Gìn giữ văn hóa truyền thống

(Baonghean) - Những chuyến hành trình tác nghiệp đã đưa chúng tôi qua rất nhiều bản, làng ở Nghệ An. Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, đã diễn ra sự "phục hưng" trong lĩnh vực văn hoá. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống như, quan hệ trong gia đình, làng xóm, lễ hội, phong tục tập quán có lúc bị xem nhẹ, đang dần dần được khôi phục, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc được coi trọng và ngày một nâng cao.
Chị Lô Thị Nhung (bản Khe Rạn) dạy cho con những thao tác đầu tiên của nghề  dệt thổ cẩm.
Chị Lô Thị Nhung (bản Khe Rạn) dạy cho con những thao tác đầu tiên của nghề dệt thổ cẩm.
Chúng tôi đã về bản Khe Rạn, xã Bồng Khê - một trong những bản Văn hóa tiêu biểu của huyện Con Cuông. Anh Lương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND xã, là dân “gốc” của bản Khe Rạn vui vẻ dẫn phóng viên tham quan mảnh đất chôn rau, cắt rốn của mình. Theo anh Năm, cuộc sống của người dân bản Thái cổ nằm bên tả ngạn sông Lam này chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa và mét. Những năm trước, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thanh niên thường xuyên rượu chè, gây gổ đánh nhau, số trẻ đến trường không nhiều, nhiều nét văn hóa mang tính bản sắc đứng trước nguy cơ mai một. Điều này chỉ thay đổi theo hướng tích cực khi vào những năm 1996 - 1998, Khe Rạn được chọn điểm xây dựng Bản văn hóa…
Theo chân Phó Chủ tịch xã Lương Văn Năm, chúng tôi đến nhà chị Lô Thị Nhung. Sau buổi làm đồng về, chị Nhung đang tranh thủ bày cho con gái đầu của mình - cháu Vi Huyền Băng, 6 tuổi những thao tác đầu tiên để dệt nên một tấm thổ cẩm. Chị Nhung cho hay: “Từ bé, chị được bà và mẹ bày dệt, cho nên bây giờ, đến lượt chị truyền cho con mình. Để dệt nên một tấm thổ cẩm đẹp thì tiêu tốn rất nhiều thời gian, nhưng đây là nghề truyền thống mình phải giữ. Có khoác lên mình chiếc khăn, áo váy trong ngày hội, Tết, mới ý thức rõ hơn việc giữ gìn bản sắc cha ông. Chị dệt cho nhà dùng là chính, nhưng có khách mua, chị cũng bán… Từ khi trở thành điểm du lịch cộng đồng vào năm 2008, đến nay, có rất nhiều khách về thăm”.
Bản Khe Rạn hiện có 137 hộ thì cũng có chừng ấy ngôi nhà sàn. Trong đó, có khoảng 90% là nhà sàn cổ, số còn lại là nhà sàn mới, có sự phối kết hợp giữa bê tông và gỗ - Ông Hà Văn Inh, Trưởng bản Khe Rạn cho hay: Dân bản ai cũng muốn làm nhà sàn bằng gỗ thật đẹp nhưng bây giờ gỗ hiếm lắm rồi. Mọi người đều hiểu phải giữ rừng, bảo vệ rừng, nên xác định không thể chặt phá bừa bãi… Ông Inh tự hào cho chúng tôi biết những thành quả trong việc xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn văn hóa, mỹ tục của bản: Đã 14 năm nay, bản không có người sinh con thứ ba, và cũng chừng ấy năm không hề có người nghiện, không có nạn trộm cắp tài sản hay mắc tệ nạn xã hội khác, vệ sinh môi trường và phong trào khuyến học đều phát triển. Các phong tục tập quán truyền thống đều được bảo tồn, lưu giữ, từ văn hóa cồng chiêng cho đến ca, múa, nhạc, dân vũ như nhuôn, khắp, luống. Câu lạc bộ Cồng chiêng Dân ca Thái bản Khe Rạn được thành lập từ năm 2006 thường xuyên đại diện cho xã tham gia các cuộc thi, buổi biểu diễn.
