Cho bản làng thêm Xuân

(Baonghean) - Họ - những người tâm huyết với nét đẹp văn hóa cổ truyền, ra sức lưu giữ nét tinh túy tổ tiên bao đời truyền lại; Qua đó, góp phần tăng thêm vẻ đẹp bản làng mỗi khi Xuân về, Tết đến…

Người dân xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, thường gọi bà Lương Thị Lan (SN 1958) là “nữ hoàng thổ cẩm”, bởi lẽ bà là người có công hồi sinh nghề dệt truyền thống của đồng bào Thái ở vùng đất này. Đặc biệt, bà Lan còn là người chuyên sưu tầm những bộ trang phục như váy, áo, khăn và túi đời xưa để lưu giữ. Sau gần 20 năm, đến nay, bà Lương Thị Lan có một bộ sưu tập trang phục Thái cổ với đầy đủ các loại váy, áo, khăn, chăn và cả những chiếc xà tích, chiếc trâm cài bằng bạc giá trị. Những bộ trang phục bà Lan sưu tầm chủ yếu làm từ chất liệu tơ tằm và được thêu ren một cách tinh xảo, thể hiện sự khéo léo và công phu của người làm ra chúng. Hầu hết các sản phẩm thổ cẩm được nhuộm bằng cây rừng nên có những bộ đã trải qua 5 đời nhưng màu sắc vẫn chưa phai.
Hay tin bà Lương Thị Lan sưu tầm được nhiều bộ trang phục cổ của người Thái, đoàn cán bộ Bảo tàng Dân tộc học đã tìm đến tận bản Mác mua về trưng bày. Ban đầu bà nhất quyết không bán, nhưng rồi ý thức được rằng đó cũng là một phần trách nhiệm, nên bà Lan đã trao lại cho bảo tàng 6 bộ để trưng bày. Hiện bà Lương Thị Lan cũng có một “bảo tàng” của riêng mình. Vào dịp Tết Nguyên đán, bà thường dành một gian nhà trưng bày những đồ vật bà sưu tầm được, không phải để “khoe”, mà là để con cháu, họ hàng, làng bản và khách khứa đến chiêm ngưỡng, hiểu thêm về một nét đẹp cổ truyền của dân tộc Thái.
Đêm hội “Sắc Xuân miền Tây 2015”  tại Tương Dương
Đêm hội “Sắc Xuân miền Tây 2015” tại Tương Dương
Rời bản Mác, chúng tôi ngược lên bản Phòng (xã Thạch Giám) và được chứng kiến không khí náo nức chuẩn bị đón Xuân của bà con, tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng khắp bản làng. Trưởng bản Vang Văn Phi đang trang trí cây nêu dựng trước sân nhà. Trước Tết Nguyên đán mấy ngày, anh đi tìm cây tre già về làm cây nêu theo phong tục đời xưa truyền lại. Sau khi chọn được cây tre ưng ý, anh Phi lại tỉ mẩn cắt, vẽ hình những con vật hiền lành như cá, chim, gà, thỏ và tìm bó lúa, bắp ngô, củ sắn treo lên cây nêu. Anh Vang Văn Phi giải thích, dựng cây nêu là để tạ ơn trời đất, thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho con người những sản vật, đảm bảo cái ăn và cái mặc hằng ngày. Vì thế, mỗi khi Tết đến, Xuân về, bà con người Thái thường dựng cây nêu, trang trí các sản vật (hình ảnh biểu trưng) dâng lên để cảm tạ và cầu mong năm mới tiếp tục được phù hộ. Phong tục này đã bị bà con lãng quên trong nhiều năm, nay bố con anh Phi quyết định khôi phục, không có ý mê tín dị đoan mà chỉ là lời nhắc nhở về tấm lòng tri ân, chia sẻ.
Bà Lương Thị Lan (xã Thạch Giám, Tương Dương) với bộ sưu tập trang phục cổ.
Bà Lương Thị Lan (xã Thạch Giám, Tương Dương) với bộ sưu tập trang phục cổ.
Anh Phi còn sửa soạn một căn phòng khá khang trang, sạch sẽ để trưng bày những bức tranh của bố mình. Đó là những bức tranh vẽ phong cảnh bản làng của người Thái, vẻ đẹp những cô gái Thái trong bộ trang phục cổ truyền, cảnh lao động sản xuất và sinh hoạt lễ hội... Có những điều đã lùi xa vào dĩ vãng, nay nhờ nét vẽ và những bức tranh mới có thể tái hiện lại một thời đã xa. Vì thế, anh Phi muốn ngày Tết khách đến thăm không chỉ thưởng thức trà, rượu mà còn có dịp thưởng thức những bức tranh để hiểu thêm về truyền thống, về nét đẹp nhân văn bao đời truyền lại. 
Ngược Quốc lộ 7A, chúng tôi lên xã Lưu Kiền (Tương Dương), tìm đến nhà anh Vi Thanh Bằng, người thổi khèn bè khá nổi tiếng trong vùng. Anh Bằng đang soạn sửa mấy thứ nhạc cụ nào khèn bè, pí nhuôn và pí xuối... do bố anh để lại. Chưa làm được khèn, pí như bố và anh, nhưng bù lại Vi Thanh Bằng rất có khiếu trong việc thể hiện âm thanh khèn bè. Mỗi khi mùa Xuân về, người dân Lưu Kiền lại được thưởng thức tiếng khèn dìu dặt, rộn ràng và ngân vang của anh, cảm giác như mùa Xuân dài hơn và ngày Tết được vui hơn. Năm nay cũng vậy, tiếng khèn bè của Vi Thanh Bằng đã vang ngân để gọi mùa Xuân về...
Con suối Nhị mùa này nước trong vắt và ngân lên khúc ca rì rào, những thửa ruộng lúa Xuân đang bén, bà con bản Na, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) đang tất bật sắm sửa đón Tết. Già làng Vi Đình Tới (78 tuổi) có lẽ là người bận rộn nhất bản, vì đang chuẩn bị cho Lễ Xăng khan, một hoạt động mang tính chất tín ngưỡng của đồng bào Thái, thường tổ chức vào mùa Xuân. Là một ông mo của bản, già Tới thường đứng ra chủ trì tổ chức Lễ Xăng khan để “kết nối” đời sống thực tại và đời sống tâm linh - nơi hiện hữu của thần sông, thần núi, thần rừng và ông bà, tổ tiên. Những ngày này, già Tới đang xem lại những bài tế sẽ được xướng lên trong buổi lễ và chuẩn bị sẵn bộ trang phục hành lễ. Nội dung các bài cúng của các ông mo trong Lễ Xăng khan ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần linh và tổ tiên đã ban cho con người nguồn nước, cây rừng, sản vật, ánh mặt trời và dạy cách chữa bệnh cứu người...  Sau khi hành lễ, dân bản làm thành một đám rước đi khắp bản làng, qua từng gia đình với ý nghĩa đem đến niềm vui và may mắn trong năm mới.
Bản làng đã vào Xuân, niềm vui đang dâng đầy. Sẽ thêm vui, thêm ý nghĩa khi bản làng có những người biết lưu giữ và trao truyền những nét đẹp truyền thống cho mai sau…
Bài, ảnh: CÔNG KIÊN

Tin mới