Chính sách hỗ trợ vùng miền núi khó khăn: Nghịch lý hộ nghèo

(Baonghean) - Nghèo do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu lao dộng, do ốm đau, già cả, thiếu kiến thức, nhưng không thiếu những hộ mãi nghèo do… không muốn, không chịu thoát nghèo, lười lao động, mang nặng tâm lý ỷ lại. Bởi, với họ “phấn đấu hộ nghèo” để được hỗ trợ nhiều hơn từ nhà nước. Những nghịch lý xoay quanh chuyện hộ nghèo đang diễn ra ở khá nhiều địa phương, khiến dư luận quần chúng không khỏi bất bình...

Không muốn thoát nghèo
Chúng tôi đến thăm hộ nghèo Vi Văn Ba, bản Hòm, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Căn nhà gỗ 2 gian theo truyền thống của người Thái, mái lợp ngói của vợ chồng anh Ba nằm sát Quốc lộ 7. Vừa đến đầu ngõ, đã nghe tiếng loa thùng inh ỏi phát ra từ phía căn nhà của anh Ba. Chị Lô Thị Hương vợ của anh Ba đang ngồi chơi ở nhà hàng xóm, vội bước về nhà. Chị Hương nói: Chồng vừa đi uống rượu về, mở loa to quá, tôi phải đến nhà khác ngồi. Có khách lạ, anh Ba tắt loa, lấy chiếc chiếu trải ra nền nhà, mời chúng tôi ngồi. Vợ chồng anh Ba không một chút ngại ngùng, nói: Gia đình thuộc diện nghèo đã 5, 6 năm nay mà mới được Nhà nước hỗ trợ làm căn nhà theo Chương trình 167/CP, ngoài ra còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ tiền, gạo trong dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ tiền cho con đi học… chứ chưa lần nào được hỗ trợ vật nuôi cả. Thế mà năm nào cũng vậy, cứ đến lượt bình xét hộ nghèo là người ta nói ra nói vào...
Ngôi nhà hộ nghèo của chị Phạm Thị Thư, thôn Thanh Nam (xã Bồng Khê, Con Cuông)
Ngôi nhà hộ nghèo của chị Phạm Thị Thư, thôn Thanh Nam (xã Bồng Khê, Con Cuông)
TIN LIÊN QUAN
Chúng tôi hỏi: Vợ chồng đã làm chuồng trại chăn nuôi gì chưa? Vợ chồng anh Ba trả lời: Chưa có chuồng trại chi cả, vì không có tiền, không có đất để làm. Chúng tôi hỏi tiếp: Gia đình đang nghèo, mua âm li, loa thùng làm gì, sao không để số tiền đó mà đầu tư vào chăn nuôi? Chị Hương nói: Năm ngoái vợ chồng vay Ngân hàng CS - XH huyện 20 triệu đồng để buôn bông đót, lãi được ít tiền, anh lấy đi mua loa đài. Hỏi, hàng ngày vợ chồng làm công việc gì? Vợ chồng anh Ba nói: Đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, mỗi ngày được 100 nghìn đồng/người. Nhà chỉ có ít đất rẫy, mỗi năm trỉa 6 bao ngô giống (6 kg), chờ đến ngày thu hoạch là hết việc. Có năm mượn đất ông bà ngoại trỉa được thêm 10 bao ngô giống, năm đó thu hoạch được khá nhiều ngô. Như vậy, có thể thấy, vợ chồng anh Ba không thể thoát nghèo do không biết tính toán, không có kế hoạch lâu dài để… thoát nghèo. Đã thế, tư tưởng lại mang nặng sự trông chờ, đã được hỗ trợ rồi, còn muốn được nhiều hơn nữa, toàn diện hơn nữa, luôn nghĩ mình ở vị thế còn chịu sự thiệt thòi. Anh chị chưa biết lấy sự hỗ trợ này để làm điểm tựa.
