Hiệu quả bước đầu “Dự án Phó chủ tịch xã”

(Baonghean) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường 600 Phó chủ tịch (PCT) xã trẻ, có trình độ đại học cho 62 huyện nghèo của cả nước, tỉnh Nghệ An có 26 người được tuyển chọn về các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Sau hơn một năm hoạt động, bước đầu, các PCT xã tăng cường đã bắt nhịp được công việc. Nhưng để đạt những kết quả nổi bật, các PCT xã cần có thêm thời gian và còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Hạ Bá Lỳ 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, sau khóa tập huấn ngắn, chàng trai người Mông này được lựa chọn làm PCT xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn. Bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng may mắn là anh được về với đồng bào mình (Huồi Tụ có 94,8% người dân tộc Mông), nên quá trình tiếp xúc với dân bản gặp nhiều thuận lợi. Xã Huồi Tụ cách trung tâm huyện lỵ Mường Xén gần 40km, hiện vẫn chưa có điện lưới, thông tin liên lạc lại bị hạn chế. Nhiều lần đi hòa giải tranh chấp đất đai, Hạ Bá Lỳ đã thuyết phục được bà con làm theo đúng pháp luật, giữ tình đoàn kết. Sau một năm gắn bó, Hạ Bá Lỳ tâm sự: “Mình còn trẻ, thiếu nhiều kinh nghiệm công tác, vì vậy, quá trình làm việc mình đã mạnh dạn hỏi các anh, các chú trong xã. Bây giờ, được sự dìu dắt của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể, mình đã vững vàng hơn. Hiện tại, mình cùng với xã và nhân dân đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, tiến tới hoàn thiện qui hoạch, xây dựng nông thôn mới đàng hoàng hơn”.

Còn đối với Lương Thị Hiền, quê ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, sinh năm 1989, tốt nghiệp ĐH Lâm nghiệp được tuyển chọn làm PCT xã Thạch Giám, huyện Tương Dương. Xa nhà, còn hạn chế trong giao tiếp, Hiền càng ý thức nhiều hơn những nỗ lực cần có của mình. PCT Hiền đã thuê chỗ ở, luôn bám sát các bản làng, vận động đồng bào tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bởi vậy, bên cạnh nương rẫy, giờ đây nhân dân xã Thạch Giám nghe theo “chị Phó Chủ tịch”, tận dụng mọi diện tích đất bằng, trồng rau màu sạch cung cấp cho thị trường. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đúng kỹ thuật để tạo thành nguồn hàng hóa… Bây giờ, bà con đã thích ứng với hướng trồng trọt, chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường.

Khi nói về quãng thời gian hơn một năm đảm nhận chức vụ PCT xã, Lương Thị Hiền chia sẻ: "Bản thân tôi cảm thấy may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác là địa bàn xã phụ trách gần Thị trấn Hòa Binh, sát Quốc lộ 7A. Hơn nữa, mình là người dân tộc Thái nên lên đây tiếp xúc với đồng bào thuận lợi hơn, hòa đồng tốt hơn. Chính vì vậy, mọi khó khăn nhanh chóng qua đi. Bây giờ bà con coi mình như người trong nhà nên khi triển khai công tác đến thôn, bản nhanh và hiệu quả cao. Bản thân tôi cũng nhận thấy mình cần cố gắng hơn nữa để làm được nhiều việc cho dân bản”.

Trên thực tế, không phải ai cũng gặp được những thuận lợi như PCT xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) và Thạch Giám (Tương Dương), bởi có rất nhiều PCT xã tăng cường là người “dưới xuôi lên” nên mới đầu, khó khăn chồng chất. Điển hình như Nguyễn Văn Huê ở huyện Anh Sơn lên làm PCT xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Vừa tốt nghiệp ĐH Lâm nghiệp, Huê trúng tuyển về ngay vùng đất Yên Tĩnh xa xôi, ở đây chủ yếu là đồng bào Thái, Khơ Mú.

  Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Huê trao đổi kỹ thuật chăm sóc rừng với người dân.

