Đào tạo cô đỡ thôn bản vùng khó khăn

(Baonghean) Năm 2012, Nghệ An là 1 trong 13 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ Y tế lựa chọn mở khóa học đầu tiên theo Chương trình “Đào tạo cô đỡ thôn bản vùng khó khăn” trong khuôn khổ Dự án mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của dự án là góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, giảm tai biến sản khoa ở các bản làng vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh.

Là nhân viên y tế của bản Cướm,  xã Diên Lãm - vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu, chị Quang Thị Tuyết đã chứng kiến nhiều sự việc đau lòng do tập tục của người dân thường để sản phụ đẻ tại nhà, không đến trạm xá dẫn đến tai biến sản khoa. Việc tư vấn, quản lý thai sản, khám thai định kỳ ở đây cực kỳ khó khăn. Tuyết mong muốn được đi học, đào tạo nâng cao trình độ để về tư vấn, giúp đỡ bà con. Chính vì vậy, khi được dự án Đào tạo cô đỡ thôn bản tuyển chọn đi học, chị Tuyết rất phấn khởi. Sau 6 tháng học tập tại Trung tâm CSSKSS tỉnh, từ chỗ không biết gì, đến nay Tuyết đã thành thạo những kỹ thuật trong khám thai, đỡ đẻ… Chị Tuyết cho biết: “Từ khi được tham gia khóa đào tạo này, tôi đã nắm được nhiều kiến thức của các thầy, các cô dạy như cách nhận biết có thai, nhận biết những dấu hiệu bất thường của sản phụ, khi mang thai phải tiêm phòng uốn ván... tham gia lớp học này chúng em được các thầy cô bày vẽ rất tỷ mỷ cả lý thuyết và thực hành, cả trên mô hình thực tế, đỡ đẻ, khám thai”.

Theo tiêu chí của Bộ Y tế, 15 học viên là nữ, người dân tộc thiểu số, đang sống tại các thôn, bản thuộc vùng khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, vùng có tỷ lệ sinh tại nhà cao của 4 huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn đã được lựa chọn để tham gia lớp học này. Khó khăn nhất đối với đội ngũ giảng viên của Trung tâm CSSKSS là các học viên còn bỡ ngỡ, chưa quen với môi trường sinh sống và học tập ở thành phố, do các em hầu hết đều đến từ các bản làng xa xôi hẻo lánh. Vì vậy, trong những ngày đầu đã có 3 học viên bỏ học. Trước tình hình đó, Ban giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cán bộ y, bác sỹ của Trung tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất động viên tinh thần và vật chất để các học viên yên tâm học tập.

Bác sỹ Nguyễn Bá Tân - Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Nghệ An cho biết: Sau 6 tháng học tập, các học viên đã hoàn thành chương trình với kết quả tốt. 12 cô đỡ thôn bản sau khi hoàn thành khóa học trở về địa phương sẽ là người tư vấn, vận động nhân dân đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, đỡ đẻ tại nhà bằng gói đẻ sạch. Các cô cũng có thể tiên lượng được những trường hợp không thể đẻ được tại nhà, chuyển lên trạm y tế xã, nhằm đảm bảo an toàn cho sản phụ tại các khu vực miền núi, vùng dân tộc ít người. Cùng với mạng lưới cộng tác viên dân số, y tế cơ sở, lực lượng này sẽ góp phần vào việc hoàn thiện hơn mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS dựa vào cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ Thành - Hiến Chương

Tin mới