"Cây đa" bản Kẻ Sùng

(Baonghean) - Dân bản Kẻ Sùng (Mậu Đức - Con Cuông) chọn ông Lương Văn Do là già làng uy tín gần 5 năm nay. Không chỉ sống mẫu mực, ông còn được ghi nhận bởi những đóng góp cho cách mạng, cho bản làng...

Tôi đến thăm ông Lương Văn Do trong căn nhà mới cất còn tươi màu ngói. Hôm nay ông đã trở lại nhanh nhẹn, hoạt bát như ngày thường. Vậy mà chỉ cách đây một tuần, ông trải qua 2 ca mổ cắt u tiền liệt tuyến và sỏi bàng quang. Ông bảo vậy là trong vòng mấy năm ông đã phải vượt qua 4 ca mổ. Thế nhưng bệnh tật không đánh gục được cụ ông 81 tuổi này. Anh con trai thứ chia sẻ: Ông sống khỏe được là nhờ tinh thần lạc quan của người lính Cụ Hồ.
Già làng Lương Văn Do.
Già làng Lương Văn Do.
Từ khi còn là một thiếu niên, ông Do đã theo du kích Việt Minh và được cử làm liên lạc. Ông kể: Ngày ấy, trong huyện còn có giặc Pháp rồi giặc Nhật. Giữa sông Lam đoạn qua eo Vực Bồng (xã Yên Khê) có một huyện đường, nơi nhiều người đi theo cách mạng bị xử tù đày khiến lòng người căm phẫn. Ông vốn sinh ra ở bản Nưa (Yên Khê), gần huyện đường nên chứng kiến nhiều tội ác của chính quyền thực dân - phong kiến. Ông tham gia đội du kích ở Yên Khê, từng tham gia dẫn đường trong một số trận đánh vào năm 1945 cướp chính quyền. 
Vì là người “có chữ” nên khi chính quyền về tay cách mạng, ông tham gia dạy những lớp bình dân học vụ. Sau đó ông được bầu làm bí thư Đoàn xã Yên Khê. Thế nhưng trong quãng thời gian hơn 20 năm hoạt động cách mạng, ông Do nhớ nhất vẫn là những tháng năm làm bí thư đoàn Trường Thanh niên Dân tộc (xã Môn Sơn - Con Cuông). Trong những năm từ 1963 - 1965, đoàn quân của ông đã khai hoang được 7 ha ruộng nước cho nhân dân các làng bản lân cận. Việc làm ý nghĩa này được người dân nhớ mãi. Sau này, mỗi lần đi thăm lại, nhiều người vẫn nhớ đến ông và những học sinh của trường... 
Năm 1968, ông nhập ngũ, công tác tại Quân khu 4 và chiến trường Thượng Lào. Rời quân ngũ vào năm 1971, ông chuyển về sinh sống tại xã Mậu Đức và được chuyển công tác về giữ chức bí thư Đảng ủy xã. Đến năm 1975, ông được nghỉ hưu, chính quyền xã ngày ấy đã đề nghị ông ở lại làm việc trong Đảng ủy phụ trách công tác đoàn thể. Đến năm 1978, ông mới nghỉ công tác.
Khi trở về nhà, hoàn cảnh kinh tế lúc ấy gặp nhiều khó khăn, ông đã cùng gia đình khai hoang khẩn hóa đất đai bỏ hoang gần bản. Chỉ sau ít năm, từ chỗ thiếu đói, gia đình ông đã có đủ gạo ăn. Thời bao cấp, để có đủ lương thực tự cấp cho gia đình đã là một sự cố gắng lớn. Những năm về sau khi đã có chủ trương Khoán 10, ông hăng hái nhận khoanh nuôi rừng. Hiện tại sau khi chia lại rừng gia đình ông còn lại 12ha rừng và 1 trang trại với ruộng nước, ao cá...
Với những cống hiến của bản thân và tinh thần vượt khó vươn lên trong thời bình, ông Lương Văn Do được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất năm 1987 và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Bài, ảnh: HỮU VI

Tin mới