Trong 939 hộ dân toàn xã, chỉ có 3 hộ người Kinh, trên 82% thuộc diện hộ nghèo. Khi mới đặt chân lên vùng đất này, Nguyễn Văn Huê đối mặt với muôn vàn khó khăn: Tiếng đồng bào đã được học nhưng chỉ mới biết chào hỏi, chưa nói chuyện với dân được nhiều, địa bàn khó khăn, đời sống thiếu thốn. Nhưng với nghị lực của tuổi trẻ, Nguyễn Văn Huê đã từng bước tiếp cận công việc, hàng ngày học thêm tiếng đồng bào. Đến nay, anh tự tin khoe rằng mình đã giao lưu rất tốt bằng tiếng Thái với đồng bào. Mặc dù địa bàn phức tạp nhưng anh đã đi đến 9/9 bản của xã, vận động người dân trồng rừng, phát triển chăn nuôi.

Năm 2012, huyện giao chỉ tiêu xã Yên Tĩnh trồng 80 héc-ta rừng, Nguyễn Văn Huê cùng chính quyền tuyên truyền, vận động đồng bào trồng vượt chỉ tiêu, đạt 143 hécta. Năm 2013, chỉ tiêu huyện giao trồng tiếp 85 héc-ta thì nhân dân xã đã đăng ký gần 200 héc-ta. Hiện tại, anh đang cùng UBND xã tiến hành điều tra, rà soát để lập hồ sơ cấp 1.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, các tổ chức, trường học trên địa bàn.  

Huyện Tương Dương là địa phương trong tỉnh có nhiều nhất với 13 PCT xã trẻ tăng cường. Theo đánh giá bước đầu của UBND huyện. Dự án 600 PCT xã là một bước đột phá về chủ trương của Đảng, Nhà nước. Số PCT xã được tăng cường về huyện đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, có sức khỏe, chịu khó học tập thực tiễn, bám sát cơ sở để triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn huyện. Nhiều PCT xã cố gắng để thích nghi với công việc, hòa nhập với mọi người, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương ở Kỳ Sơn và Quế Phong, ở Tương Dương, một số cấp ủy đảng, chính quyền xã chưa thật sự quan tâm đến việc tổ chức đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ của PCT. Chủ tịch một số xã chưa thực sự quan tâm, giúp đỡ PCT, còn có tư tưởng “khoán trắng” phần việc đã giao, thiếu kiểm tra, đôn đốc làm cho PCT ngại tiếp xúc, chia sẻ, chưa dám thể hiện hết khả năng trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, các PCT còn thiếu nhiều kinh nghiệm va chạm thực tế, chưa hiểu hết phong tục tập quán của người dân địa phương nên khi tiếp cận, hướng dẫn sản xuất, phổ biến pháp luật gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Mặc dù các PCT thu hút có trình độ chuyên môn, nhưng điều kiện làm việc thực tế ở địa phương có nhiều khác biệt so với kiến thức học ở trường. Các PCT mới tiếp cận công việc do vậy còn nhiều bỡ ngỡ trong công tác triển khai, chỉ đạo, điều hành. Trình độ, nhận thức của người dân thấp, tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cũng có một số lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền chưa nhận thức hết chủ trương của Nhà nước đối với công tác tăng cường, thu hút trí thức trẻ về tham gia làm PCT, chưa mạnh dạn giao việc, nên các đồng chí này chưa thể hiện hết năng lực bản thân. Trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện sẽ tăng cường công tác chỉ đạo để đánh giá đúng năng lực cán bộ trẻ, phát huy những nhân tố điển hình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.

Dự án tăng cường PCT xã về các địa bàn khó khăn có thời hạn 5 năm, hiệu quả công việc của các PCT xã trẻ không chỉ đơn thuần thể hiện ở chỗ họ giúp đồng bào làm ra bao nhiêu lúa, ngô, nuôi được bao nhiêu gia súc, gia cầm mà giá trị lớn hơn là thông qua thực tế để từ đó góp phần đào tạo nguồn cán bộ kế cận cho các huyện nghèo.

Nguyên Sơn

Tin mới