Cảnh nhàn rỗi ở của gia đình nghèo Lô Văn Chí, (bản Phục, xã Đôn Phục)
Cảnh nhàn rỗi ở của gia đình nghèo Lô Văn Chí, (bản Phục, xã Đôn Phục)
Ngược xã Đôn Phục (Con Cuông), lần theo danh sách hộ nghèo của xã, chúng tôi đến gia đình ông Lô Văn Chí ở bản Phục. Lúc này, chưa đầy 3 giờ chiều, nhưng trong ngôi nhà gỗ của ông Chí lúc này có khá nhiều người là trai, gái trẻ tuổi đang ngồi chơi. Bà Ò (vợ ông Chí), cho biết: Gia đình hiện có 6 người, gồm 2 ông bà, 2 vợ chồng con trai và 2 đứa cháu nhỏ. Từ trước đến nay, hầu như năm nào gia đình bà cũng được xếp vào hộ nghèo của bản, do vậy, gia đình được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, theo Chương trình 134/CP, hàng năm được hỗ trợ giống lúa, muối, gạo ăn. Nhà có 1,4 sào ruộng và hơn 1 ha đất nương rẫy, hàng năm con trai bà còn vào miền Nam làm công nhân, tăng thu nhập. Khi chúng tôi nói đến chuyện thoát nghèo, bà Ò nói: “Không thoát nghèo được, đang khó khăn lắm”. Có thể thấy, là hộ nghèo nhưng ông bà lại đang là tỷ phú về thời gian. Có sức khỏe, nhưng ông bà cũng không có ý xoay xở để kiếm thêm công việc làm lụng và quan trọng nhất vẫn là ý nghĩ “không thoát nghèo được”.
Không chịu thoát nghèo
Nếu như hộ anh Ba và hộ ông Chí kể trên là những hộ nghèo không thực sự muốn thoát nghèo vì họ thà đi chơi chứ không đi làm, thà mua loa thùng về nghe nhạc chứ không chịu đầu tư vào sản xuất, thì lại có những hộ muốn “bám lấy sổ hộ nghèo” chỉ để được nhận thêm hỗ trợ, trong khi bản thân gia đình họ không phải quá khó khăn
Chúng tôi đến thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê (Con Cuông), thấy nhiều người dân không mấy đồng tình về hộ nghèo Nguyễn Văn Mạnh và một số hộ nghèo khác. Theo sự chỉ lối của thôn trưởng Lê Hồng Sơn, chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1971). Trước mắt chúng tôi là căn nhà xây khá kiên cố, khang trang, sơn màu xanh nhạt, sân được lợp mái tôn, các hệ thống công trình phụ đầy đủ, nhiều đồ dùng sinh hoạt khác cũng được mua sắm khá đủ đầy, cạnh bên căn nhà ở là xưởng cưa gỗ của gia đình anh Mạnh. Trong ít phút tiếp xúc, anh Mạnh biện minh nhiều lý do để mình được xếp vào hộ nghèo. Trong đó, lý do mà anh Mạnh lấy làm chính đáng nhất là, cách đây 3 năm, vợ anh là chị Bạch Thị Hòa (SN 1972) bị bệnh ung thư, hàng năm phải đi điều trị ở bệnh viện nên bằng mọi cách xin cho được hộ nghèo để hưởng bảo hiểm y tế hộ nghèo. Thiết nghĩ, nếu như gia đình mua bảo hiểm tự nguyện, hoặc bảo hiểm hộ cận nghèo thì vợ anh vẫn được hưởng bảo hiểm y tế, đằng này gia đình cứ “bám” vào hộ nghèo để được hưởng các chính sách khác, khiến dư luận không đồng tình.
Gần nhà anh Mạnh là gia đình bà Phạm Thị Thư (SN 1966), cũng thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn Nhà nước. Căn nhà xây 3 gian to, rộng, cửa ngõ đàng hoàng, công trình phụ đầy đủ của bà Thư hoàn thành cách đây không lâu. Nhìn vào cơ ngơi khang trang này, không ai nghĩ đây là hộ nghèo. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình bà Thư hiện có 5 người, gồm người mẹ là cụ Dương Thị Quý và 3 đứa con của bà Thư. Trong đó 3 đứa con của bà Thư theo học các trường trung cấp, cụ Quý được hưởng trợ cấp của Nhà nước, do 2 con mắt bị hỏng. Còn bà Thư lâu nay đi nấu ăn tại các công trình xây dựng nhà máy thủy điện trong tỉnh. Tiếp xúc, bà Thư nói: Gia đình được hộ nghèo từ nhiều năm nay rồi. Tui “bám” lấy cái sổ hộ nghèo cũng là để các con được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình đi học. Hết năm nay, mấy đứa con của tui hết học, tui sẽ xin rút khỏi hộ nghèo.
Trao đổi về công tác bình xét hộ nghèo của bản, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng bản Thanh Nam, cho biết: Hàng năm, trước khi tiến hành họp dân bình xét hộ nghèo, bản thực hiện đúng quy trình, phương pháp như đã được xã tập huấn. Trước tiên là tổ dân cư, đến các đoàn thể, chi ủy, đến chi bộ và sau cùng là tiến hành họp thôn. Khi họp thôn, bình xét hộ nghèo thống nhất bằng cách bỏ phiếu kín. Thế nhưng, “vì màu cờ sắc áo” nên vẫn còn tình trạng anh em bỏ phiếu cho nhau, để người nhà mình được “đăng quang” hộ nghèo. 
