Bài 6: Bản sắc của người Thổ ở Giai Xuân

(Baonghean) - Dân tộc Thổ là một cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa và Tân Kỳ... với số lượng khoảng hơn 80.000 người. Có nhiều nhóm người Thổ khác nhau: Kẹo, Mọn, Cuối... và giữa những nhóm ấy, tiếng nói của họ cũng khác nhau.

>>Bài 5: Người Đan Lai trong xu thế hội nhập

Người Thổ có nhiều dòng họ: Trương, Lê, Nguyễn, Lang, Trần, Đinh... Mặc dù có nhiều thành phần phức tạp, các nhóm người Thổ với tên gọi khác nhau, sống tách biệt nhau nhưng những nét văn hoá của họ lại cơ bản giống nhau, và còn giữ được nhiều bản sắc cho tới bây giờ.

Tôi tìm về xã Giai Xuân, là nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Thổ sinh sống nhất của huyện Tân Kỳ với hơn 5.500 người, chiếm hơn 70% dân số toàn xã. Anh Nguyễn Văn Hạnh - cán bộ văn hóa lâu năm của xã Giai Xuân, cũng là người dân tộc Thổ, nói: "Chị tìm tài liệu về người Thổ thì ít lắm, không có đâu. Nhưng tìm tài liệu sống thì có ngay, muốn hỏi chi cũng được, tôi sẽ cố gắng trả lời".

Thì ra, anh Hạnh đã có gần 20 năm gắn bó với công tác văn hóa của xã, là người đã tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thổ mình rất kỹ lưỡng. Theo anh, bản làng của người dân tộc Thổ sống chủ yếu tập trung ở những nơi có mó nước hoặc khe suối, theo từng cụm và theo từng dòng họ nhóm người. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, bà con ngày xưa sản xuất canh tác lúa nương rãy "chọc lỗ tra hạt" là chủ yếu, và một phần lúa nước. Ruộng nước cho trâu dẫm, chứ chưa cày bừa như bây giờ. Công cụ điển hình của người Thổ là chiếc "cày nại" (cần nộn), giống chiếc cày chia đôi của người Kinh. Bên cạnh "cày nại" là gậy chọc lỗ tra hạt. Sau này, khi xã hội phát triển và học hỏi từ nơi khác, người Thổ cũng biết cày cấy lúa nước.

Nhiều người Thổ ở Giai Xuân vẫn thạo đánh cồng chiềng, trống và thổi kèn

Dân tộc Thổ còn nổi tiếng với nghề trồng gai và chế biến các sản phẩm từ cây gai như võng, lưới săn thú, lưới đánh cá... Họ đem những đồ dùng này để đổi lấy thứ mình không làm ra được, chủ yếu là quần áo, vì người Thổ không biết dệt vải.

Người Thổ có tục "ngủ mái". "Bây giờ có nhiều người nghĩ khác đi về cái tục ngủ mái, nhưng cái thời mà tôi lớn lên, ngủ mái nó rất trong sáng. Con trai, con gái nằm ngủ, nói chuyện để hiểu nhau, bố mẹ của cô gái cũng tạo điều kiện, dành một phòng riêng cho 2 người. Từ những đêm "ngủ mái" đó, họ quyết định bạn đời cho mình"- anh Hạnh nói.

Tục cưới xin của người Thổ có rất nhiều nghi lễ như dạm ngõ, đi hỏi, xin cưới, rước dâu... Cô dâu, khi được rước dâu qua cổng nhà chồng thì phải rửa chân, sau đó, mới được vào nhà, làm lễ cúng tổ tiên, ông bà. Trang phục của cô dâu trong ngày cưới bắt buộc phải có nón và dép mới. Hiện, tục lệ này có nhiều đám bỏ, một số đám vẫn giữ nguyên.

Phong tục ma chay của người Thổ ở Giai Xuân trước kia có nhiều nét độc đáo, đặc biệt nhất theo anh Nguyễn Văn Hạnh là múa lang bang khi có người qua đời. Múa lang bang bắt đầu vào lúc 12h đêm, quan tài để trong nhà. Múa lang bang do đội phường thực hiện. Nó giống như một cuộc diễn lại cả cuộc đời của người đã chết, từ lúc sinh ra, lớn lên, lấy vợ, những công việc thường làm... Lúc múa lang bang có kèn, mo, trống, cồng... tạo thành những âm hưởng ai oán, bi thương, cảm động, không ai có mặt xem những hình ảnh đó, nghe những bài nhạc đó mà không khóc. Khi có người trong làng mất, tất cả mọi người đều đến tập trung, mỗi nhà mang theo một con gà, hoặc một con lợn để cúng viếng.

Theo thời gian, một số phong tục, ngày lễ tốn nhiều thời gian, tiền của được bà con giản lược bớt, chỉ giữ lại nghi lễ quan trọng. Nhiều làn điệu dân ca bị mất. Quần áo, trang phục và nhà ở cũng được đồng bào Thổ học theo người Kinh cho thuận tiện. Sự thay đổi đó, nhiều người cho rằng đã làm mất đi bản sắc của người dân tộc Thổ, nhưng khi tiếp xúc với người Thổ ở Giai Xuân mới thấy họ vẫn có những đặc trưng riêng, đang cố giữ.

Những làn điệu ca múa của người Thổ như đu đu điềng điềng, tập tính tập tang, hát đối... nay đã được đưa vào trường học để dạy cho các cháu. Đặc biệt, hát đối, hát giao duyên hầu như người Thổ nào ở Giai Xuân đều hát được, ở bất cứ đâu, như thay cho sự chào hỏi, để trò chuyện với nhau. Thường thì vào những dịp lễ, Tết, có thêm tiếng nhạc, tiếng cồng thì bà con mới theo nhịp mà hát.

Tôi đến nhà ông Trương Công Yến (xóm Bàu Sen, xã Giai Xuân) là người loại nhạc cụ nào cũng chơi được, từ cồng chiêng, trống, kèn... Ông cho biết: "Nếu ở đây, vào dịp từ mùng 1 đến mùng 7 Tết, thì rộn ràng lắm, tiếng cồng chiêng, tiếng kèn, tiếng hát đối, tập tính tập tang... thâu đêm suốt sáng. Thi nhau chơi các trò chơi đánh đu, ném còn... Trẻ con, nhờ những ngày lễ Tết như thế này mà bắt chước, rồi học các điệu hát, chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, không cần ai phải dạy cả. Ngày xưa, tôi cũng học như thế, giờ con tôi cũng thế, truyền miệng với nhau thôi".

Tết của người Thổ cơ bản cũng được tổ chức như của người Kinh. Dịp Tết, họ còn làm lễ, cho trâu bò ăn bánh, để trả ơn cho con trâu suốt năm vất vả giúp người. Người Thổ coi trọng các lễ kỳ yên trước khi gieo mạ, lễ xuống đồng, lễ đi săn, lễ cơm mới... Gắn với bất kỳ hoạt động sản xuất nào, người Thổ cũng làm lễ rất chu đáo để tạ và cầu thần linh giúp cho mùa màng bội thu.

Bài, ảnh: Hồ Lài

Tin mới