Những chiếc máy cày ở Bình Chuẩn

(Baonghean) - Bình Chuẩn là xã khó khăn nhất của huyện Con Cuông, nổi tiếng với những biệt danh như “xã 4 không”, “chuẩn mà chưa chuẩn”, thế nhưng, trên các bản làng heo hút hiện nay, người dân Bình Chuẩn đang thay đổi tư duy, cố gắng vươn lên vượt khó, thoát nghèo.

Trời nắng chang chang, nhưng anh Kha Văn Mùi (34 tuổi) ở bản Tông xã Bình Chuẩn vẫn huy động vợ và em trai mang máy cày ra dập nốt đám ruộng bên mép đồi cho kịp thời vụ. Trong khi anh Mùi cố gắng điều khiển chiếc máy để làm đất cho nhuyễn thì người vợ vừa dùng cuốc đào ở 4 góc bờ thửa vừa cố gắng đắp bờ, giữ nước để cấy lúa. Việc đưa máy móc vào canh tác ở các địa phương khác là chuyện rất đỗi bình thường nhưng ở Bình Chuẩn là một cuộc cách mạng thực sự. Đây là vùng đất “nghèo nổi tiếng” của xứ Nghệ, người dân quanh năm chỉ biết săn bắt, hái lượm, đốt nương làm rẫy và chờ vào gạo trợ cấp hàng năm của Nhà nước.

                                Anh Kha Văn Mùi và chiếc máy cày của gia đình.

Năm 2010, xã Bình Chuẩn được cấp 5 chiếc máy cày từ chương trình 135. Ban đầu, nhiều bản không muốn nhận máy cày vì nghĩ rằng làm lúa rẫy thì không cần máy, lúa nước thì đã có trâu bò và yêu cầu được cấp gạo hoặc tiền thay vì cấp máy. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, tư duy ấy đã thay đổi hoàn toàn vì đồng bào người Thái nhận thấy rằng, những đám ruộng trước đây mất 1 ngày trời để cày bằng trâu thì nay chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ cày, bừa máy. Vào thời điểm trên, chỉ 1 chiếc máy cày phục vụ chung cho cả bản là không đủ, nhiều người dân đã mạnh dán bán trâu bò, tự mua máy để phục vụ gia đình.

Anh Kha Văn Mùi cho biết, cách đây vài năm, khi học tập kinh nghiệm sản xuất lúa nước ở các xã của huyện Quỳ Hợp, người dân trong bản đã mạnh dạn khai hoang, làm ruộng cấy lúa. Trên những thửa đất cằn cỗi, thiếu nước, ban đầu, người dân dùng cuốc đào từng thửa nhỏ sau đó dùng trâu bò để cày nhưng vì đất quá cứng nên năng suất và hiệu quả không cao. Trước tình thế đó, anh Mùi quyết định bán con trâu được 20 triệu đồng và dồn tiền để mua chiếc máy cày. Từ ngày có máy, diện tích ruộng được mở rộng nhiều thêm, không những làm xong việc cho gia đình mà anh còn đi cày bừa thuê cho những hộ dân khác trong bản với giá 900 ngàn đồng/sào. Hiện nay, ở bản Tông có 4 máy cày, diện tích lúa nước cũng tăng lên nhanh chóng, người dân chủ động được đất sản xuất, mỗi năm làm 2 vụ lúa thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đốt rẫy như trước đây.

Từ ngày có máy cày, tư duy của người dân Bình Chuẩn đã thay đổi. Thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc đốt rừng làm rẫy thì nay người dân đã mạnh dạn khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước quanh các khe suối, thung lũng dưới chân đồi, đồng thời chủ động nguồn nước tưới bằng cách mua thêm máy bơm công suất lớn để tự phục vụ.

Đang hì hục khởi động chiếc bơm xăng để hút nước từ khe Tông lên đám ruộng nhà mình, anh La Văn An (51 tuổi), cho biết, trước đây, nước sản xuất phụ thuộc vào guồng nước tự làm, và chờ trời mưa nhưng một số người dân tính toán rằng, chi phí làm một chiếc guồng nước cũng gần bằng 1 máy bơm, năm nào cũng phải làm lại guồng, nhiều guồng làm xong được 1 ngày thì bị lũ quét cuốn trôi. Nghĩ vậy, một vài hộ dân đã chung tiền, mua máy bơm chạy xăng, thay phiên nhau sử dụng. “Giờ thì ngày nắng không còn phải lo đi chặt gỗ, chặt mét để làm guồng nước, ngày lũ không lo guồng trôi nữa mà ruộng lúc nào cũng có nước. Chỉ cần đổ xăng là máy chạy”, anh La Văn An vui mừng cho biết, hiện nay có rất nhiều hộ dân khác trong bản Tông cũng mạnh dạn mua máy bơm cá nhân để phục vụ nước sản xuất.

Tại bản Đình, trưởng bản Chương Văn Hải cho biết, từ 2 năm nay, diện tích lúa nước của bản được mở rộng thêm gấp 2 lần, một số gia đình bỏ hẳn đốt rẫy, chuyên tâm làm lúa nước, một số hộ còn trồng lúa lai thay cho lúa nếp năng suất thấp. Năm 2012, Bình Chuẩn được cấp thêm 2 chiếc máy cày nữa từ chương trình 135, nâng tổng số lên 7 chiếc, cùng với 10 máy cày cá nhân khác do dân tự mua. Chỉ trừ bản Quẹ là nơi xa nhất, khó khăn nhất về đường sá hiện vẫn chưa có máy cày, còn lại trên các ruộng lúa ở Bình Chuẩn hiện nay, những chiếc máy đang dần làm thay việc của trâu bò.

“Ngoài những hiệu quả thấy được từ chiếc máy cày như giảm diện tích đốt rẫy, nâng diện tích lúa nước, tăng sản lượng lúa,… thì cái được lớn nhất ở Bình Chuẩn là nhiều người dân đã thay đổi tư duy về việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sắp tới, khi diện tích lúa nước được mở rộng, chúng tôi sẽ thực hiện các bước như dồn điền, đổi thửa, đưa lúa lai năng suất cao vào sản xuất ở các bản Nà Cọ, bản Đình, bản Xiềng, Trung Toọng để làm điểm, nhân rộng mô hình cho bà con trong xã”.

Nguyên Khoa

Tin mới