"Cây cổ thụ" ở bản Xiêm

(Baonghean) - Chúng tôi đến bản Xiểm (xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp) khi mặt trời vừa đứng bóng. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ nhắn nằm ven đường, bài trí đồ đạc rất ngăn nắp, chứng tỏ rằng chủ nhân là người rất cẩn thận và sạch sẽ.Ông Lê Duy Khẩn đi vắng, chỉ có bà Đức (vợ ông) ở nhà. Đưa tay bối lại mái tóc bạc màu thời gian, bà Đức chậm rãi: “Ông ấy vừa lên xã nhận tiền trợ cấp về phát cho người dân trong xóm. Nghỉ hưu rồi nhưng có mấy khi ông ấy ở nhà mô. Suốt ngày việc làng, việc xã, nay lại thêm vai Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian (VHDG) của bản nên việc nhà, việc rẫy một mình tôi gánh vác. Nay già rồi, những lúc mùa vụ, tôi phải thuê người làm chứ kham không nổi nữa”.
Đang dở câu chuyện thì ông Khẩn về. Xấp xỉ tuổi thất tuần, nom ông vẫn còn nhanh nhẹn, nước da ngăm đen. Rót chén trà nóng mời khách, ông kể về  những ký ức thời trai trẻ. Ông bảo: “Mình là người dân tộc Thổ, sống ở nơi sơn cùng thủy tận, ngày trước, may có ông cụ là cán bộ cách mạng nên mình mới được học hành đến nơi đến chốn, chứ cả bản này có mấy ai biết đến cái chữ đâu”. Ông là một trong số ít học viên người dân tộc thiểu số của Trường Trung cấp Chính trị Trần Phú Nghệ - Tĩnh. Tốt nghiệp, ông về dạy trường Đảng của huyện nhà (nay là Trung tâm Chính trị huyện), sau đó chuyển sang làm cán bộ tuyên giáo.
Một thời gian, ông được tăng cường về Hạ Sơn làm Bí thư Đảng ủy cho đến ngày về hưu. Ở vị trí công tác nào ông cũng dành trọn tâm huyết, tận tụy phục vụ nhân dân. Làm cán bộ thời bao cấp cực lắm. Nhiều bận đi vào xóm họp dân gặp trời mưa gió, đường sá lầy lội, đèn pin không có, ông phải mò mẫm với cây đèn dầu lúc tỏ, lúc mờ. Hạ Sơn mấy năm trước còn nghèo, điện, đường chưa có, dân trí thấp, khiến ông day dứt khôn nguôi. Cùng với công cuộc xây dựng NTM, con em đồng bào được học hành bài bản, người dân biết đưa cây mía, cây sắn năng suất cao vào trồng, nhờ đó, Hạ Sơn từng ngày thay da đổi thịt. 
Ông bảo: “Giờ cái ăn, cái mặc cũng tương đối đầy đủ rồi, lại lo sợ những giá trị truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc bị mai một…”. Nhìn thấy lớp trẻ lớn lên không mảy may biết đến các làn điệu dân ca, truyện cổ, lạ lẫm trước những dụng cụ một thời gắn bó với cha ông mình, ông Khẩn bàn với ban cán sự xóm Xiểm thành lập CLB VHDG. CLB được chia thành 4 nhóm: Nhóm sưu tầm vật dụng cổ; nhóm sưu tầm những làn điệu dân ca, truyện cổ; nhóm sưu văn hóa ẩm thực và nhóm tìm hiểu về phong tục, tập quán cổ truyền. Các nhóm chia nhau ra để đi đến các bản làng, tìm gặp các già làng để hỏi chuyện, ghi chép lại, hàng tuần báo cáo về cho ban chủ nhiệm để tổng hợp. Nhiều thành viên trong CLB ban đầu cũng rất mơ hồ về những việc mình làm, được ông Khẩn phân tích, giải thích, họ hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền, nên ai cũng hăng say. Bản thân ông Khẩn còn lặn lội tìm đến những người già ở trong làng, ngoài bản, được họ dạy cho cách hát các làn điệu dân ca dân tộc Thổ như hát dạ ời, múa đu đu điềng điềng, tập tính tập tang…
Vừa học hát, học múa, ông vừa vận động các cháu nhỏ trong làng thành lập đội văn nghệ truyền dạy những làn điệu ông học được. Mỗi lần trường, xã tổ chức văn nghệ, ông lại trang bị cho các cháu biểu diễn để đông đảo bà con  biết đến văn hóa dân tộc mình. Hiện nay, CLB do ông Khẩn làm chủ nhiệm đã sưu tầm được 26 loại nhạc cụ, dụng cụ cổ của người Thổ như lưới săn nai, móm sắt, nỏ bắn chim, rổ xúc cá, ống và đòn gánh nước… Ông Khẩn cũng thường xuyên viết bài đăng trên tạp chí Văn học - Nghệ thuật của huyện. Với ông, dù viết báo hay sưu tầm vật dụng cổ, dàn dựng các tiết mục văn nghệ… đều không ngoài mục đích bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thổ ở Hạ Sơn.
Người dân bản Xiểm rất xem trọng ông, coi ông là chỗ dựa tin cậy, đứng ra phân tích, hòa giải những khúc mắc của dân bản; dùng lời hay, lẽ phải để khuyên nhủ con cháu; sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn...  Ông Khẩn như cây cổ thụ tỏa bóng mát, che chở cho bản làng được bình yên, hạnh phúc…
 Bài, ảnh: Nguyễn Lê

Tin mới