Mùa hè ở rẫy...

(Baonghean) - Nà Cáng là bản nghèo khó nhất của xã đặc biệt khó khăn Yên Tĩnh, huyện miền núi Tương Dương. Bản có trên 60 hộ, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy trồng ngô lúa hoặc đi rừng… Mùa này, Nà Cáng vắng vẻ hơn. Thanh niên sau tết đã đi làm ăn xa, nghỉ hè, đám trẻ đã lên đồi phát rẫy cùng cha mẹ tối mới về, nên bản chỉ còn lại những người già.

Từ sáng tinh mơ, những đứa trẻ 7-8 tuổi ở bản Nà Cáng đã cõng gùi, tay dao, tay gậy trèo núi lên rẫy phụ giúp cha mẹ việc cày cuốc, trồng trọt. Những cháu nhỏ hơn 2-3 tuổi thì được cha mẹ địu đi. Rẫy gần thì đi bộ mất 2 tiếng đồng hồ; rẫy xa thì đi suốt ngày, đầu tuần đi, ở lại lán, cuối tuần mới về lấy lương thực. Mặt trời lên dần trên núi cao, những đứa trẻ đen nhẻm với đôi chân trần sớm chai sạn vì đất đá, đầu không mũ nón thoăn thoắt lên đường.
Ngày hè của trẻ em miền núi gắn liền với cuộc mưu sinh.
Ngày hè của trẻ em miền núi gắn liền với cuộc mưu sinh.
Trẻ em ở vùng cao quen với việc lên nương, lên rẫy từ khi còn nhỏ. Lên 5, 6 tuổi đã phải theo bố mẹ trèo đèo, lội suối; 9 đến 15 tuổi trở thành lao động chính trong gia đình. Lương Thị Đa Nhi, 10 tuổi, học sinh lớp 3, bản Nà Cáng cho hay: “Hè năm nào, cháu cũng lên rẫy giúp bố mẹ, nên không được chơi nhiều. Các bạn khác trong bản cũng vậy”. Em trai của Đa Nhi là Lương Tăm Chờ, 7 tuổi, học lớp 1, khoe: “Giúp bố mẹ, cháu biết chặt củi, trỉa hạt, làm cỏ, hái hoa chuối rừng, đào măng”… Cuộc sống vất vả đã “ép” những đứa trẻ ở Nà Cáng sớm trở thành người lớn. Nhìn hai con Đa Nhi và Tăm Chờ mái tóc vàng bù xù do cháy nắng, quần áo nhàu nhĩ, cáu bẩn do sớm phải lăn lộn với nương rẫy dưới cái nắng hè thiêu đốt, chị Lô Thị Pòm, 30 tuổi xót lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao bởi điều kiện gia đình quá khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. 
Hè về, trên các bản làng miền núi Nghệ An, hình ảnh những đứa trẻ theo mẹ lên rừng, lên rẫy để kiếm sống từng ngày đã trở nên quen thuộc. Đó là những đứa trẻ ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông lên rừng hái củi; những đứa trẻ ở Kỳ Sơn mang chai, lọ múc nước sinh hoạt; những đứa trẻ ở Tương Dương bưng khay ra bờ suối đãi vàng; những đứa trẻ ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong ra suối, ra khe xúc cá. Cậu bé Lương Văn Nam, 11 tuổi, bản Na Chảo, xã Đồng Văn cho biết: “Cá lớn bây giờ rất khan hiếm nên chúng cháu chỉ bắt được một số loại cá nhỏ để cải thiện bữa ăn thôi”… Tùy vào điều kiện mỗi em sẽ tự tìm cho mình một công việc phù hợp để giúp đỡ gia đình trong những ngày hè.
Cô Nguyễn Tú Phương, giáo viên điểm trường Nà Cáng, Trường Tiểu học xã Yên Tĩnh ngậm ngùi: Nhìn các cháu có ý thức giúp đỡ bố mẹ thì vui nhưng cũng không khỏi xót xa cho cuộc sống còn cơ cực của trẻ em vùng cao. Làm sao có thể yên lòng được khi các cháu theo cha mẹ lên rẫy làm những công việc nặng nhọc, vất vả, thậm chí là nguy hiểm. Những việc như vậy ảnh hưởng không tốt tới thể chất, tâm và sinh lý, đặc biệt là tâm hồn của trẻ thơ…”.
Mới lên 3, đứa trẻ ở bản Huồi Xén,  xã Yên Na (Tương Dương), đã phải theo mẹ lên nương.
Mới lên 3, đứa trẻ ở bản Huồi Xén, xã Yên Na (Tương Dương), đã phải theo mẹ lên nương.
Cô giáo Lang Thị Hồng, giáo viên điểm trường bản Chằm Puông, Trường Tiểu học xã Lượng Minh, huyện Tương Dương kể: Ở vùng cao, đời sống khó khăn, phụ huynh suốt ngày ở trên nương trên rẫy, không mấy quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Nhiều cháu thường xuyên bỏ học theo cha mẹ lên rẫy, lớp ít khi có sỹ số đầy đủ. Cá biệt, có và cháu cả tháng không lên lớp buổi nào, đến nhà thì cửa đóng…
Anh Hắp Văn Minh, hội trưởng hội phụ huynh điểm trường Xốp Cháo, Trường Tiểu học xã Lượng Minh thở dài: Đời sống người dân Khơ mú ở Xốp Cháo rất khó khăn, chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, săn bắn, chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc học của con em không được quan tâm nhiều. Điều kiện kinh tế còn khó khăn, trẻ em phải giúp bố mẹ làm nương làm rẫy thôi, nghỉ hè không có điều kiện vui chơi, thương các trẻ nhưng khó khăn nên phải chịu. “Biết sao được”… 
Cháu Vi Thị Tuyết Mơ (8 tuổi), ở bản Nà Càng theo mẹ lên rẫy.
Cháu Vi Thị Tuyết Mơ (8 tuổi), ở bản Nà Càng theo mẹ lên rẫy.
Khi ánh nắng mặt trời khuất dần sau các cánh rừng Khe Cụt, Khe Cát, Xăng Lệch thì cũng là lúc những “mặt trời bé con” ở 2 xã miền núi Yên Na, Yên Tĩnh, huyện Tương Dương bắt đầu xuống núi. Trời bắt đầu kéo dông, bước chân các em đi như trốn chạy nhưng nào có thể bước nhanh khi sau lưng các em là những bó củi còn nặng hơn người. Trong ánh chiều chạng vạng, cô bé Kha Thị Hoa, bản Pa Tý cười hồn nhiên kể về giấc mơ nghỉ hè không phải đi làm nương mà được ở nhà học bài, sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho bà con trong bản.
Giấc mơ của trẻ không còn phải dầm mưa dãi nắng trên nương rẫy đang là “món nợ” của những người có trách nhiệm...
Thanh Sơn

Tin mới