Tìm về “cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”

(Baonghean) - Không biết từ bao giờ, câu ca “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” được lưu truyền trên vùng đất Môn Sơn - Lục Dạ (Con Cuông) và mời gọi biết bao bước chân du khách. Câu ca ấy đã dẫn chúng tôi về Mường Quạ vào một ngày trung tuần tháng 4, đúng và dịp kỷ niệm 82 năm thành lập Chi bộ Môn Sơn.

Ngược Quốc lộ 7A, đến cầu Khe Diêm (xã Bồng Khê), rẽ theo hướng tay trái, rồi vượt dốc Bù Ông (xã Lục Dạ), chúng ta đã chạm đến đất Mường Qụa. Đây là một vùng lòng chảo khá rộng lớn với cánh đồng mênh mông, làng mạc trù phú, sông suối mát trong được bao quanh bởi những dãy đại ngàn. Mường Quạ thời điểm này tràn ngập sắc xanh. Núi rừng, sông suối vẫn giữ sắc xanh bao la từ muôn đời trước. Cánh đồng lúa đang vào độ làm đòng cũng được bao phủ bởi sắc xanh mượt mà cùng làn hương thoang thoảng được gửi vào trong gió.

Lễ hội Môn Sơn khá phong phú với các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi trang phục và các môn thể thao, trò chơi dân gian và thi ẩm thực. Cũng như khắp mọi miền đất nước, người dân Môn Sơn - Lục Dạ về lễ hội với niềm háo hức, vui tươi xen lẫn niềm tự hào. Bà con địa phương và du khách gần xa về dự lễ hội hầu như không ai không ghé thăm hội thi ẩm thực dành cho chị em phụ nữ Mường Quạ. Mỗi bản làng cử ra 3 chị em tham gia hội thi, Ban tổ chức quy định số tiền chuẩn bị mâm cơm dự thi phải nằm trong một giới hạn nhất định, nguyên liệu và cách chế biến, bài trí phải đảm bảo giá trị bản sắc, lại đòi hỏi “ngon, bổ, rẻ”. Nhưng với sự tính toán tài tình và bàn tay khéo léo, chị em Mường Qụa đã đem đến những mâm cơm vừa dân dã lại vừa mang đầy tính thẩm mỹ.

Sắc màu gây ấn tượng với thị giác, hương vị của mâm cơm lại quyến rũ khứu giác một cách lạ lùng. Mùi thơm của xôi, của lá dong, của tôm, cá, thịt gà nướng đem lại cho ta một cảm giác thích thú và ao ước được ngồi ngay vào bàn để thưởng thức. Với chúng tôi, những người khách miền xuôi chỉ cảm nhận và tấm tắc trước vị ngon, bổ và mát lành của các sản vật núi rừng, sông suối. Những sản vật này, bà con Mường Quạ thường dâng lên để tạ ơn tổ tiên vào các dịp lễ, Tết.

Phụ nữ Mường Quạ chuẩn bị mâm cơm dự thi.

Quả thật, cũng là gạo tẻ, gạo nếp và cá tôm chế biến nên mà những món ăn của người Mường Quạ có hương vị đặc trưng, khó lẫn với món ăn nơi khác. Ngồi cạnh chúng tôi là nghệ nhân Lương Văn Nghiệp (bản Cằng - Môn Sơn) - người đã từng dành nhiều thời gian để sưu tầm những câu ca, làn điệu và nhạc cụ cổ truyền dân tộc Thái, đã lý giải về sự khác biệt của những món ăn vùng Mường Quạ. Theo ông, cách đây khoảng mấy trăm năm, tổ tiên của cộng đồng người Thái ở Mường Quạ hôm nay thực hiện cuộc thiên di từ vùng Tây Bắc đất nước vào miền Tây Nghệ An để tìm vùng đất mới.

