Quỳ Châu: Cần kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp cấp sai đối tượng

(Baonghean) - Cách đây 2 năm, Báo Nghệ An đã phản ánh tình trạng chậm thu hồi đất lâm nghiệp cấp sai đối tượng tại khu vực Khe Bấn, của xã Châu Hội và Châu Hạnh (Quỳ Châu), theo kết luận của UBND tỉnh ngày 23/3/2007. Cho đến nay, sau 5 năm ra quyết định thu hồi, hiện vẫn còn một số trường hợp chưa chịu bàn giao lại đất cho nhà nước. Đối với diện tích đất đã thu hồi, chính quyền vẫn chưa tiến hành chia đất và bàn giao cho dân sản xuất…
Nói về việc thu hồi đất lâm nghiệp tại bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh, ông Trần Quang Hồng – phó bản bức xúc: “Diện tích đất lâm nghiệp của bản Hạnh Tiến trước đây giao sai đối tượng là hơn 47 ha, được chia cho 10 cán bộ huyện có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Tân Lạc. Sau khi UBND huyện có Quyết định số 598 ngày 29/6/2007 “về việc thu hồi đất và hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các trường hợp sai đối tượng tại xã Châu Hạnh”, hầu hết các trường hợp được cấp sai đất đã trả lại đất cho địa phương, chỉ còn ông Nguyễn Đình Cẩn đến bây giờ vẫn chưa chịu giao lại toàn bộ đất cho xã”.
Theo văn bản số 180 của UBND huyện Quỳ Châu ngày 17/5/2012 về việc trả lời đơn đề nghị của công dân: “UBND huyện đã thu hồi 8 ha trên tổng số 10,2 ha đất của ông Cẩn, số còn lại hơn 2 ha, khi nào gia đình ông Cẩn thu hoạch keo xong sẽ trả lại đất cho Nhà nước”. Thế nhưng, ông Hồng cho biết, đến thời điểm này địa phương chưa nhận được văn bản bàn giao đất đối với đất lâm nghiệp của ông Cẩn. Và điều khiến bà con bức xúc là hiện nay một số diện tích keo của ông Cẩn đã trên 10 năm tuổi, nhưng chưa chịu thu hoạch. 
Không những thế, năm 2012, ông Cẩn lại tiếp tục trồng mới diện tích rừng keo trên đất rừng cấp sai đối tượng đã có quyết định thu hồi. Như vậy, hiện nay trên phần đất của ông Cẩn có 4 thế hệ rừng: 1 năm tuổi, 2 năm tuổi, 4 năm tuổi và 10 năm tuổi. Chính vì lẽ đó, người dân bản Hạnh Tiến cho rằng ông Cẩn cố tình chây ỳ, không chịu bàn giao đất cho địa phương.
Khu rừng của ông Nguyễn Đình Cẩn hiện có 4 thế hệ rừng, nhưng vẫn không chịu khai thác để bàn giao đất cho Nhà nước.
Khu rừng của ông Nguyễn Đình Cẩn hiện có 4 thế hệ rừng, nhưng vẫn không chịu khai thác để bàn giao đất cho Nhà nước.
Về những diện tích đã được UBND huyện thu hồi từ các cá nhân giao đất sai đối tượng, ông Hồng cho rằng: “Do địa phương không tổ chức chia đất cho dân, nên người dân tranh nhau, mạnh ai nấy làm, tự phát trồng rừng, trồng mía, rất lộn xộn”.
Về vấn đề chia đất cho dân sản xuất, ông Sầm Văn Thiết - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho rằng: “Việc địa phương chưa tổ chức giao đất cho dân là do người dân không đăng ký nhận đất lâm nghiệp. Tháng 7/2012, UBND xã đã thông báo với toàn bộ các bản trong xã, nếu hộ nào cần đất lâm nghiệp để sản xuất thì đăng ký với địa phương, nhưng đến nay xã chưa nhận được đơn đăng ký nào của người dân. Tuy nhiên, để thực hiện giao đất cho dân sản xuất cần có kinh phí. Điều này nằm ngoài khả năng của địa phương”.  
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Hồng – Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Quỳ Châu, cho biết: “Đối với các trường hợp cấp đất lâm nghiệp sai đối tượng tại khu vực khe Bấn của xã Châu Hội và Châu Hạnh theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP, hiện vẫn còn 5 cá nhân chưa giao lại đất cho địa phương quản lý, gồm các ông: Võ Văn Hồng, Trần Văn Mỹ, Vi Văn Kỳ, Nguyễn Đình Cẩn và ông Bé. Nguyên nhân do các trường hợp này chưa thu hoạch hết tài sản trên đất. Việc huyện chưa tổ chức đo đạc để chia đất cho người dân sản xuất là do không có kinh phí. Thời gian qua, địa phương tổ chức chia đất cho dân bằng hình thức thủ công”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập vấn đề này với ông Trần Nguyên Hồng (Phó bản Hạnh Tiến) và ông Sầm Văn Thiết (Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh) thì chưa hề có chuyện chia đất cho dân bằng hình thức nào. 
Trực tiếp gặp ông Nguyễn Đình Cẩn để trao đổi việc vì sao ông chưa giao lại đất cho Nhà nước? Ông Cẩn cho rằng thời gian qua, một số người dân của bản Hạnh Tiến đã tranh giành đất của ông để sản xuất, còn hiện tại ông chỉ quản lý rừng nguyên liệu trên đất. Khi nào gia đình thu hoạch hết tài sản thì sẽ giao đất lại cho địa phương. Nhưng khi được hỏi “Vì sao năm 2012, ông lại tiếp tục trồng mới diện tích keo trên đất lâm nghiệp cấp sai đối tượng đã có quyết định thu hồi?” Sau một hồi vòng vo, ông Cẩn thừa nhận việc làm đó là sai. Từ trường hợp cụ thể này để thấy, nếu UBND huyện Quỳ Châu không kiên quyết thực hiện các biện pháp thu hồi đất lâm nghiệp cấp sai đối tượng theo Quyết định số 598 sẽ dẫn đến tình trạng một số đối tượng dùng chiêu bài “đánh bùn sang ao”, tiếp tục trục lợi trên diện tích đất rừng cấp sai.  
Sau 5 năm ra quyết định (29/6/2007) cho đến nay, Quỳ Châu vẫn chưa thu hồi hết diện tích đất của các đối tượng trên. Trong khi đó, người dân vẫn mỏi mòn chờ được giao đất để sản xuất, ổn định cuộc sống.
 
Ngày 17/7/2006, UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành lập đoàn thanh tra về việc giao đất, giao rừng tại huyện Quỳ Châu. Đến ngày 23/3/2007, UBND tỉnh Nghệ An có kết luận về vấn đề trên. Theo bản kết luận, UBND huyện Quỳ Châu đã giao đất, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đất lâm nghiệp cho 18 hộ phi nông nghiệp, không cư trú tại địa phương (hầu hết là cán bộ lãnh đạo huyện lúc bấy giờ và có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Qùy Châu, nay là Thị trấn Tân Lạc). Đây là những hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện được giao đất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Quỳ Châu tiến hành thu hồi 18 lô đất trên và đưa vào quỹ đất lâm nghiệp để giao cho các hộ dân, cá nhân có nhu cầu hoặc cho thuê, đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND huyện và UBND các xã liên quan chịu trách nhiệm về những hậu quả kinh tế phát sinh.theo nhạc bài hát yêu lại từ đầu của Khắc Việt
Xuân Hoàng

Tin mới