Ông Vi Công Chương, Bí thư Chi bộ Khe Rạn kể: Để có được kết quả như hiện nay là nhờ nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã và bản trong việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn văn hóa tập tục. Xây dựng hương ước vào năm 1996, bản đã thành lập các đoàn công tác để vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, thực hiện ăn chín, uống sôi, mắc màn phòng muỗi… Trong khuyến học, tuyên truyền các gia đình tuyệt đối không để con bỏ học; thành lập quỹ, kêu gọi người dân đóng góp ủng hộ, hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn từ sách vở đến ăn mặc; thực hiện trao thưởng cho các cháu học giỏi vào dịp Tết Trung Thu. Chính nhờ những biện pháp này, từ chỗ có nhiều em bỏ học, đến năm 1998 (được công nhận Bản văn hóa), 100% con em đúng độ tuổi đến trường. Từ chỗ trước năm 1990 chỉ có 1 em học cấp 3, đến nay đã có nhiều em học đại học, 1 em giành học bổng du học nước ngoài.
Đưa hương ước đi vào cuộc sống, bản Khe Rạn yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giữ gìn, phát huy các phong tục tốt đẹp: Trong nhà, con cái, cha mẹ nói với nhau bằng tiếng Thái, thực hiện đạo lý kính già, nhường trẻ; ma chay, cưới hỏi không quá 24 giờ; Gia đình nào có người mất thì tất cả các hộ trong bản đến chia buồn, có hỗ trợ nhất định; Hội hè, lễ, Tết, mọi người phải ăn mặc đúng trang phục truyền thống, cùng tham gia các trò chơi dân gian.
Đi trên con đường quang đãng, sạch sẽ của bản, ông Lô Vĩnh Tiếp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng Dân ca Thái bản Khe Rạn vẫn lấy làm tiếc khi phóng viên không đến đúng dịp lễ, Tết, cưới hỏi, hay Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Những dịp đó, nhà nhà trong bản mở rượu cần tiếp khách, các hoạt động sinh hoạt văn hóa mang tính bản sắc được câu lạc bộ đứng ra tổ chức. Ông Tiếp cho hay: Hiện câu lạc bộ có 22 nghệ nhân, già, trẻ, nam, nữ có cả. Mọi người đến với câu lạc bộ bằng lòng nhiệt tình để sưu tầm các trò chơi dân gian, nhạc cụ, làn điệu từ đó luyện tập 1 lần/1 tháng, đi biểu diễn. Những hoạt động của câu lạc bộ không ngoài việc nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa tộc người… Hoạt động của câu lạc bộ càng có ý nghĩa khi bản trở thành điểm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, thời điểm này chưa có nhiều du khách đến đây, lý do là nơi ở, ẩm thực chưa đạt chuẩn.
Theo lời anh Lương Văn Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Bồng Khê và ông Nguyễn Huy Chương - Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông: Không nhiều địa phương trong huyện làm được như bản Khe Rạn. Mấu chốt dẫn đến những kết quả của bản Khe Rạn không ngoài việc vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, nhưng quan trong hơn chính là ý thức giữ gìn truyền thống, các giá trị văn hóa bản sắc tốt đẹp của mỗi người dân, cũng như ý thức hướng đến cuộc sống tiến bộ, ngày càng giàu đẹp.
Tương tự như ở Khe Rạn, tại bản Mông Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, những giá trị văn hoá truyền thống như, quan hệ trong gia đình, làng xóm, lễ hội, phong tục tập quán đều được dân bản coi trọng. Ví dụ như tập tục giữ rừng, được bà con nhân dân trong bản quán triệt bằng hương ước, với các chế tài nghiêm khắc: Gỗ ở vùng rừng trong bản chỉ được khai thác khi các hộ có con thành gia, lập thất dựng nhà mới. Gỗ chỉ được khai thác vừa đủ. Khai thác bao nhiêu thì gia đình phải trồng vào đó gấp 10 lần số cây đó và thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ. Tuyệt đối không được khai thác gỗ để bán, trao đổi hay chuyển nhượng. Ai vi phạm thì bị cộng đồng nhân dân tẩy chay, đuổi ra khỏi bản. Hình thức xử phạt này còn áp dụng đối với các trường hợp tảo hôn, gia đình để con cái bỏ học, người vi phạm các tệ nạn xã hội  - Trưởng bản Vừ Bá Nênh cho hay. 
