Đổi thay Phà Đánh

Phà Đánh (Kỳ Sơn) là một xã địa bàn rộng, giao thông trắc trở, sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ thiếu đói luôn ở mức cao. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và chương trình phát triển kinh tế của địa phương, đời sống của đồng bào Thái, Khơ mú nơi đây đã có nhiều khởi sắc...
 
Để tạo ra sự đổi thay bước đầu của một xã nghèo, bên cạnh những chủ trương, chính sách, dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 30a của Chính phủ, Đảng uỷ, chính quyền xã cũng đã có những kế hoạch, chương trình hành động kịp thời, đồng bộ và những nghị quyết sát đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân giảm diện tích lúa rẫy, hạn chế phá rừng, tích cực tận dụng các loại đất, mở rộng diện tích các loại cây màu như ngô lai, khoai sọ, bí xanh, lạc, cây chủ thả cánh kiến; phát triển chăn nuôi trâu bò, gà đen, lợn đen...

Xã cũng chủ trương nhân rộng các mô hình kinh tế và duy trì các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, trồng dâu nuôi tằm của dân tộc Thái, mây tre đan của dân tộc Khơ mú. Nhờ vậy, đến nay toàn xã đã có tổng diện tích lúa rẫy 391,8 ha, diện tích ruộng nước 8,5 ha, diện tích ngô 204 ha, rau màu các loại 30 ha, diện tích ao cá 16.750 m2, tổng đàn trâu 144 con, bò 1.374 con, lợn 810 con, dê 60 con, gia cầm 3150 con... Đời sống vật chất, tinh thần của 633 hộ, 2969 khẩu đồng bào Thái, Khơ mú ở 10 bản trong toàn xã được nâng lên, tệ nạn ngày càng bị đẩy lùi.

 Trụ sở, trường học của xã Phà Đánh được xây dựng mới khang trang.

Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá mới ngày càng lan toả. Phong trào văn hoá, văn nghệ thể thao được duy trì, 10/10 bản đều có đội văn nghệ, bóng chuyền. Toàn xã có 62% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá.Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm, tỷ lệ phát triển dân số giảm từ 1,8% năm 2009 xuống còn 1,6% năm 2010. 2 trường Tiểu học và THCS Phà Đánh 1 và Phà Đánh 2 đều có cơ sở vật chất trường lớp ổn định. Tổng số học sinh của cả hai cơ sở hiện nay là 571 em ở 44 lớp. Trong năm học vừa qua, không có học sinh bỏ học giữa chừng.

Bên cạnh bước chuyển biến đó, Phà Đánh cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn: sản xuất manh mún, giàn trải, hiệu quả thấp, phát huy nội lực trong nhân dân chưa nhiều, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn nặng nề. Ông Lô Văn Xu- Phó Bí thư trực đảng xã Phà Đánh cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 30a/CP và các chương trình, dự án đầu tư tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người lao động, phát triển kinh tế gia đình...Góp phần tạo ra sự khởi sắc rõ nét của Phà Đánh trong xây dựng đời sống nông thôn mới.

Khánh Ly

Tin mới