Công trình bỏ hoang, người dân “khát” nước sinh hoạt

(Baonghean) - Theo số liệu thống kê của Trung tâm nước sạch- VSMTNT trên địa bàn toàn tỉnh hiện mới chỉ có 27% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nguyên nhân là do nhiều trạm cấp nước chậm được đầu tư, nâng cấp, đang bị xuống cấp nặng, hoặc xây dựng dở dang, không thể khai thác. Việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực nước sạch nông thôn và huy động người dân đóng góp còn hạn chế.

Nam Xuân là xã có địa hình cao, có đồi núi hiểm trở; nhiều năm nay, người dân nơi đây vẫn thường xuyên sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt, đặc biệt là 2 xóm 11 và 12 sinh sống quanh chân đồi Cồn Chùa. Để có nước, họ phải đào giếng sâu tới vài chục mét; tuy nhiên, vào mùa khô, nguồn nước cạn kiệt nên vẫn không có đủ nước để dùng. Nhằm khắc phục tình trạng trên, năm 2003, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đóng góp, xã Nam Xuân đã tiến hành xây dựng công trình cấp nước sạch với tổng vốn đầu tư  hơn 985 triệu đồng, nhân dân đóng góp 33 triệu đồng.

Theo thiết kế, công trình lấy nguồn nước từ các giếng khoan trên đỉnh núi, có 2 bể chứa, lọc nước kiên cố với dung tích 20m3; hệ thống ống dẫn nước hoàn chỉnh từ giếng khoan đến bể chứa và từ bể chảy xuống 2 xóm bằng đường ống kẽm chính; khi vận hành sẽ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân. Khi trạm bơm được xây dựng, các hộ dân nơi đây rất hào hứng, bỏ tiền ra mua các thiết bị lắp đặt như đường ống nước, đồng hồ... để chờ “đón” nước về. Nhưng chỉ sau khoảng gần 2 tháng đưa vào sử dụng, công trình tiền tỷ đã phải "đắp chiếu" bỏ hoang, do nguồn nước ngầm không đủ để cung cấp cho hệ thống. Vậy là "niềm vui ngắn chẳng tày gang", người dân lại đối mặt với tình trạng "khát" nước...

Ðã nhiều năm nay, nguồn nước sinh hoạt của gia đình ông Hồ Việt Ba (ở xóm 12- xã Nam Xuân) phụ thuộc vào nước mưa. Mặc dù gia đình ông đã khoan giếng từ gần 10 năm trước, nhưng nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh vì vẩn đục và khi nấu lên có đóng phèn... Theo ông Nguyễn Hữu Hòa - xóm trưởng xóm 12 - xã Nam Xuân, về mùa khô (khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 DL) người dân xóm 11, 12 sinh sống quanh chân đồi Cồn Chùa thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vì giếng khơi luôn trong tình trạng "trơ đáy".

Để có nước, nhiều hộ dân đã phải đào giếng sâu tới vài chục mét, rất tốn kém nhưng nguồn nước cạn kiệt, nên vẫn không có nước để dùng. Thậm chí, nhà có điều kiện kinh tế còn thuê máy móc về khoan giếng “tìm nước”, nhiều gia đình sống sát chân đồi (vùng cao cưỡng “khan” mạch nguồn) phải đào đến giếng thứ 3 mới trúng mạch. May mắn “tìm” đựơc mạch nước thì một số hộ dân sống liền kề nhau còn có thể “chia sẻ” để dùng chung một giếng khoan.

Tận mắt quan sát công trình nước sạch trị giá hơn 1 tỷ đồng nằm trên một quả đồi cao, gồm 1 cửa lấy nước, 2 chiếc bể lớn kiên cố cùng hệ thống đường ống kẽm chính dẫn nước. Người dân địa phương cho rằng, vị trí đặt cửa lấy nước không hợp lý nên không đủ nguồn nước. Việc công trình nước sạch bị bỏ hoang không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước mà còn thiệt hại cho cả nhân dân địa phương. Không có người quản lý, hiện các đầu van của máy bơm cũng như khóa van dẫn nước lên bể đã bị gỉ sét,  trong khu vực công trình cây cối, cỏ mọc um tùm; một số người dân thiếu ý thức đã tự ý tháo dỡ máy bơm, đào khoét đường ống...

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Dũng- Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho hay: Sau khi hoàn thành, thời gian đầu vận hành chạy thử, nước về tới các hộ dân trong vắt, người dân rất vui mừng. Nhưng chưa đầy 2 tháng ống nước đã khô cạn, người dân lại quay về với việc sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan. Việc công trình cấp nước sạch đã hoàn thành nhưng bị bỏ hoang, trong khi người dân không có nước để dùng không chỉ gây lãng phí, mà còn khiến dư luận bức xúc. Mới đây, người dân 2 xóm cũng đã đề xuất UBND xã sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng của công trình để vận hành tiếp.

Nhưng nguyên nhân công trình nước nơi đây không còn sử dụng được là do việc khảo sát, thiết kế, thẩm định chưa hợp lý. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân nơi đây, xã đã trình lên huyện xin ý kiến sửa chữa. Nhưng do nguồn nước từ các mũi khoan bơm lên bể chứa không đủ cung cấp cho nhân dân sử dụng, hơn nữa, công trình cũng đã bị hư hỏng, thất thoát phụ kiện nhiều, cuối năm 2012 huyện đã đồng ý cho Nam Xuân thanh lý công trình.         

