Nhiều công trình cầu tràn xuống cấp, hư hỏng

(Baonghean) - Trận lũ đầu tháng 9 năm trước, có 3 cái tràn qua các tuyến đường chính trên địa bàn xã Tiên Kỳ và Đồng Văn (huyện Tân Kỳ) bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông nhiều ngày liền. Một năm trở lại, những cái tràn này mới được khắc phục tạm, có những tràn vẫn còn nguyên hiện trạng, do vậy “điệp khúc” sạt lở tràn vào mùa mưa ở Tân Kỳ sẽ tiếp tục xẩy ra!

Tràn Khe Thần ngay đầu địa phận xã Tiên Kỳ, đợt lũ tháng 9 năm trước, dòng nước đã cuốn trôi toàn bộ phần đất đá, dài gần 100 m, phía hai đầu tràn, khiến giao thông ở đây ngưng trệ, ách tắc. Người dân sinh sống trong vùng phải kết bè để kéo người dân qua lại trên tuyến đường này, rất nguy hiểm đến tính mạng, khi nước lũ dâng cao, chảy xiết. Mặc dù hai bên đầu tràn đã được đổ đất, đá để các loại phương tiện tham gia giao thông qua lại tương đối dễ dàng, khi mùa mưa bão chưa đến, nhưng theo quan sát của chúng tôi, lòng Khe Thần rộng hàng trăm mét, phần tràn xây dựng bằng bê tông chỉ dài khoảng 70 - 80 m ngay giữa dòng khe, còn hai bên mố tràn dài cả 100 m chỉ được đổ đất đá, hai bên mái ta luy không được xây kè cẩn thận.

Khi có mưa to, nước Khe Thần dâng cao, chảy mạnh, rất dễ bị cuốn trôi toàn bộ phần đất, đá. Ông Tân, người dân sinh sống cạnh tràn Khe Thần, băn khoăn: Từ trước đến nay, năm nào cũng vậy, khi mùa mưa bão đến, tràn Khe Thần lại sạt lở, không thể đi lại được. Bà con chúng tôi phải kết bè bằng tre, gỗ để chuyển người dân và học sinh qua lại. Nếu không may đứt dây tời bè, thì hậu quả sẽ khôn lường. Mong muốn của người dân là Nhà nước đầu tư xây dựng chiếc cầu cứng bắc qua Khe Thần, nếu không thì thiết kế lại cái tràn một cách kiên cố, để sau khi nước lũ rút vẫn qua lại được bình thường.

Tràn Khe Diên bị đợt lũ tháng 9/2012 gây hư hỏng mặt tràn, đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Đến tràn Tân Bình của xã Đồng Văn, cái tràn này đợt lũ năm trước đã bị dòng nước cuốn trôi ½ chiều dài của tràn xây dựng bằng bê tông cốt thép. Người dân sinh sống trong vùng phải bắc cái cầu tạm qua khe cho người dân qua lại. Mỗi lần qua cầu, mỗi người phải đóng 5 - 10 nghìn đồng, gây bức xúc đối với người dân sinh sống trong vùng. Nay tràn đã được đầu tư xây dựng lại, hai bên mố tràn cũng được xây kè bằng đá hộc. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, 2 bên mố tràn đã bị sạt lở, nứt nẻ, bởi những đợt mưa đầu mùa vừa qua. Một cán bộ của xã Đồng Văn cho biết, tràn được xây dựng đã lâu, nhưng chưa được nghiệm thu vì nghe đâu đơn vị thi công xây dựng sai thiết kế? 

Tràn Tân Bình không những xây dựng sai thiết kế mà nhiều nơi đã hư hỏng.

Cũng trên tuyến đường đó, cách tràn Tân Bình chừng 500 m, là tràn Khe Diên, cùng với đợt lũ năm ngoái, nước đã gây xói lở nhiều chỗ trên mặt tràn, khiến việc đi lại rất khó khăn. Hôm nay trở lại, cái tràn này vẫn để nguyên hiện trạng, đá và những cái hố nham nhở cả mặt tràn, các phương tiện tham gia giao thông qua lại khó khăn. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần đầu tư kinh phí để tu bổ mặt tràn, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt khi mùa mưa bão về. Nếu không, khi có mưa to kéo dài, mặt tràn này rất dễ bị sạt lở hoàn toàn, khi đó, kinh phí để khắc phục chắc chắn là rất lớn!
Được biết năm 2013, huyện Tân Kỳ được Nhà nước đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa, đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, cho 6 công trình đã bị hư hỏng nặng trong mùa mưa bão năm 2012. Tuy nhiên, giải pháp khắc phục tại những cái tràn ở Đồng Văn, Tiên Kỳ chưa kiên cố mùa mưa lũ năm nay rất dễ bị hư hỏng. Đối với tràn Tân Bình, lãnh đạo Phòng Công thương huyện cho rằng, công trình được xây dựng với nguồn vốn 542 triệu đồng, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Tân Hưng (TP. Vinh) đã làm sai thiết kế. (Sau khi trúng thầu, đơn vị này tự tiện thi công, không thông báo với Ban quản lý dự án, do đó, sau khi kiểm tra đã phát hiện những sai sót so với thiết kế được duyệt). Ban Quản lý dự án đã lập biên bản, yêu cầu nhà thầu phải xây dựng lại đúng với thiết kế thì mới nghiệm thu công trình.

Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Tin mới