Trăn trở nghề dệt thổ cẩm

(Baonghean) - Dệt thổ cẩm ở Con Cuông là nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống của bà con các dân tộc nơi đây. Những năm qua, nghề này đã được các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm và thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, đa phần các HTX dịch vụ thổ cẩm trên địa bàn huyện đang còn gặp khó khăn như chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm…
Chị em bản Xiềng, xã Môn Sơn tại xưởng dệt HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn - Con Cuông.
Chị em bản Xiềng, xã Môn Sơn tại xưởng dệt HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn - Con Cuông.
Về xã Môn Sơn (Con Cuông), ai cũng biết đến chị Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn, là người “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Môn Sơn. Chị Hằng nhớ lại: Nhìn những khung cửi cũ nát bên những chái nhà sàn của dân bản, trong khi phụ nữ trong bản nhàn rỗi, thiếu việc làm, cuộc sống khó khăn nên mình nghĩ cần phải khôi phục lại làng nghề dệt thổ cẩm để giữ gìn bản sắc văn hóa cổ truyền và tạo nguồn thu nhập cho chị em. 
Được sự ủng hộ của chính quyền, tháng 8/2007, HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn ra đời. Đến thời điểm này đã có 61 thành viên tham gia, chủ yếu chị em ở bản Xiềng. Các thành viên đóng góp vốn được 100 triệu đồng để mua khung cửi và máy khâu. HTX đã được các chương trình, dự án tập huấn đào tạo nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm mang lại thu nhập chưa cao. Chị Hà Thị Vinh – người dân Môn Sơn tâm sự: Đã theo nghề dệt thổ cẩm được hơn 3 năm nay, nhưng mức thu nhập bình quân từ nghề này chỉ được 600.000 đồng/tháng. Có tháng không có thu nhập vì không bán được hàng, trong khi để làm ra được một sản phẩm rất công phu. Như để dệt được một chiếc khăn thổ cẩm mất ít nhất một ngày, dệt được bộ váy thổ cẩm 10 ngày, chiếc áo 5 ngày, túi xách 2 ngày… 
Chị Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm HTX than thở: Khó khăn nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm, để tạo uy tín và tăng lượng tiêu thụ, chúng tôi luôn dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra các mẫu mã, hoa văn mới, đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Ngoài các sản phẩm là váy, áo, khăn truyền thống, HTX còn dệt túi, ví, hộp đựng trang sức… Sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX đã được giới thiệu ở các gian hàng, hội chợ triển lãm tại một số tỉnh thành, tuy nhiên khâu tiêu thụ chưa ổn định. Các sản phẩm thổ cẩm chủ yếu gửi ở các quày bán hàng thổ cẩm ở Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương… hoặc thành viên của HTX phải tự đưa hàng đi ký gửi ở các chợ có khi cả tháng trời mới bán được. Tháng cao điểm doanh thu chỉ trên 20 triệu đồng…. Hoạt động của HTX Thổ cẩm Môn Sơn ban đầu dự định gắn với du lịch văn hóa địa phương nhưng cũng “lực bất tòng tâm” bởi Môn Sơn mặc dù đã có quy hoạch du lịch sinh thái nhưng vẫn chưa được xây dựng hạ tầng. Lượng khách du lịch rất ít  nên tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm từ khách du lịch rất “khiêm tốn”.
HTX Dệt thổ cẩm Hải Vân xã Chi Khê - Con Cuông được thành lập từ 8/2008, tạo việc làm cho trên 200 thành viên ở các huyện Con Cuông, Thanh Chương, Tương Dương. Chị Hà Thị Phượng Vân -chủ nhiệm HTX chia sẻ: HTX đã tự bỏ kinh phí đầu tư trên 400 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng mua sắm khung cửi, máy khâu… Khó khăn nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Những năm qua cố chạy ngược xuôi để tìm đầu ra cho thổ cẩm nhưng vẫn chưa cải thiện được, bình quân 3 tháng doanh số chỉ đạt 50 triệu đồng. Thu nhập người lao động vì thế cũng bấp bênh, tháng cao nhất chưa đầy 1 triệu đồng/người. Để giữ nghề truyền thống này, chị Vân đã mạnh dạn sang Lào tìm hiểu thị trường và mở cửa hàng bán sản phẩm tại tỉnh Hủa Phăn.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng Lào, chị đã cải tiến mẫu mã để phù hợp với phong tục tập quán của nước bạn, tuy nhiên lượng tiêu thụ đang rất ít vì lâu nay khách Lào thường mua sản phẩm trong nước, hàng Việt Nam họ mua dè dặt. Trong năm 2013, chị Vân còn mở gian hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm tại Lai Châu, vì theo tìm hiểu thì người Thái nơi đây cách sử dụng đồ thổ cẩm truyền thống cũng giống nhau, nếu chiếm lĩnh được thị trường cũng là cách để giải quyết thêm đầu ra cho hàng thổ cẩm. Khác với các HTX trên địa bàn tỉnh vừa dệt và may thổ cẩm, HTX của chị Vân chỉ tập trung dệt vải thổ cẩm. Vải thổ cẩm được chị Vân gửi vào các cơ sở may công nghiệp ở TP HCM. Vì theo chị Vân thì ở TP HCM may đạt chất lượng hơn, đây cũng là cách để tăng  sức cạnh tranh trên thị trường. 
