Lễ hội đền Vạn- Cửa Rào: Lời mời gọi từ ngã ba sông

(Baonghean) - Vào hạ tuần tháng Giêng hàng năm, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Tương Dương lại hướng về Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào. Đến với lễ hội, bà con và du khách thập phương được đắm mình trong không gian tươi vui, nhộn nhịp nhưng lại rất linh thiêng, để gửi gắm và nguyện cầu những điều tốt đẹp.

Thi đẩy gậy trong Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào 2015.  Ảnh: Hồ Phương
Thi đẩy gậy trong Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào 2015. Ảnh: Hồ Phương
Đền Vạn - Cửa Rào thuộc địa bàn xã Xá Lượng và tọa lạc ở một vị trí khá đặc biệt: Bên ngã ba sông - nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ, tạo thành sông Cả để tiếp tục về xuôi làm nên dòng Lam giang thao thiết hồn xứ Nghệ...  Ngã ba sông ấy chính là di chỉ khảo cổ học Đồi Đền, đã khai quật phát hiện được nhiều hiện vật (gồm công cụ sản xuất bằng đá, vũ khí và trống đồng) có giá trị lịch sử- văn hóa. Những hiện vật này được xác định thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, cách chúng ta gần 4.000 năm lịch sử. 
Ngôi đền thiêng nơi ngã ba sông gắn liền với sự nghiệp và công đức của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (đời Trần), người đã hy sinh trên mảnh đất này để bảo vệ bờ cõi, giữ bình yên cho nhân dân. Theo các tư liệu lịch sử hiện có, vào khoảng năm 1335, giặc Ai Lao tràn xuống quấy nhiễu vùng bờ cõi miền Tây xứ Nghệ, gọi là đất Nam Nhung (gồm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông ngày nay). Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi vùng đất biên cương hàng ngày bị đe dọa, dân chúng vô tội bị chém giết, của cải bị cướp bóc bằng sạch. Trước tình thế đó, dù tuổi đã cao nhưng Thượng hoàng Trần Minh Tông vẫn quyết thân chinh cầm quân vào dải đất biên thùy này để dẹp giặc xâm lăng, giữ yên bờ cõi. Trần Minh Tông cử Đoàn Nhữ Hài lúc đó đang chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An làm Đốc tướng. Trong một trận chiến diễn ra tại khu vực ngã ba sông, vị Đốc tướng nhà Trần và nhiều quân sỹ triều đình đã anh dũng hy sinh. Qua cơn binh lửa, cuộc sống trở lại thanh bình, người dân ấp Nam Nhung lập đền thờ tại ngã ba sông để tưởng nhớ công lao của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và các binh sỹ nhà Trần đã hy sinh vì sự bình yên của cuộc sống vùng biên cương. 
Phần thi tung còn nữ trong lễ hội đền Vạn - Cửa Rào năm 2015 (2)
Phần thi tung còn nữ trong lễ hội đền Vạn - Cửa Rào 2015 
Về sau, nhân dân rước linh vị Tam Tòa Thánh Mẫu (một trong Tứ bất tử theo quan niệm dân gian) về phối thờ tại Đền Vạn - Cửa Rào. Thuyền bè xuôi ngược  đều ghé vào dải đất giữa ngã ba sông và bước chân lên đền cầu xin các vị thần linh chở che để hành trình luôn được bình yên. Còn người dân nơi đây thay nhau quanh năm hương khói và tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân để ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân và giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ con cháu. Lên với đền Vạn - Cửa Rào, đi qua những cây cổ thụ nghìn năm tuổi soi bóng xuống dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ như những chứng nhân của lịch sử trong dòng chảy bất tận của thời gian. Ai cũng muốn thắp một nén tâm hương và nguyện cầu bình an, phúc lộc. 
Hoạt động mở màn của chương trình Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào năm nay là hội trại. Các bản làng và trường học của xã Xá Lượng đã nô nức về sân hội cắm trại. Các trại được trang hoàng lộng lẫy, mang đậm bản sắc và đặc trưng vùng miền và dân tộc. Cùng với đó, đêm giao lưu văn nghệ thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến thưởng thức và cổ vũ. Các đơn vị đem đến những tiết mục đặc sắc. Dịp này, những làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú có thêm cơ hội được trình diễn để du khách gần xa hiểu hơn về những giá trị văn hóa phong phú của vùng đất rẻo cao biên giới này; với tiếng khèn bè lúc trầm, lúc bổng, tiếng pí dạt dào như dòng suối mùa Xuân, bước chân uyển chuyển trong điệu múa khèn của những chàng trai Mông; những vòng xòe nhịp nhàng cùng điệu lăm vông, muá sạp. Vang vọng tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã trên dòng Nậm Mộ, Nậm Nơn...
Thi đi cà kheo trong phần hội đền Vạn - Cửa Rào 2015
Thi đi cà kheo trong phần hội đền Vạn - Cửa Rào 
Khi tiếng trống khai hội vang lên, là lúc lễ rước linh vị Đốc tướng  Đoàn Nhữ Hài và Tam tòa Thánh Mẫu bắt đầu. Vị chủ tế xướng lên công đức của các vị thần được thờ tại đền và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên ấm. Ngoài sân hội, các môn thể thao và trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi và đầy hứng khởi. Các chàng trai, cô gái các dân tộc rẻo cao Tương Dương chơi trò đánh đu trong náo nhiệt vòng người cổ vũ; rồi còn các môn bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, ném còn...  Có thể nói, về với Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào là về với cội nguồn lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; là về với một vùng quê sơn thủy hữu tình, con người thân tình và mến khách, nơi gửi gắm tâm linh để sống tốt hơn trong cuộc đời thực và chỗ để ta có được những phút giây thanh thản, sôi nổi và hào hứng để bắt đầu bước vào một năm lao động sản xuất.  
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Phan - Chủ tịch UBND xã Xá Lượng khẳng định: “Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, tương ái của đồng bào các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Tương Dương. Cũng là dịp để bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Bởi đây là nơi tụ hội các làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc, là sân chơi của các trò chơi dân gian”.
Tiếng trống khai hội Đền Vạn - Cửa Rào đã vang lên. Đất trời, sông núi đang rộn ràng sắc Xuân, lòng người xốn xang, rạo rực. Ngày vui nơi ngã ba sông vẫy gọi, đất và người Tương Dương đang hân hoan đón chào, mời bạn bè gần xa về trẩy hội... 
Công Kiên - Xuân Hoàng

Tin mới