Dưới thung lũng Yên Na

(Baonghean) - Dưới thung lũng Yên Na (xã Yên Na, Tương Dương) là Trường THCS Yên Na, nơi có 81 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Khơ mú, tụ hội về đây để nuôi giấc mơ “con chữ”. Mùa Đông về, mơ ước về một nơi ngôi nhà ấm áp để các em chuyên tâm với việc học, từng bước thực hiện ước mơ tươi đẹp, thắp sáng tương lai…

Hai dãy núi thấp ôm lấy những bản làng thơ mộng, xã Yên Na (Tương Dương) tựa như một thung lũng hẹp và dài. Con đường nhựa, như sợi chỉ nhỏ xâu chuỗi những làng, bản thành một thế liên hoàn, nên việc thông thương thuận lợi hơn bội phần so với quá khứ. Có đường, chính quyền và người dân như được tiếp thêm sức để đẩy lui cái nghèo, tình trạng học sinh bỏ học hầu như không còn. Tôi chợt thấy vui, vì biết rằng trong những năm học trước đây, học sinh ở những bản Khơ mú như Huồi Cụt, Huồi Xén… bỏ học nhiều. Nay, mọi chuyện đã chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn. Năm học 2014 - 2015, bản Huồi Cụt đã có người vào đại học. 
Giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Yên Na.
Giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Yên Na.
Thông tin từ chiếc ti vi của một quán tạp hóa bên đường cho hay, đang có đợt không khí lạnh tăng cường. Những đợt không khí lạnh đầu mùa thường gây mưa kèm giá lạnh. Từ trung tâm huyện, tôi quyết định vượt núi Pu Hủng vào Yên Na. Mục đích chuyến vào Yên Na của tôi lần này là để tìm hiểu đời sống của học sinh bán trú đến từ các bản Huồi Cụt, Huồi Xén, Na Khốm, bản Vẽ của Trường THCS Yên Na. Tại đây, có 81 học trò mà phần đông là người Khơ mú đang ở nhờ nhà dân các bản lân cận trường học, một số khác ở trong những căn phòng bán trú do dân bản dựng lên cho học trò thuê trọ.
Mới hơn 5 giờ chiều, các bản đều đã lên đèn. Mưa ngớt, nhưng trời vẫn đầy mây, nặng như chì. Làng bản như trầm mặc hơn trong tiết trời chớm Đông. Những người hái ngô trên rẫy cũng đã trở về bản từ sớm để tránh cái rét. Bầy trẻ không còn nô đùa trong các ngõ bản, mà đã tập trung lại bên những đống lửa nhâm nhi ngô nếp rẫy nướng. Tôi tìm đến khu nhà bán trú của học sinh Khơ mú ở bản Huồi Cụt, Huồi Xén tại nhà ông Lương Thanh Tần ở bản Xiềng Nứa. Tại đây, có 21 em ở trong một dãy được chủ nhà ngăn thành 4 căn phòng bao quanh bằng những ván gỗ tạm bợ. Căn phòng nhỏ vừa đủ chỗ để đặt 2 chiếc giường, phía ngoài được rào bằng lưới sắt B40. Tôi đến khi các em đã ăn xong bữa tối. Các trò nam đang tập trung xem ti vi trên nhà bác chủ nhà, còn những trò nữ vẫn chăm chú ôn bài. Các trò bản xa này đều có chung hoàn cảnh khó khăn nhưng ở các em đều toát lên tình thần hiếu học. Em Lữ Thị Kim Oanh có vẻ ngoài già dặn hơn tuổi của một học sinh lớp 9. Oanh bộc bạch rằng, chẳng phải em đi học muộn đâu. Cuộc sống khó khăn, bố lại mất sớm, khiến cô học trò người Khơ mú ở bản Huồi Xén này phải lam lũ từ bé. 
