Sắc mới Mường Quạ

(Baonghean) - Đồng ruộng tốt tươi, bản làng trù phú, con người thân thiện, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Đó là cảm nhận của mỗi người khi đặt chân đến vùng đất Mường Quạ (xã Môn Sơn và Lục Dạ, Con Cuông). Thật tình, tôi thích được đến vào dịp này, khi cánh đồng Mường Quạ đang kỳ trổ hạt, đơm bông, khi hương lúa ngạt ngào lan toả. Niềm hy vọng đang hiện hữu trên từng khuôn mặt của những người nông dân…
Người dân Môn Sơn xem triển lãm tranh chủ đề “Phong trào đấu tranh cách mạng”.
Người dân Môn Sơn xem triển lãm tranh chủ đề “Phong trào đấu tranh cách mạng”.
QUÁ KHỨ HÀO HÙNG
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, Chủ nhiệm CLB Dân ca - Dân vũ bản Cằng (Môn Sơn) đang chỉnh lại các nhạc cụ truyền thống (khèn bè, sáo, pí, đàn tập tinh) để chuẩn bị cho buổi giao lưu nhân dịp Tết Độc lập. Thấy khách, chủ nhà liền gật đầu rồi cầm chiếc khèn bè thổi lên giai điệu rộn ràng thay cho lời chào. Ông Nghiệp khá am hiểu về văn hóa Thái cũng như mạch nguồn lịch sử - văn hóa của quê hương. Chúng tôi hỏi về lịch sử vùng đất, nghệ nhân Lương Văn Nghiệp cho hay: Khoảng 200 - 300 năm trước, người Thái xứ Tây Bắc bắt đầu những cuộc thiên di vào vùng rừng núi phía Tây của xứ Thanh và xứ Nghệ. Trên hành trình đi tìm vùng đất mới, một nhóm người Thái thuộc họ Vi, họ Lương và họ Lô dừng chân ở Mường Qụa.
Nhận thấy nơi đây có địa hình lý tưởng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi, giữa là thung lũng khá bằng phẳng và phì nhiêu, nguồn nước rất dồi dào, muông thú tụ tập đông đúc nên quyết định dừng chân khai bản, lập mường. Việc làm trước tiên của cư dân Mường Qụa là đắp đập, ngăn suối và khai hoang ruộng nước. Với sự kiên trì cùng ý chí quyết tâm, không lâu sau những bản làng đã được hình thành, cánh đồng Mường Qụa không ngừng được mở rộng. Ruộng lúa tốt tươi, cá tôm đầy suối, cuộc sống nơi đây luôn luôn no đủ. Biết tin Mường Qụa là vùng đất lành, người Thái khắp mọi nơi tìm về sinh sống. Bản làng ngày một đông vui, vùng quê này ngày càng trở nên trù phú.
Về sau, Hầu Bông, một vị tù trưởng có uy tín trong vùng huy động nhân dân tiếp tục khai hoang, mở mang đồng ruộng để cuộc sống thêm ấm no. Vị tù trưởng này đã chỉ đạo người dân trong vùng đào một con mương dẫn nước từ khe Mọi về bổ sung nguồn nước cho cánh đồng Mường Quạ. Từ khi con mương này hoàn thành, cánh đồng được tưới tắm thêm bời bời cây lúa nên người dân đặt tên là khe Ló (lúa). Ngày nay, khe Ló vẫn còn và phát huy tác dụng. 
Trong những năm 1930 - 1931, hòa chung với nhân dân toàn tỉnh và khắp cả nước, người dân Mường Quạ hăng hái tham gia các cuộc biểu tình chống thực dân Pháp. Trên cơ sở đó, tháng 4/1931, Chi bộ Môn Sơn được thành lập. Đây là chi bộ đầu tiên ở các huyện vùng cao, khẳng định sự lan tỏa của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu tháng Tám lịch sử, Mường Quạ là một trong những vùng giành được chính quyền khá sớm!
TIẾP BƯỚC ÔNG CHA
Chúng tôi lên đập Phà Lài ngắm cảnh sông Giăng và thưởng thức những món ăn đặc sản của Mường Quạ. Rồi ngược lên ngắm thác Khe Kèm, một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Vườn quốc gia Pù Mát đã ban tặng cho Mường Quạ cảnh sắc núi non, sông suối và hang động kỳ thú, nên thơ. Đây chính là lợi thế và cơ hội để người dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ đang đẩy mạnh công tác bảo tồn bản sắc văn hóa (khôi phục nghề truyền thống, thành lập các CLB dân ca - nhạc cụ và phục hồi một số phong tục độc đáo...) để thu hút du khách và phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, một số bản ở Mường Quạ đã được gắn biển điểm du lịch cộng đồng. Nhiều du khách đến đây không chỉ say sưa trước cảnh non nước hữu tình, bản làng trù phú mà còn bị quyến rũ bởi câu lăm, điệu xuối, điệu xòe cùng tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí ngân vang trong đêm đại ngàn hùng vỹ. Cùng với đó là những món ăn truyền thống của đồng bào Thái và những sản vật của Mường Quạ, thưởng thức một lần chắc hẳn sẽ không dễ quên. Từ rất xưa, câu ca “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” đã được lưu truyền và lan tỏa...
Đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ và nhân dân với những việc làm cụ thể, thiết thực, mỗi tổ chức đoàn thể, chi bộ và mỗi đảng viên đều thể hiện quyết tâm nối tiếp truyền thống của quê hương bằng cách xây dựng một mô hình “làm theo”. Đến bản Thái Sơn 2 vào sáng thứ 2, chúng tôi được chứng kiến sự trang nghiêm của buổi lễ chào cờ tại nhà văn hóa của các cán bộ, đảng viên trong bản. Lời “Quốc ca” vang lên khắp không gian bản làng, ai nấy dõi mắt về phía lá cờ Tổ quốc đang tung bay trước gió. Ông Lô Xuân Diệu - Bí thư chi bộ cho biết: “Từ nhiều tháng nay, vào sáng thứ 2, toàn bộ đảng viên, ban quản lý thôn bản đến nhà văn hóa cộng đồng làm lễ chào cờ. Sau đó, tiến hành nhận xét, đánh giá tình hình thôn bản trong tuần qua, triển khai nhiệm vụ cần thực hiện trong tuần mới. Việc làm này đã đi vào nề nếp và thực sự mang lại hiệu quả, đảm bảo công tác chỉ đạo luôn được kịp thời”. Cũng theo ông Lô Xuân Diệu, việc chào cờ hàng tuần có ý nghĩa khắc sâu tình cảm đối với Tổ quốc, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Bản Tân Sơn hiện đang triển khai thực hiện mô hình tổ tiết kiệm, giúp nhau phát triển chăn nuôi của chi hội Phụ nữ. Tổ tiết kiệm được thành lập với 18 - 20 hội viên tham gia, hàng tháng tổ chức sinh hoạt định kỳ và góp tiền vào quỹ tiết kiệm. Số tiền này dành để hỗ trợ những hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, mua con giống phát triển chăn nuôi, từng bước thoát nghèo. Trên cơ sở đó, một số hội viên đã nỗ lực vươn lên, tích cực lao động sản xuất nên kinh tế gia đình ngày một khởi sắc, điển hình là chị Hà Thị Chỉnh. Trước đây, gia đình chị Chỉnh thuộc diện khó khăn trong bản. Nhờ được vay vốn của tổ tiết kiệm, chị quyết định phát triển chăn nuôi lợn. Từ 1 con lợn giống ban đầu, đến nay có thời điểm trong chuồng có đến hàng chục con, đem lại nguồn thu lớn giúp gia đình chị cải tạo, sửa sang nhà cửa và mua sắm các tiện nghi. Chị Chỉnh chia sẻ: “Khi chưa có tổ tiết kiệm, tôi thực sự không biết phải làm thế nào để có đủ cái ăn, có đủ tiền để chi tiêu hàng ngày. Từ khi vào tổ tiết kiệm, được tham gia sinh hoạt, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, được vay vốn sản xuất nên tôi đã tìm được cho mình hướng đi...”.
 Đến bản Bắc Sơn, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Vi Thị Ánh (1981). Ngôi nhà cũ kỹ lợp pờ - rô xi măng, xung quanh thưng vách nứa, đồ đạc đơn sơ. Chồng chị không may lâm bệnh, mất cách đây 5 năm, bỏ lại gia cảnh nghèo nàn và 3 đứa con nhỏ. Chi bộ bản Bắc Sơn đã vận động mỗi đảng viên tiết kiệm 10.000 - 20.000/tháng để hỗ trợ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Trên cơ sở đó, chị Ánh hàng tháng có thêm một khoản tiền trang trải cuộc sống, lo việc học hành cho các con. Chi bộ còn nhận giúp đỡ cụ Lô Thị Hành, năm nay đã hơn 80 tuổi, sống cảnh neo đơn, không nơi nương tựa. Bà Lô Thị Liên - Bí thư chi bộ cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ xã về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Bác, chi bộ chúng tôi thống nhất xây dựng mô hình giúp đỡ những gia đình nghèo khó, neo đơn. Điều này là thiết thực, phù hợp với truyền thống nhân ái của dân tộc...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Nam - Bí thư Đảng bộ xã Môn Sơn khẳng định: “Môn Sơn - Mường Quạ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, chúng tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để tiếp nối truyền thống của ông cha. Sau khi trao đổi, bàn bạc và đi đến thống nhất, đầu năm nay BCH Đảng bộ quyết định phát động mỗi chi bộ và tổ chức đoàn thể xây dựng một mô hình hoạt động dựa trên tình hình cụ thể, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến nay, các chi bộ đã đăng ký và triển khai mô hình của đơn vị mình, hy vọng sẽ góp phần làm đổi thay bộ mặt bản làng, xứng đáng là vùng quê cách mạng.
 Bài, ảnh: Công Kiên

Tin mới