Tại địa bàn Thị trấn Con Cuông, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Thìn được thành lập từ năm 2007 chuyên thu mua hàng nông sản địa phương và hàng dệt thổ cẩm. Đến cửa hàng giới thiệu sản phẩm chúng tôi thấy sản phẩm thổ cẩm tồn đọng khá nhiều, trong khi khách hàng vắng hoe. Chị Lang Thị Hồng - Giám đốc doanh nghiệp cho hay: Doanh nghiệp chủ yếu thu mua hàng của 3 HTX dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện, tuy nhiên mua với số lượng hạn chế bởi rất khó tiêu thụ, vừa bán tại cửa hàng tôi còn vừa phải gửi bán ở các chợ, từ đầu năm 2013 đến nay mới chỉ bán được trên 40 triệu đồng tiền hàng. 
Được biết, địa bàn huyện Con Cuông có 3 HTX dệt thổ cẩm ở Môn Sơn, Lục Dạ, Chi Khê và một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thổ cẩm ở Thị trấn Con Cuông. Thế nhưng, vì không sống nổi với nghề nên nhiều chị em đã phải bỏ nghề để kiếm sống bằng nghề khác. Vì thế mà các làng bản ở các huyện rẻo cao miền Tây xứ Nghệ nay vắng hoe khung cửi, các HTX dệt thổ cẩm cũng chỉ hoạt động cầm chừng, lay lắt. Một số chị em ở bản Xiềng-Môn Sơn đã thốt nỗi niềm: Nghề thổ cẩm không hẳn là nghề để kiếm sống, mà là nỗi thương nhớ một nghề của tổ tiên bao đời truyền lại, rời khung cửi có nghĩa là rời xa với bản sắc văn hóa đã ăn sâu vào máu thịt của đồng bào Thái nơi đây. 
Nguyên nhân các sản phẩm thổ cẩm khó tiêu thụ là nhiều bản làng dân tộc đã “kinh hóa”, nhiều thanh niên, thiếu nữ các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú… gần như không còn để ý đến bộ trang phục truyền thống của bản làng, chỉ sử dụng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi. Chị Lương Hằng ở bản Xiềng kể: Khi cô dâu về nhà chồng thì theo phong tục của người Thái phải có 10 váy thổ cẩm cùng 15 chiếc gối để tặng bố mẹ chồng. Nhưng đám cưới ngày nay thổ cẩm rất ít được chú trọng… Nguyên nhân nữa là một số mặt hàng thổ cẩm đang xuống cấp về chất lượng, khó giữ truyền thống theo đúng nghĩa. Một số cơ sở đang sử dụng sợi bông của Trung Quốc, pha phối màu bằng hóa chất. Nếu đúng theo nguyên bản thổ cẩm truyền thống chủ yếu pha màu chủ yếu từ thực vật trong tự nhiên như củ nâu, lá chàm… Chưa kể là các mặt hàng thổ cẩm công nghiệp “nhái” các mặt hàng thổ cẩm truyền thống bàn tràn lan trên thị trường với giá rẻ. 
Trong nỗ lực phục hồi nghề dệt thổ cẩm, Trung tâm Khuyến công tỉnh và các đơn vị liên quan, đến thời điểm này đã đào tạo được trên 400 lao động nghề dệt thổ cẩm. Tại Con Cuông, riêng trong năm 2013 đào tạo được 175 lao động dệt thổ cẩm. Nhà nước hỗ trợ cho Con Cuông trên 150 khung cửi, Dự án VIE 08 hỗ trợ trên 15 máy khâu công nghiệp. Khó khăn đặt ra hiện nay là các HTX dệt thổ cẩm ở Con Cuông chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng như các xưởng sản xuất, điện, trang thiết bị thiếu thốn (chủ yếu máy khâu công nghiệp và khung cửi), thiếu vốn để chủ động mua các nguồn nguyên liệu. Để giữ nghề, Con Cuông đang tiếp tục duy trì sản xuất sản phẩm chất lượng, cải tiến mẫu mã và nguồn lao động ổn định, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm đang là bài toán nan giải đang rất cần tìm ra một giải pháp phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Văn Trường

Tin mới