Tại xã Hoa Sơn - huyện Anh Sơn cũng có một công trình nước sạch xây dựng dở dang đã 8 năm. Công trình này đã thực hiện được 3 mũi khoan thăm dò, đều ở độ sâu từ 60 - 80 m tại xóm 1, xóm 6 và xóm 8. Riêng mũi tại xóm 8 được kiểm nghiệm không đạt chuẩn về chất lượng nguồn nước. Cả 3 điểm công trình hiện nay đều đang thi công dở dang. Ông Nguyễn Văn Linh- Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, cho biết: Công trình khai thác nước sạch này do Cộng hòa Séc tài trợ, được khởi động thực hiện từ tháng 5/2005, do đơn vị Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ trực tiếp thi công. Dự kiến, công trình sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo cấp nước cho 10 xóm dân cư trong xã, với trên 1600 hộ dân sử dụng. Tuy nhiên, thời điểm đó, do thiếu kinh phí, nên các điểm mũi khoan mới dừng lại ở khoan thăm dò, không thực hiện hoàn chỉnh phần xây lắp và cấp nước cho bà con sử dụng.

Công trình cấp nước sạch dở dang tại xóm 1, Hoa Sơn (Anh Sơn).

Ông Lê Văn Thuyến - Trưởng thôn 1 - Hoa Sơn (Anh Sơn) cho biết: Cả thôn hiện có 135 hộ dân đều sử dụng nguồn nước giếng đào. Tuy nhiên, do đặc thù dân cư sinh sống trong khu vực phụ cận Nhà máy xi măng Thanh Sơn, lại có nhiều khe suối chạy qua dễ thẩm thấu vào nguồn nước ngầm. Kết quả kiểm nghiệm y tế cộng đồng trong thời gian qua cho thấy 50% nguồn nước bà con đang sử dụng không đảm bảo chất lượng do ô nhiễm. Trong khi đó, nguồn nước tại bể khoan công trình rất trong, ngon, đảm bảo chất lượng.

Mùa mưa lụt hay hạn hán hàng năm, thiếu nước sạch, xã đã tổ chức bơm nước lên bể cho bà con lấy về dùng. Các chiến sỹ bộ đội Trung đoàn 5, người dân Thị trấn về đây lấy nước sạch để ăn. Theo quan sát của chúng tôi, công trình nước sạch tại điểm khoan thôn 1 hiện nay đã khoan thăm dò ở độ sâu 80 m, lắp sẵn bể nước với dung tích khoảng 5 ngàn lít. Nhà trạm được xây dựng hoàn chỉnh và đang cũ dần. Phía trong có máy bơm, hệ thống ống chìm 3 pha. "không ít lần bà con có ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mong các cấp, ngành quan tâm, giúp đỡ để được sử dụng nguồn nước sạch, nhưng đến nay chưa thấy thông tin trả lời"- ông Thuyến nói.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thanh - thôn 1, cho biết: "Nguồn nước giếng tại đây phải khoan sâu mới có mạch. Bà con phải đầu tư mua máy bơm trị giá trên 10 triệu để bơm nước lên, đầu tư máy lọc tinh khiết để lọc nước mới ăn được. Rất tốn công sức và tiền của. Chúng tôi mong công trình cấp nước sạch sớm hoàn chỉnh để bà con được dùng nước sạch trong sinh hoạt. Nếu phải góp kinh phí chúng tôi sẵn sàng".

Cũng tại Hoa Sơn, từng có một dự án nước sạch (do UBND huyện làm chủ đầu tư, quy mô gần 3 tỷ đồng)  phục vụ cho hơn 300 hộ dân tại vùng đồng bào dân tộc 2 bản Yên Hòa, Vĩnh Kim. Sau khi lắp đặt hoàn chỉnh, chưa được bàn giao tận tay cho bà con sử dụng thì đã vội hư hỏng, nằm "lơ lửng". Mong muốn của người dân và chính quyền xã Hoa Sơn là các đơn vị đầu tư, nhà thầu quan tâm, hoàn thiện các công trình nước sạch để bà con thoát khỏi cảnh “khát” nước hiện nay.

Thực tế công tác quy hoạch xây dựng cho công trình nước sạch đạt QCVN 02: 2009/BYT (xây dựng nhà máy nước sạch tập trung) ở khu vực nông thôn và công tác quản lý, đầu tư từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến bàn giao, quản lý khai thác đã bộc lộ nhiều hạn chế. Các công trình được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác nhau, nhiều chủ đầu tư, nhiều công trình vừa xây dựng xong đã thiếu hụt nguồn nước; hoặc nguồn nước chưa đạt chuẩn nên người dân không được hưởng lợi, hoặc không mặn mà sử dụng. Nhiều công trình bị bỏ hoang, thiết bị máy móc bị mất, hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, gây lãng phí rất lớn…

Đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần tiến hành khảo sát, rà soát đánh giá toàn diện thực trạng việc đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, có phương pháp quản lý, khắc phục hạn chế của công trình để sử dụng hiệu quả hơn. Cùng với việc tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung ở những nơi thực sự cấp thiết, cần có giải pháp về kinh phí cho việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình để tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả. Chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân.

Với mục tiêu đến năm 2015, có 85% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỉnh cần có những giải pháp khắc phục hữu hiệu đối với những công trình nước sinh hoạt tập trung đang bị hư hỏng, xuống cấp và tiếp tục xem xét đầu tư bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả đối với công trình nước sạch cho người dân nông thôn.

Ngọc Anh - Lương Mai

Tin mới