“Thương hiệu” rau sạch bản Phòng

(Baonghean) Nhớ đến những ngày hè ở vùng “rốn nóng” Tương Dương, hẳn nhiều người sẽ hình dung về một vùng đất cằn khô, cây cối tàn héo. Thế nhưng, khi đặt chân đến cánh đồng rau của bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương), chúng ta sẽ nhận thấy sắc màu xanh tươi và sự sống dồi dào của vùng đất vốn dư thừa nắng nóng này. Cảnh tượng dễ bắt gặp trên đường vào bản là chị em gùi rau ra chợ Thị trấn Hòa Bình, nét mặt ai cũng hồ hởi, vui vẻ.

Trên đường dẫn chúng tôi ra cánh đồng rau bản Phòng (nằm cách bản khoảng 1km), anh Mạc Xuân Núi, phó bản cho biết: “Đây là dự án ứng dụng tiến bộ KHCN, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn” do Khoa Nông- Lâm- Ngư, Trường ĐH Vinh triển khai thực hiện từ tháng 6/2011. Diện tích 2 ha trước đây là vùng đất cằn cỗi, dân bản khai hoang trồng lúa nhưng quanh năm thiếu nước nên hầu hết phải bỏ hoang. Nay thì anh thấy, nó đã trở thành vùng chuyên canh rau sạch cho thu nhập cao”.

Dự án này đã thu hút 35/165 hộ ở bản Phòng tham gia, bình quân mỗi hộ được khoán trên dưới 600 m2 để sản xuất sau sạch. Những hộ tham gia dự án được cán bộ Khoa Nông- Lâm- Ngư (ĐH Vinh) và Trạm Khuyến nông- khuyến ngư huyện Tương Dương hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và hỗ trợ giống. Tùy vào từng thời điểm trong năm, bà con sẽ được hướng dẫn trồng các loại rau thích hợp với điều kiện thời tiết. Các loại rau thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây là rau cải, rau dền, cà chua, đậu cô-ve, cà tím, mồng tơi và dưa chuột...

  Mô hình sản xuất rau an toàn ở bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) 

Hình thành và phát triển vùng chuyên canh rau sạch, ngoài các yếu tố về đất đai, giống cây trồng và kỹ thuật chăm bón còn phải kể đến việc đảm bảo nguồn nước tưới, đây là một trong những yếu tố quyết định thành bại việc hình thành và phát triển mô hình chuyên canh rau sạch. Đối với dự án rau bản Phòng, nguồn nước tưới cơ bản đã được đảm bảo khi được đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống, bể chứa và vòi tưới nước được kéo đến tận các ruộng.

Gia đình anh Mạc Xuân Núi là một  trong số 35 hộ tham gia dự án sản xuất rau sạch. Hàng ngày, ngoài việc chăm lo sản xuất lương thực và chăn nuôi gia súc, gia cầm, vợ chồng anh Núi còn tranh thủ chăm bón, thu hoạch rau. Nhờ đó, sau mỗi vụ rau, gia đình anh thu về khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Đó là chưa kể việc trồng rau đảm bảo nguồn thực thực phẩm rau xanh hàng ngày cho gia đình. Anh Núi cho biết thêm: “Nhờ tham gia sản xuất rau sạch, các gia đình ở bản Phòng có thêm nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống. Việc tiêu thụ rau sạch lại rất thuận lợi, đem ra chợ chừng nào bán hết chừng ấy, thương hiệu rau sạch bản Phòng đang ngày càng được người tiêu dùng ở Tương Dương khẳng định...”!

Thạc sỹ Trần Ngọc Toàn, cán bộ Khoa Nông- Lâm- Ngư (ĐH Vinh), cho biết: “Sau 1 năm triển khai Dự án Sản xuất rau sạch ở bản Phòng, bước đầu chúng tôi đã gặt hái được kết quả. Sắp tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để nhân rộng mô hình này, giúp bà con nhân dân các huyện miền núi, vùng cao phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Tường Anh

Tin mới