Khám phá cộng đồng người Mông miền Tây Nghệ An - Bài 8: Những điều kiêng kỵ

(Baonghean) - Mỗi dòng họ người Mông có một điều kiêng kỵ riêng bắt nguồn từ những câu chuyện xảy ra trong dòng họ mình từ thuở xa xưa. Từ đó hình thành một nét riêng truyền từ đời này qua đời khác để giáo dục con cháu không được phạm vào những điều cấm ấy.

Cột cái và chiếc cầu thang
Một tối, chúng tôi ngồi trong nhà ông Và Xếnh Lù ở bản Thăm Hín (xã Nậm Càn), chợt thấy một cột nhà nhỏ nằm ngay giữ ngôi nhà như lung lay sắp gãy. Chiếc cột chỉ to bằng nắm tay người nhưng được ông Xếnh Lù dán lên tấm giấy thờ của người Mông. Tò mò, tôi định lại gần chiếc cột sờ xem sao thì được gia chủ ngăn lại: “Cái cột này tuy nhỏ thế nhưng là cột cái trong nhà của người Mông ta đấy. Khách ở ngoài vào không được đụng vào đó đâu. Đây là điều kiêng kỵ nhất của người Mông, họ nào cũng vậy thôi”. Lời cảnh báo của cụ Xếnh Lù khiến chúng tôi giật mình, hóa ra những đồ vật nhìn bề ngoài có vẻ tầm thường như vậy lại có một ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh của người Mông đến thế.
Cụ Và Xếnh Lù bảo: Cột cái ấy là nơi nương náu linh hồn của tổ tiên người Mông nên ngoài chủ nhà ra thì không ai được phép đụng vào nó. Kể cả con cái hay phụ nữ trong gia đình nếu vô tình đập phải chiếc cột ấy cũng phải thắp hương, thịt con lợn, con gà làm cúng để mong ông bà, tổ tiên mình thứ lỗi cho hành động vô lễ ấy. Vì vậy, bất kể ai là người ngoài nếu đập vào cột cái nhà hay chiếc xử ca đều phải chịu sự trừng phạt theo quy định của gia đình và dòng họ. Cụ Xếnh Lù cũng cho biết thêm, những cây cột hay bất kỳ chỗ nào trong ngôi nhà người Mông đều có thể đóng đinh nhưng riêng cột cái thì phải bất khả xâm phạm. Người Mông có một điều cấm kỵ lớn nhất là xúc phạm tổ tiên mình qua hành động đập vào cột cái nhà hay xử ca.
Cột cái trong nhà ông Và Lìa Nênh ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn).
Cột cái trong nhà ông Và Lìa Nênh ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn).
Mang theo những gì ít ỏi đã biết, chúng tôi tới nhà ông Bí thư xã Nậm Càn – Và Lìa Nênh. Ở cương vị Bí thư xã đã hơn 10 năm nhưng ông vẫn chân chất là một người Mông với những nét rất riêng chỉ có ở dòng họ Và. Qua câu chuyện, ông Và Lìa Nênh cho chúng tôi biết thêm, ngoài điều cấm kỵ về cột cái nhà và xử ca thì họ Và của ông còn có nhiều điều cấm kỵ khác so với các dòng họ người Mông trên địa bàn này. 
Chuyện kể rằng, ngày xưa dòng họ Và có một gia đình cưới về được một cô con dâu rất xinh đẹp. Ban đầu mọi chuyện diễn ra êm thấm, họ sống quây quần, hạnh phúc bên nhau như bao gia đình người Mông khác. Nhưng qua một thời gian, giữa bố chồng và cô con dâu xinh đẹp kia nảy sinh tình cảm. Và chuyện gì đến đã đến. Một ngày nọ, khi mọi người trong gia đình đều lên rẫy, ở nhà chỉ có ông bố chồng và con dâu, họ rủ nhau lên gác xép phía trên nhà làm chuyện loạn luân, phá hủy đạo lý tốt đẹp bao đời của dòng họ Và. 
Chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần khiến bà chị của ông bố chồng sinh nghi, phát hiện. Từ đó dòng họ có lệ kiêng con dâu trong dòng họ Và không bao giờ được bước chân qua chiếc cầu thang lên gác xép trên nhà và không được bước vào buồng ngủ của bố mẹ chồng, bố chồng cũng không được đặt chân tới phòng ngủ con dâu. Ai làm trái điều này sẽ bị mù mắt.
Quả chua trên núi và tim động vật
Trong chuỗi chuyện kể của cụ Lìa Nênh, chúng tôi thấy có một điều thú vị là việc ăn uống của dòng họ Và. Cụ Lìa Nênh cho biết, dòng họ Và có thể ăn bất cứ thứ gì lúc đói để có thể sinh tồn nhưng dù đói thế nào cũng không bao giờ ăn một thứ, đó là quả chua ở trên rừng. Người nào thuộc dòng họ Và vô tình ăn thứ quả này vào sẽ bị nôn thốc nôn tháo, phải cách mấy ngày sau mới ăn lại được cơm. Nếu cố tình ăn thứ quả này sẽ bị mù hai con mắt.