Bản Mon là địa phương có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế nhất xã Thạch Giám (Tương Dương). Tuy vậy đây lại là bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Từ đầu năm 2014 ông Dặm Tất Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã được tăng cường làm Bí thư chi bộ bản với một nhiệm vụ được ông cho là khá khó khăn là giảm số hộ nghèo trong bản. Theo ông Thành thì đến cuối năm 2014 bản Mon có tổng số 120 hộ dân thì còn 25 hộ nghèo. 
Dẫn chúng tôi thăm hộ ông Kha Văn Trung, ông Thành cho biết đây là một hộ đảng viên nằm trong danh sách hộ nghèo của bản. Từ khi có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình được hỗ trợ tiền mua 1 con bò, đến nay đàn bò đã có 3 con. Theo gia đình ông Trung thì, hiện giờ họ vẫn chưa thể thoát nghèo vì cả hai ông bà đều đã ở tuổi 70, sức lao động không còn, tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi thì so với những hộ thực sự nghèo trong bản thì gia đình ông Trung có phần khá hơn. Căn nhà chưa phải là khang trang nhưng cũng khá tươm tất, tiện nghi sinh hoạt tương đối đầy đủ. Trong nhà, ngoài 2 ông bà cao tuổi, còn có 1 lao động chính. Theo ông Bí thư chi bộ thì chi bộ đang vận động để hộ đảng viên này thoát nghèo. Bởi nếu tính theo thang điểm thì hộ ông Trung đã có thể thoát nghèo. Cô con gái đi làm ăn ở Lào cũng đã có thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi gia đình vẫn cho rằng họ chưa thể thoát nghèo vì “trong nhà vẫn chưa có gì đáng giá”. 
Theo Bí thư chi bộ bản Mon, thì trong số 25 hộ nghèo có khoảng 70% là nghèo thực sự, còn lại khoảng 30% thì chưa hẳn là thực sự nghèo. Họ vẫn còn tư tưởng “ỷ lại” Nhà nước nhiều quá, khư khư giữ “ngôi vị” hộ nghèo cốt chỉ để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, Ban Quản lý bản khá khó khăn trong việc vận động họ thoát nghèo, vì tinh thần tự giác thoát nghèo của các hộ dân này vẫn chưa cao. Trong đó đáng nói nhất là gia đình đảng viên Kha Văn Trung. 
Và những… cá biệt
Những năm qua, vì nỗ lực đẩy lùi khó khăn, chính quyền huyện Tương Dương đã có những quyết sách được cho là quyết liệt đối với những  gia đình nghèo và địa bàn khó khăn, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn đối với những hộ đăng ký thoát nghèo. Chính chủ trương này đã khiến nhiều gia đình đăng ký với chính quyền rút khỏi danh sách hộ nghèo. Xem chừng đây là một tín hiệu vui, tuy nhiên thực tế lại chẳng phải vậy. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có nhiều gia đình xin ra khỏi hộ nghèo chỉ vì muốn nhận tiền hỗ trợ. Họ cũng chưa biết sau khi thoát nghèo sẽ chọn hướng đi và sử dụng nguồn vốn này như thế nào. Lại có những người nói với chúng tôi rằng: “Chờ mãi không thấy có hỗ trợ hộ nghèo đến nơi nên xin ra để lấy tiền... thoát nghèo”. Cá biệt có một chủ hộ vốn là con nghiện ma túy cũng xin ra khỏi hộ nghèo mà theo một cán bộ bản thì mục đích của người này là lấy tiền hút chích. 
Đương nhiên, khi xét cho người đăng ký thoát nghèo, chính quyền địa phương cũng phải xét đến việc liệu họ có thực sự có năng lực vươn lên hay không. Nhưng qua những động thái này của người dân thì biết rằng một bộ phận nhân dân vẫn chưa thể hiện quyết tâm thoát nghèo. Việc họ muốn “ở lại” hay xin thoát nghèo có một điều căn cốt là để “nhận hỗ trợ”. Và việc bình xét hộ nghèo cũng còn nhiều những vướng mắc, bật cập. 
Những ngày này, các địa phương đang chuẩn bị cho công tác bình xét hộ nghèo của năm 2015. Do vậy, chuyện bình xét hộ nghèo đang được người dân rất quan tâm, nhất là với những hộ không chịu thoát nghèo sau nhiều năm được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...
Nhóm PV

Tin mới