Còn tại bản Khơ mú Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, người dân nơi đây quyết tâm “Pú púc, pên hác/ Pú mác, pên co” (Nghĩa là: Trồng trầu, nên rễ, Trồng quả, nên cây). Trưởng bản Xeo Văn Dung kể: Những năm trước đây, hỏa hoạn đã 3 lần thiêu rụi cả bản. Mỗi lần như vậy, người dân hoàn toàn trắng tay. Nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và sự vươn lên của người dân mà bản được dựng lại và trở thành bản văn hóa năm 2000. Ý chí vươn lên của người dân bản thể hiện trong muôn vàn khó khăn, cái đói, cái nghèo nhưng vẫn quyết lưu giữ dân ca, dân vũ, dân nhạc. Bởi những sinh hoạt âm nhạc truyền thống như hát giao duyên, hát đám cưới, đám ma (tất cả bằng tiếng mẹ đẻ) là kho tư liệu về nguồn gốc văn hóa, là công cụ liên kết cộng đồng. Phát huy tinh thần này, trong bản, mọi người đều nêu cao quyết tâm giữ gìn tập tục, bản sắc văn hóa bằng việc trong gia đình nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ; thành lập, duy trì các đội văn nghệ để gìn giữ các phong tục.
Trong chuyến công tác đầu năm, chúng tôi đã về mảnh đất Mường Chai – xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Thật ngạc nhiên, sau buổi làm có rất đông cán bộ xã vẫn nán lại sân Ủy ban xã chơi Tò Lè - một trò chơi tương tự trò đánh đáo của người Kinh. Chị Lữ Thị Mai, Bí thư Đảng ủy xã vừa đùa, vừa thật: Cán bộ xã chơi trò chơi cũng là một phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đấy. Trò chơi dân gian này có thời gian “thất truyền”, giờ đây, cán bộ có biết thì mới truyền bá cho người dân, con cháu được chứ… Châu Thuận vốn là một trong những cái nôi văn hóa truyền thống của người Thái ở vùng Tây Bắc Nghệ An.
Nay, địa phương còn lưu giữ nguyên những nét văn hóa vật thể và phi vật thể mang tính cộng đồng của người Thái như, hát nhuôn, xuối, khắc luống, văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, tục mừng nhà mới. Tục lễ tế Trời (Pu Then), tế lễ người có công khai lập bản, mường (Pu bản, Pu mường) vẫn được tiến hành dưới hình thức “Xên Mường, Xên Bản” vào dịp mùa xuân hàng năm. Đại bộ phận cư dân Châu Thuận đang còn bảo lưu được những đặc trưng văn hóa truyền thống như, nhà cửa (90% số nhà trong xã là nhà sàn), trang phục và các món ẩm thực.
Hơn hết, người dân nơi đây đặc biệt quý khách. Chứng thực điều này, anh Vi Ngọc Duyên, Chủ tịch UBND xã mời chúng tôi về ăn giỗ tại nhà. Trong bữa ăn, khách dứt khoát phải ngồi mâm trên cùng người cao tuổi. Người cao tuổi là người đầu tiên dùng các món ăn. Trong mâm cỗ của người Thái nơi đây dẫu có thiếu gì, nhưng dứt khoát là phải món cá. – anh Duyên khẳng định: “Giữ gìn văn hóa truyền thống phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân, sau đó là đến gia đình, dòng họ, cộng đồng và xã hội…”.
Thanh Sơn

Tin mới