420 m2 đất ruộng lúa bậc thang, 500m2 ao cá, 500m2 đất trồng các loại rau, 1,8 ha trồng các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, muỗng, ổi, cỏ voi…, còn lại là diện tích đất rừng vừa khoanh nuôi, bảo vệ, vừa trồng thêm một số cây lấy gỗ. Để phục vụ cho sản xuất, anh đã mở gần 200m đường, ngăn khe suối đầu tư hơn 1.000m ống nhựa dẫn nước tưới và chạy máy phát điện. Bao mồ hôi, công sức, đất không phụ công người, đến nay, gia đình anh đã có đàn bò gồm 20 con, lợn đen giống địa phương 10 con, đàn gà luôn duy trì hơn 100 con, ao cá 500m2, khu rừng bảo vệ đã có 20 cây gỗ đinh hương, 300 cây săng lẻ, 300 cây xoan đâu từ 5 – 7 tuổi đã đến kỳ cho thu hoạch…
Nhờ cần cù, chịu khó của cả gia đình, chủ động được nước tưới, cung cấp nguồn phân chuồng đầy đủ và cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh có khoa học nên các loại cây, con phát triển tốt. Mỗi năm đàn bò sinh sản khoảng 10 bê bán ra được khoảng 60 - 70  triệu, đàn lợn: 10 triệu đồng, cây ăn quả, rau các loại: 15 – 20 triệu, cá: 5 – 6 triệu; lúa: 3,5 tấn vừa đảm bảo lương thực cho gia đình, vừa cung cấp thức ăn cho đàn gia súc, góp phần giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi.
Khi tích góp được lưng vốn, anh đầu tư 100 triệu đồng về huyện Diễn Châu mua 2 máy cày làm đất, 1 máy tuốt lúa, 1 hệ thống máy xát liên hoàn, máy nghiền bột gia súc phục vụ cho gia đình và bà con. Tổng thu nhập của gia đình đạt từ 130 -150 triệu đồng/năm. Thời gian tới, anh dự kiến sẽ thuê máy móc san ủi quy hoạch lại diện tích đất ruộng bậc thang để thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất, giảm diện tích trồng lúa, tăng thêm diện tích trồng rau phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Ông Lương Văn Hoan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Cạ cho biết: “Anh Dũng là người tiên phong trong phong trào phát triển đa dạng các loại hình sản xuất trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương.
Không chỉ là một người sản xuất, kinh doanh giỏi, mà anh Vi Văn Dũng còn tích cực tham gia học tập để nâng cao kiến thức nhằm phục vụ công việc được giao cũng như trong phát triển kinh tế. Với cương vị Chi hội trưởng Hội Nông dân bản Hòa Sơn, anh tham gia tích cực các hoạt động xã hội; vận động bà con vươn lên phát triển kinh tế, xóa bỏ dần phong tục tập quán lạc hậu trong đời sống và sản xuất; biết ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất… Anh sẵn sàng giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất cho bà con, đến nay, một số hộ đã học tập làm theo mô hình của anh và bắt đầu có thu nhập…”.
Nhiều năm liên tục gia đình anh đạt danh hiệu Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, được Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tặng bằng khen…
Trần Văn Đức
(Huyện ủy Kỳ Sơn)

Tin mới