Em quyết tâm phải học thật chăm, để sau này cuộc sống đỡ vất vả hơn. “Nếu gia đình có điều kiện thì sau này em muốn thi vào trường y để biết cách chữa bệnh cho mọi người trong gia đình, cho bà con dân bản”, Oanh nói về mơ ước của mình. Nhưng mơ ước đó có thực hiện được hay không còn phải xem liệu sau này “gia đình có đủ điều kiện”? Là một học sinh khá nhưng cậu trò Ngân Văn Kích lại có suy nghĩ khác so với những bạn cùng bản. Em cho biết, dẫu sau này chọn nghề gì, vẫn cố gắng học thật chăm, trước mắt để vào học cấp 3 đã. Sau này có thể sẽ ở nhà làm rẫy, làm cán bộ bản, hoặc đi học nghề, nhưng dù làm gì cũng cần có kiến thức vững vàng. 
Cũng là một trong những học sinh khá giỏi, trong 6 năm học liền, em Xeo Văn Tình, học sinh lớp 7, luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trong đợt thi học sinh giỏi lớp 5 cấp huyện, em giành được giải nhì 2 môn Toán và Tiếng Việt. Ở bán trú, Tình có nhiều thời gian hơn cho việc học, nhưng với cậu trò có vóc dáng nhỏ bé này, việc tự lo lấy bữa ăn, bó củi, nắm rau là điều không hề dễ dàng.   
“Ở nhà tạm bợ vậy, các em có thấy vất vả không?”, tôi hỏi. Cô bé Kim Oanh nhanh nhảu trả lời: Khi chưa có chủ trương hỗ trợ cho học sinh bán trú thì quả thật vất vả. Nay, không chỉ có thầy cô giúp đỡ học trò trong việc học tập,  mà Nhà nước cũng đã quan tâm cấp cho mỗi tháng 460.000đ tiền ăn, mỗi em lại được hỗ trợ hơn 100.000đ tiền ở. Vậy là, không phải lo chuyện tiền thuê trọ nữa rồi. Thế nhưng cứ mỗi học kỳ, học sinh bán trú mới được nhận hỗ trợ tiền ăn một lần, nên ngày thường vẫn phải chờ cái ăn từ gia đình gửi cho. Còn gạo ăn, mỗi em được cấp 15kg mỗi tháng, cũng tạm ổn. 
Ngày hôm sau, mưa đã ngớt. Tôi tìm đến thầy Thái Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Na giữa lúc buổi học của các trò bắt đầu. Đã có trên 20 năm gắn bó với học trò vùng Yên Hòa, Yên Thắng, Yên Na, Yên Tĩnh, Nga My thầy giáo Khiêm cho biết mặc dù đã đỡ vất vả hơn trước đây, nhưng học trò Yên Na vẫn chưa hết khổ, nhất là những bản người Khơ mú. Nhà trường cũng đang có kế hoạch trong năm 2015 sẽ xin xây dựng khu nhà bán trú cho học sinh, thành lập ban quản sinh để gìn giữ trật tự an ninh, để các trò yên tâm học hành. Thế nhưng, đó cũng chỉ mới là ý tưởng, việc thực hiện còn lắm khó khăn...
Thầy giáo Khiêm cho biết thêm: Đáng quý, ở bản Bón, nơi đứng chân của Trường THCS Yên Na, gia đình ông Lương Thái Sơn, bà Lô Thị Liên đứng ra nhận nuôi học trò bán trú. Dù đã ở tuổi ngoài lục tuần, vì thương cảnh khó khăn của các trò nhỏ, cũng từng nuôi các con ăn học trưởng thành, ông  bà đã nhận nuôi 3 em học sinh Khơ mú từ 2 năm nay mà không thu một đồng nào, còn bỏ tiền mua quần áo ấm cho 3 em khi đông về.
Ông Sơn nói, chúng tôi chỉ hỗ trợ được một vài cháu nhỏ thôi. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền mới có thể làm thay đổi được đời sống của học trò bán trú nơi đây. Mùa Đông đã về, hơn lúc nào hết, học trò nơi đây đang cần nhà bán trú thực sự ấm áp để các em chuyên tâm vào học hành, từng bước thực hiện những ước mơ đẹp, thắp sáng tương lai cho những trò nghèo nơi bản làng xa xôi này…
Bài, ảnh: Hữu Vi

Tin mới