Học sinh bán trú Kỳ Sơn đang chịu rét

(Baonghean.vn) - Thầy Lê Hoài Nam, giáo viên trường THCS Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) cho biết năm học này, nhà trường tiếp nhận thêm nhiều học sinh bán trú Khơ Mú và Thái của phân hiệu 2 tại bản La Ngan về cơ sở chính trong khi cơ sở vật chất chưa kịp hoàn thiện nên số học sinh này gặp nhiều khó khăn. 
 

Chăn ấm – ước mơ xa

 

Mùa đông thực sự đã tràn về, học sinh bán trú ở trường THCS Dân tộc bán trú Na Ngoi (Kỳ Sơn - Nghệ An) nhiều em đã không có chăn ấm phải ngồi co ro bên bếp lửa đến gần sáng. Cả trường có trên 50 lán tạm của học sinh các bản xa đặc biệt khó khăn, cha mẹ học sinh không đủ tiền để mua chăn, áo ấm cho các em.

 

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết tình trạng thiếu áo, chăn ấm cũng xảy ra đối với học sinh nhiều trường bán trú, trong đó có trường THCS Yên thắng (Tương Dương).


Học sinh bán trú Kỳ Sơn đang chịu rét ảnh 1

 “Trang phục” đi học mùa đông của học sinh bản Huồi Thum (Na Ngoi – Kỳ Sơn - Nghệ An) thật mong manh.
 

Học sinh Moong Thị Vỹ, lớp 9A ở trường THCS Na Ngoi cho biết: Tình trạng học sinh bán trú phải chịu rét để theo học qua mùa đông đã xảy ra từ nhiều năm. Nhưng nhiều bạn vì ham học nên vẫn gắng chịu rét để ở lại trường.

 

Vỹ là học sinh nữ duy nhất của bản Huồi Thum (Na Ngoi) theo học đến lớp 9, vốn sớm mồ côi cha, mẹ lại già yếu, em phải đi gùi lúa rãy thuê cho những bản người Mông để lấy tiền ăn học nên việc mua chăn ấm dường như là một ước mơ xa vời.

 

Cần sự quan tâm của cộng đồng

 

Khí hậu vùng cao vốn khắc nghiệt, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm tương đối lớn: Ngày nóng khô, về đêm thường rất lạnh. Chính vì thế mà học sinh bán trú ở Nậm Cắn, Na Ngoi (Kỳ Sơn) hầu như phải cần đến chăm ấm suốt cả năm học. Khi chúng tôi ghé thăm nhà bán trú của học sinh trường THCS Nậm Cắn cũng là lúc ông Xồng Bá Lì (bản Tiền Tiêu) mang chăn mới đến cho con gái đang theo học lớp 6. Ông Bá Lì cho biết vừa bán lứa lợn nên vội sắm chăn cho con ngay vì sợ tiêu hết tiền.

 

Tuy nhiên, không có nhiều em học sinh may mắn như con gái ông Xồng Bá Lì, vì phần lớn đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái ở vùng cao Tương Dương, Kỳ Sơn... vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào Khơ Mú hiện nhiều nơi vẫn dựa chính vào nguồn thu nhập từ hái lượm lâm sản, rất bấp bênh.

 

Có lẽ lại đến lúc cần sự chung tay của cộng đồng để mang những “mùa đông ấm” đến vì học trò bán trú vùng cao vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.

Hữu Vi

Tin mới