Bao giờ Phá Đáy thoát nghèo?

Một làng nhỏ gồm 18 hộ với 60 nhân khẩu (thuộc xã Châu Bính- Quỳ Châu) sống trong một thung lũng xung quanh là núi đá. Đến nay vẫn không đường, không điện, không giếng nước, chỉ có một ngôi trường được Đại sứ quán Đức tài trợ nhưng mấy năm nay không có giáo viên về dạy. Học sinh nơi đây phải vượt 7 cây số đường dốc đá mới tới được trường học.


Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra dưới ánh sáng của mớ củi ướt bởi mấy đêm mưa, chốc chốc trưởng bản Vi Văn Bình lại phồng đôi má gầy xương để thổi lửa, hai con mắt ông ướt mèm, bóng ông chập chờn trên vách nứa. Ông say sưa kể cho tôi nghe về Phả Đáy cùng với nước mắt: "Phá Đáy vẫn còn nghèo lắm, một năm đói ăn 6 tháng, giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa, suối Kèm Ôm ngập băng, học sinh không thể đến trường. Nhiều gia đình quá nghèo không đủ sức cho con đi học nhưng các cháu học sinh lại rất yêu chữ, yêu trường, nhiều bận mùa giáp hạt mang cả bụng đói đến lớp. Kể đến đây mắt ông lại rưng rưng mỗi lần nhớ về quá khứ...

Bao giờ Phá Đáy thoát nghèo? ảnh 1


                      Cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng người dân Phá Đáy


Hơn 25 năm trôi qua, làng Phá Đáy xưa vẫn hiện hữu trong ông, họ sống với nhau rất đoàn kết và thương yêu nhau như anh em một nhà. Bỗng một hôm người dân trong làng phát hiện làng mình có người bị bệnh phong, thế rồi họ lần lượt bỏ làng mà đi, ông Bình cũng phải theo gia đình ra vùng ngoài sinh sống, lúc đó ông mới gần 30 tuổi. Ra vùng ngoài, ông lại thương và nhớ Phá Đáy đến nao lòng, khao khát được quay vào Phá Đáy mạnh như con sóng ngầm đang dần dật chạy trong huyết quản. "Tôi quay vào có được không?",

ông hỏi bí thư xã Châu Bính thời đó như vậy. Và ông Bình sống cùng Phá Đáy cho đến tận bây giờ. Người Phá Đáy rất mến khách. Khách đến nhà, có bất cứ thứ gì cũng đưa ra đãi. Dù cuộc sống người dân Phá Đáy đang nghèo nhưng giàu lòng nhân ái, các hộ dân chia ngọt sẻ bùi lúc khó khăn hoạn nạn. Ông Bình kể, có năm được mùa bí, cả bản chỉ có nhà ông Hùng có xe máy, thế là cả bản mượn xe chở bí ra trung tâm chợ bán, năm ấy được giá, bà con vui lắm.


Thương đồng bào Phá Đáy cần cù, chịu khó mà cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng. 60 nhân khẩu chỉ được 4 ha ruộng trong khi đó chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên.

Dẫu có được mùa thì trung bình mỗi gia đình phải chịu đói 4-5 tháng. Mấy năm nay đồng bào khai hoang, tận dụng mọi nguồn đất hoang để trồng sắn, trồng tre bát độ lấy măng, chăn nuôi gà, vịt, cá. "Chiến thuật" cứu đói của người dân nơi thung lũng này vẫn là lấy các đọt măng, mây, chuối rồi đi bắt tép ở khe về nấu canh ột, củ khoai, củ mài thay cơm.

Nguồn nước vô cùng vất vả. Muốn lấy được nước suối người dân cũngphải đi bộ mất gần 2 cây số, mọi sinh hoạt chỉ biết trông cậy vào những cái ao, mương, người dân đào chăn nuôi vịt, cá. Thương nhất vẫn là các em ngày ngày vượt trên 7 cây số đường gập ghềnh tới trường, ngày mưa lũ Kèm Ôm ngập nước các em phải bỏ lớp, bỏ trường.


Mong sao cho điện về khắp Phá Đáy, cho đường bớt gập ghềnh hơn, cho trường học không còn bỏ hoang, cho người dân thoát khỏi đói nghèo... Nhưng trước mắt hãy mong một con đường để người dân đi lại dễ dàng, không còn cô lập mùa mưa lũ, để sản phẩm đồng bào Phá Đáy làm ra đưa đến các chợ một cách thuận lợi, để cuộc sống của người dân Phá Đáy đỡ tối tăm hơn và cái nghèo không còn đeo đẳng trên gương mặt mỗi con người.


Thu Hương

Tin mới