Không biết điều cấm kỵ này có đúng với tất cả các trường hợp của người Mông họ Và hay không nhưng câu chuyện mà cụ Lìa Nênh kể cho chúng tôi nghe thì quả thật là một điều thú vị. Câu chuyện rằng: Có một năm nọ, trời làm hạn hán, khắp nơi xảy ra mất mùa, đói khát. Dòng họ Và cũng chịu chung cảnh ấy nên mọi người rủ nhau lên rừng tìm bất cứ thứ gì về để có thể chống chọi lại cái đói trước mắt. Có hai cha con nhà họ Và lang thang trên rừng ròng rã hai ngày trời mà vẫn không tìm ra được một chút gì cho vào bụng. Đang đi, chợt đứa con gái kêu lên: “No chi, no chi” (ăn quả chua, ăn quả chua). Nhưng thật trớ trêu, đang cơn đói, người cha thần hồn nát thần tính nghĩ rằng, chẳng lẽ đói quá nên con ta muốn ăn thịt ta sao? (Trong tiếng Mông, “chí” là cha, còn “chi” là một loại quả chua trên rừng, cách phát âm gần giống nhau). Nghĩ xong ông quay lại lấy một khúc cây ven đường đánh chết đứa con gái tội nghiệp.
Sau khi đứa con gái chết đi, ông ngửa mặt lên trời kêu than cho số phận bất hạnh của mình. Nhưng ông thật không ngờ, phía trên đầu ông là một chùm quả chua đang độ chín mọng ngon lành. Ông hiểu rằng mình đã sát hại đứa con vô tội. Về nhà, ông quỳ xuống trước mặt anh em họ hàng để xin chịu sự trừng phạt. Nhưng biết ông nhầm, vả lại cũng đã chịu sự trừng phạt quá lớn của tòa án lương tâm nên ai cũng cảm thông và tha thứ cho ông. Nhưng cũng từ đó, dòng họ Và có một quy định trong lúc ăn uống là không bao giờ được ăn quả chua trên rừng.
Chúng tôi vào Na Ngoi, vượt qua con đường nhỏ khúc khuỷu đến với bản Huồi Xài, nơi có dòng họ Già đang sinh sống. Tại đây, chúng tôi được nghe con cháu dòng họ Già nói rằng, dù trong trường hợp nào người họ Già cũng không bao giờ ăn tim động vật. Theo Trưởng bản Già Bá Bì, khổ nhất là những lúc đi ăn cỗ ở các nơi khác, người lớn tuổi có thể nếm một tí hay ngửi mùi là biết thức ăn này có tim động vật hay không để tránh nhưng những người trẻ tuổi thì rất khó phân biệt. Nếu người họ Già nào vô tình ăn phải tim động vật sẽ bị nôn thốc nôn tháo, mấy ngày sau mới chỉ uống được nước chứ chưa ăn được cơm. Bởi vậy, người họ Già rất sợ ăn uống chung với các dòng họ khác.
Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa về điều này, chúng tôi được nghe câu chuyện từ Già Bá Bì như sau: Ngày xưa, khi họ Già còn định cư bên vùng đất của Trung Quốc, đời sống ấm no nên nhân dân trong họ thường tổ chức cúng bái để tạ ơn tổ tiên. Một ngày nọ, dòng họ Già làm lễ cúng, cả họ mổ một con trâu rất to. Thông thường, khi cúng họ lấy lục phủ ngũ tạng (chỉ trừ lại ruột và dạ dày) của các loài động vật dâng lên bàn thờ. Tuy nhiên, khi cho tim con trâu vào nồi nấu, họ để lẫn vào với các bộ phận khác nên khi đưa ra cúng thì thấy thiếu mất một miếng. Nghi cho đứa trẻ đứng gần nồi lấy ăn, cả họ tức giận vì đứa bé dám xúc phạm đến ông bà, tổ tiên họ Già. Mọi người bàn nhau giết đứa trẻ lấy tim để cúng, thay cho tim con trâu bị mất. Nhưng khi đứa trẻ bị giết xong, một người trong họ kêu lên hoảng hốt: “Tim đây rồi, tim đây rồi”. Hóa ra, miếng tim trâu nằm sát tận đáy nồi nên họ không thấy, và thế là đứa trẻ bị chết một cách oan ức. Cả họ Già xấu hổ, không ai nói được câu nào. Họ họp lại với nhau tuyên bố, từ nay trở đi, người họ Già không được ăn tim động vật, người nào phạm vào điều cấm sẽ bị mù cả hai mắt.
Câu chuyện này tương tự câu chuyện chúng tôi được nghe về dòng họ Lỳ ở Mường Lống. Chỉ khác một điểm là người họ Lỳ kiêng không ăn lá lách của động vật. Như vậy, có thể nói rằng, những kiêng kỵ của người Mông trong đời sống hiện nay đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Điều này thể hiện một quan niệm hết sức đặc trưng của người Mông là giữ gìn sự trong sáng cho dòng họ. 
TIN LIÊN QUAN
Đào Thọ - Hữu Vi

Tin mới