Mô hình trồng rau ở bản Chiềng (Quế Phong)

(Baonghean) - Bản Chiềng, xã Tri Lễ huyện Quế Phong, cũng như nhiều bản làng ở huyện miền Tây Nghệ An, cuộc sống của người dân bản Chiềng còn rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Trong khi điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa bàn không phải là không có. Vấn đề là chưa có một đề án, giải pháp cụ thể, phù hợp để thay đổi thói quen canh tác của bà con. Chính vì vậy, đời sống của 75 hộ với 372 nhân khẩu bản Chiềng vẫn khó khăn cho dù có điều kiện để thay đổi.

Ngày 20/4/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1310/QĐ-UBND, phân công 85 cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận ủng hộ, giúp đỡ 89 xã nghèo vùng miền Tây. Bản Chiềng là một trong những bản nhận được sự giúp đỡ của Ban Dân tộc tỉnh. Sau khi tìm hiểu, khảo sát địa bàn, nhận thấy điều kiện về dân cư, thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng ở bản Chiềng hoàn toàn phù hợp với việc trồng cây rau vụ đông, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng và thực hiện đề án trồng rau an toàn tại đây.

Chị Hà Thị Chiến và nhiều người dân bản Chiềng đã quen với công việc trồng và chăm sóc cây rau.

Ông Nguyễn Đình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tập quán sản xuất của bà con lâu nay là chỉ sản xuất một vụ rồi bỏ hoang đất tới tận năm sau. Bà con không phải lười lao động mà do tư duy, nhận thức. Đó là sự lãng phí - một trong những nguyên nhân của cái nghèo. Tháng 9 năm 2012, Ban Dân tộc tỉnh đã vận động cán bộ, công chức đóng góp mỗi người 2 ngày lương để hỗ trợ bản Chiềng. Số tiền này được sử dụng để mua giống rau và thuê chuyên gia từ vùng rau huyện Quỳnh Lưu lên phổ biến kỹ thuật.

Để mô hình trồng rau an toàn thực sự tạo niềm tin cho bà con, Ban Dân tộc còn cử cán bộ bám trụ nhiều ngày ở địa bàn với nhiệm vụ hướng dẫn, động viên các hộ tích cực tham gia mô hình. Ban đầu còn có nhiều hộ nghi ngại với mô hình sản xuất mới. Thậm chí nhiều người vẫn cố bám vào thói quen cũ. Nắm bắt kịp thời tâm lý này, nhiều buổi tập huấn đã được tổ chức ngay tại bản. Đánh giá về kết quả của mô hình, ông Nguyễn Đậu Long – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quế Phong cho biết: Mặc dù đây chưa phải là đề án có nguồn vốn và giá trị lớn nhưng thực sự có ý nghĩa vì đã tác động tích cực vào nhận thức, tư duy của bà con một bản miền núi với tỷ lệ 100% đồng bào dân tộc Thái.

Từ những bước đi đầu tiên, đến nay mô hình trồng rau màu ở bản Chiềng đã xây dựng và hình thành được 1,2 ha rau các loại. Vào vụ chính, bà con trồng nhiều loại rau, trong đó có bắp cải, cải ngọt, bầu, bí, su hào… Mỗi gia đình dành từ 200 đến 400m2 đất trồng rau. Điều tưởng chừng như xa vời với người dân miền núi, giờ đây trở thành chuyện hết sức bình thường trong mỗi ngôi nhà sàn của các gia đình bản Chiềng. Đã có 75/75 hộ tham gia mô hình trồng rau xanh an toàn - theo cách giải thích của chị Hà Thị Chiến – một người dân của bản. Quả thực, đây là lần đầu tiên tôi được nghe về cụm từ “rau an toàn” ở một bản dân tộc thuộc khu vực biên giới đặc biệt khó khăn  ở miền Tây xứ Nghệ.

Rau xanh của bản Chiềng không chỉ có mặt ở chợ Tri Lễ mà đã được nhiều tư thương đưa về bán tại Thị trấn Kim Sơn – huyện lỵ Quế Phong. Ông Vi Văn Đức - Trưởng bản Chiềng cho biết: Rau của bản Chiềng rất xanh tốt. Một cách rất hình ảnh, ông thông tin: “Có những cái bắp cải to như cái ấm, nặng đến hơn 1 kg”. Được biết, vụ rau đầu tiên năm 2012, nhà nào nhiều thì thu hoạch được 3,5 tạ , ít khoảng trên 2 tạ. Tính ra trồng rau thu nhập gấp 3 lần trồng lúa, thời gian trồng và chăm sóc ngắn. Người dân không phải tìm rau xanh cho bữa ăn của gia đình trong rừng nữa.

Trở lại với câu chuyện của gia đình chị Hà Thị Chiến. Gia đình chị có 300m2 đất dành cho cây rau trong vùng mô hình do Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ. Hiện nay, ở Tri Lễ đang vào vụ cấy nên toàn bộ diện tích của mô hình chuyển sang trồng lúa, nhưng nhìn thấy cái lợi của cây rau nên chị tận dụng đất trong vườn nhà để trồng cây bí đỏ lấy ngọn, trồng cà và một số cây rau gia vị. Chị Chiến cũng cho biết, nhiều gia đình trong bản cũng làm như thế...

Bài, ảnh: Đào Tuấn

Tin mới