Nghề ươm cây giống ở Tân Hương

(Baonghean) - Thời điểm này đi trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận xã Tân Hương (Tân Kỳ) thấy trên những triền đồi, lưng núi mướt mát màu xanh của vườn ươm cây giống. Giai đoạn này đang là chính vụ nên nhộn nhịp cảnh bà con đang “đóng” cây giống để xuất bán. Thị trường cây giống ở Tân Hương ngày càng uy tín, chất lượng nên đầu ra khá ổn định, chủ yếu phục vụ cho các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Anh Trịnh Minh Hoá, một lái xe ở Quảng Bình cho biết: “Phải chờ khoảng 2 ngày mới gom được một chuyến hàng cây giống. Các loại cây giống này chủ yếu đem về bán cho các địa phương ở Quảng Bình trồng rừng vụ xuân. Vụ xuân này tôi đặt mua cây giống đủ trồng gần 600 ha”.

Vườn ươm cây giống trồng rừng của gia đình chị Lê Thị Long

xã Tân Hương (Tân Kỳ).

Tại vườn ươm của chị Lê Thị Long ở xóm 6, mọi người đang tất bật thu hoạch cây giống. Cứ khoảng 50 cây giống được đóng cẩn thận vào một bao ni lông xếp ngay ngắn ven đường mòn Hồ Chí Minh để thuận tiện cho xe ô tô vào bốc hàng. Chị Long xởi lởi: Cây giống ở đây ươm đủ loại như keo, tràm, xoan, lát hoa… nhưng chủ lực vẫn là keo. Vụ này gia đình tôi cũng ươm được 4 sào keo, mỗi sào được khoảng 5 vạn cây, bán tại gốc 300 đ/cây, doanh thu khoảng 15 triệu đồng/sào, mỗi năm 3 vụ, thu nhập 180 triệu đồng. Trừ chi phí còn lãi 120 triệu đồng/năm”. Vườn ươm của chị Long tạo việc làm cho 4 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nghề này mà chị Long có của ăn, của để, nuôi con cái học hành. Chị Long cho biết, để có được vườn ươm keo giống thì phải đầu tư khá nhiều. Như trước đây cả khu vườn của chị là triền đồi chỉ toàn sim, mua, chị phải vay mượn tiền thuê máy húc san phẳng, sau đó dùng sức người cải tạo. Vào mùa ươm cây giống thì cả ngày lẫn đêm phải ở vườn ươm để làm.

Khác với nhiều nơi ươm cây giống cho rau màu phải cần chất đất phù sa tơi xốp thì ươm cây giống trồng rừng ở Tân Hương lại hợp với “đá non” thạch bàn. Loại “đá non” này phải đập cho vỡ vụn, tưới nước vào dùng tay bóp cho tơi mịn thì mới đổ vào bầu để ươm hạt giống. Ngoài ra, khâu kỹ thuật ươm giống rất quan trọng. Trước khi gieo hạt thì bầu đất phải được tưới đủ ẩm, chọn những hạt nhú mầm, dùng que nhọn chọc lỗ giữa bầu sâu trên 1 cm rồi gieo hạt. Hằng ngày chăm sóc luống bầu, để ý nếu có cây chết là phải thay ngay. Phải bổ sung tưới nước phân chuồng hoai, khi tưới nước phân phải tưới rửa sạch bằng nước lã. Trong khi nguồn nước ở đây cũng đang khan hiếm, có khi nước ở khe suối, ao làng cạn kiệt phải ra tận sông Con chở nước về tưới. Cây con giai đoạn ươm thường xuyên phải làm cỏ.

Ông Lê Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: “Nghề ươm cây giống được ông Nguyễn Đình Tỉnh, một nông dân ở địa phương du nhập về từ những năm 2004, sau đó được các hộ dân ở Tân Hương làm nhỏ lẻ. Thấy được hiệu quả từ nghề ươm keo giống, đến năm 2010, xã Tân Hương đã cho thành lập HTX giống cây lâm nghiệp Tân Hương. Từ khi thành lập HTX thì nghề ươm giống cây ngày càng phát triển. HTX đứng ra đảm nhiệm các khâu dịch vụ như phân bón, thuốc BVTV, đặc biệt là tìm nguồn hàng hạt giống đảm bảo chất lượng để cung ứng cho bà con, ký kết bao tiêu sản phẩm.

Đến thời điểm này, toàn xã có gần 100 hộ chuyên nghề sản xuất ươm cây giống. Nhờ từ nghề này, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện có khoảng trên 30 hộ có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm nhờ từ nghề ươm cây giống (hộ thấp nhất đạt 70 triệu đồng/năm). Để nghề ươm giống cây phát triển quy mô hơn, xã đang vận động các hộ có thu nhập cao đầu tư kinh phí để xây dựng các vườn ươm nhà lưới, trong năm nay sẽ mở rộng thêm 2ha để ươm cây dâm hom. Tân Hương đang cần được Nhà nước đầu tư hỗ trợ để xây dựng một số mô hình vườn ươm nhà lưới, xây dựng hệ thống thuỷ lợi tưới cho các vườn ươm...”.

Bài, ảnh: Văn Trường

Tin mới