Do cuộc thiên di này được tổ chức muộn hơn so với các cộng đồng người Thái khác, nên khi họ đặt chân đến miền Tây Nghệ An, hầu hết các vùng đất thích hợp đã có chủ. Họ phải vượt núi, băng rừng từ vùng đất Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương ngày nay để tiến về phía Nam. Một ngày, khi vượt qua dốc Bù Ông, dù còn rất mệt mỏi vì trải qua một hành trình dài, ai cũng reo vui khi nhìn thấy một vùng đất khá bằng phẳng và còn hoang sơ, chưa có dấu chân người khai phá. Nhận thấy vùng đất này lắm khe, nhiều suối, cá, tôm và muông thú nhiều vô kể nên cộng đồng người Thái ấy quyết định dừng chân khai bản lập mường. Tương truyền, ở các con suối lúc đó cá nhiều đến nỗi phải “rẽ cá mới thấy nước”.

Trong đó, có loài cá mát chuyên sống ở sông Giăng (con sông nhỏ bắt nguồn từ biên giới Việt- Lào)- một con sông quanh năm trong xanh. Cá mát sống trong các hốc đá dưới mặt sông, thường bới ngược dòng nước để ăn các thứ phù du nên rất sạch và bổ. Mỗi khi chài được cá mát, bà con thường chỉ xử lý phần ruột sơ qua (vì bụng cá mát luôn sạch), chế biến bằng cách nướng, rán, luộc hoặc kho. Mỗi cách chế biến có một sự hấp dẫn riêng, cá nướng có vị thơm dân dã, cá luộc có vị mát lành, cá nướng có vị đằm mặn, còn cá rán có hương thơm phức. Cộng đồng người Thái ở đây luôn mang ơn trời đất, núi sông đã ban tặng cho họ một loài sản vật dồi dào, ngày nay đã trở thành một món ăn đặc sản.

Đất đai bằng phẳng, lắm khe, nhiều suối chính là điều kiện thuận lợi để tổ tiên người Thái khai phá ruộng đồng, phát triển nghề trồng lúa nước và hình thành nên cánh đồng Mường Quạ hôm nay. Được tưới tắm bởi nguồn nước sông Giăng, khe Mọi và hàng chục khe suối khác, cánh đồng Mường Quạ lúa tốt bời bời, người dân quanh năm no đủ. Cho đến hôm nay, đây vẫn là vựa lúa lớn nhất của huyện Con Cuông. Điều đáng nói ở đây là do ruộng đồng phì nhiêu, luôn được tưới đủ nguồn nước trong mát nên hạt lúa ở Mường Quạ luôn chắc mẩy, trắng muốt và dẻo, có đầy đủ dưỡng chất. Vì thế, khi hạt gạo nược nấu thành cơm có vị thơm của rừng núi, vị mát của suối khe.

Cũng bởi đất đai màu mỡ mà nương rẫy ở Mường Quạ mùa nào cũng tươi tốt, từ lâu người dân ở đây quen trồng giống nếp cẩm. Thứ nếp này khi được hông xôi, lam cơm hoặc gói bánh chưng phảng phất một mùi thơm vô cùng quyến rũ, ăn một lần chắc sẽ mong có được lần sau. Và theo cách lập luận của nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, bởi những lý do trên mà câu ca “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” được hình thành và lưu truyền cho đến tận hôm nay.

Điều đáng mừng là cánh đồng Mường Quạ vẫn luôn có nguồn nước dồi dào để tưới tắm nên hạt lúa vẫn chắc mẩy, bát cơm vẫn giữ được vị dẻo thơm. Sông Giăng và biết bao khe suối khác ở Mường Quạ vẫn giữ được sắc màu trong xanh, mát dịu, không còn cảnh “rẽ cá thấy nước” nhưng cá, tôm ở đây vẫn còn có cơ hội được nảy nở, sinh sôi. Vùng Mường Quạ giờ đây nằm gần khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đã và đang thu hút du khách gần xa. Đây cũng chính là cơ hội để cộng đồng người Thái đưa câu ca của tổ tiên mình đi xa hơn, lan tỏa khắp mọi miền đất nước và đến với bè bạn phương xa.

Bài, ảnh: CÔNG KIÊN

Tin mới