Màu xanh mới ở Tào Sơn

(Baonghean) - Những ngôi nhà cao tầng, những con đường nhựa láng bóng trải dài khắp các ngõ vào xã, những chiếc xe ô tô còn mới tinh…niềm mơ ước tưởng chừng như vời xa giờ đây đã trở thành hiện thực trên mảnh đất Tào Sơn, Anh Sơn. Hiện thực ấy có được từ những mô hình kinh tế mà người dân nỗ lực thực hiện.

Thoát nghèo từ dưa hấu
Dẫn chúng tôi đi gặp anh Đào Văn Bắc - một trong những người mang giống cây dưa hấu về trồng đầu tiên ở đất Tào Sơn, anh Hoàng Văn Cầm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tào Sơn cho biết: Anh Bắc là một trong những người tiên phong trồng thử nghiệm các loại cây như dưa hấu, bí ở Tào Sơn. Anh làm mô hình một thời gian để bà con thấy, học theo, khi đã có kết quả, anh chuyển sang thu mua nông sản cho họ. Quả thật nhìn cơ ngơi của anh Bắc bây giờ không ai nghĩ nó được gây dựng từ một người làm nông. Anh Bắc cho biết, năm 1994 vì gia cảnh nghèo đói, anh vào Nha Trang làm thuê trong các trang trại dưa hấu. Nhận thấy dưa hấu có thể trồng được ở mảnh đất Tào Sơn nên anh bỏ đất Nha Trang về quê và không quên mang theo một ít giống. Ngày đầu, vì sợ cây dưa hấu không hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên anh chỉ dám trồng 1 héc ta. Sau hai tháng, những quả dưa hấu đầu tiên cho thu nhập đã làm anh vui mừng đến phát khóc. Đến năm 1999, anh mạnh dạn phát triển diện tích trồng dưa lên tới 4 héc ta và mang về nguồn thu gần 20 triệu đồng. Thời điểm ấy, đó là số tiền mà người nông dân ở mảnh đất này ít ai dám nghĩ tới.
Mô hình trồng bí xanh ở Tào Sơn.
Mô hình trồng bí xanh ở Tào Sơn.
Từ mô hình trồng dưa mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Đào Văn Bắc, năm 2000, toàn xã Tào Sơn phát động phong trào trồng dưa hấu. Năm 2002, diện tích trồng dưa của xã Tào Sơn đã phát triển lên tới gần 80 héc ta, mỗi mùa cho thu hoạch hàng nghìn tấn dưa. Dưa hấu của nhân dân Tào Sơn được cả tỉnh biết đến. Thương lái từ khắp các nơi đổ về thu mua, họ đặt mua từ khi ruộng dưa còn chưa ra trái. Một không khí làm ăn nhộn nhịp bao trùm toàn xã. Chỉ trong vòng hơn 5 năm thực hiện mô hình này, người dân Tào Sơn đã thoát khỏi cái nghèo thực sự. Các gia đình đua nhau xây dựng lại nhà cửa, mua xe máy, ô tô.
Sau khi thấy nhân dân Tào Sơn trồng thành công cây dưa hấu, một số địa phương khác cũng bắt đầu trồng thử nghiệm. Năm 2006, họ mời anh Đào Văn Bắc đi triển khai mô hình này. Đó là các xã Cẩm Sơn, Đức Sơn (huyện Anh Sơn); Đà Sơn, Tân Sơn, Thuận Sơn (huyện Đô Lương); Thanh Tiên, Thanh Liên (huyện Thanh Chương)…
Làm giàu từ bí xanh
Cây dưa hấu gắn bó với Tào Sơn một thời gian dài và đã đưa một xã nghèo trở thành xã có thu nhập cao của huyện Anh Sơn, nhưng chuyện trồng dưa vui, buồn, được, mất như cơm bữa. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một việc làm cần thiết. Và người đi xung phong trong việc chuyển đổi này cũng không ai khác là anh Đào Văn Bắc.
Anh Bắc bảo rằng, năm 2006, anh vào Đắk Lắc chơi, thấy rất nhiều trang trại ở đây trồng bí xanh và mang lại một nguồn lợi lớn. Thời gian trồng bí chỉ mất 3 tháng, công chăm sóc và vốn không tốn kém như dưa hấu. Về quê hương, anh quyết tâm trồng thử nghiệm 2 héc ta bí xanh có giàn leo. Kết quả sau 3 tháng, mỗi héc ta bí cho sản lượng trên 2 tấn và có thương lái đến tận nơi thu mua. Nhờ kết quả bước đầu ấy, mùa sau anh phát triển diện tích lên đến 7 héc ta. Nhìn vào mô hình của anh, bà con nhân dân bắt đầu học tập và làm theo. Đến năm 2009 xã Tào Sơn bắt đầu đưa mô hình này vào trồng đại trà, diện tích lên tới gần 100ha. 
Anh Hoàng Văn Cầm dẫn chúng tôi đi thăm gia đình anh Phan Văn Định ở thôn 10, một trong những hộ làm giàu từ cây bí xanh và là người được mùa nhất trong vụ bí này. Ngôi nhà anh Định đã được xây dựng lại khang trang từ mấy năm nay, trong nhà đã sắm sửa đầy đủ tiện nghi, ngoài sân vẫn còn chất đầy mấy tấn bí đang chờ thương lái vào thu mua. Anh Định tiếp chúng tôi bên ca trà được sao từ nước bí khô, một loại nước mà theo anh là chỉ có người dân Tào Sơn mới dùng nhiều như vậy. Anh cười bảo rằng: Cách đây 6 năm, khi thấy càng ngày cây dưa hấu càng bấp bênh, rủi ro nhiều nên anh cũng theo bà con chuyển sang mô hình trồng bí xanh. Cây bí xanh không phải đầu tư lớn, đến mùa có thể thu hoạch sớm hay muộn tùy theo thị trường nên không phải lo nghĩ nhiều. Mùa vụ vừa rồi, anh trồng 10 héc ta bí và thu hoạch được hơn 25 tấn, thu về trên 50 triệu đồng. Trừ chi phí và công sức bỏ ra anh còn lãi hơn 40 triệu đồng. Từ khi làm theo mô hình này, đã 6 năm trôi qua, mỗi năm gia đình anh cũng thu về hàng trăm triệu đồng. 
Không chỉ có hộ gia đình anh Phan Văn Định, mà còn rất nhiều hộ trong xã cũng đi lên từ loại cây này như gia đình anh Đào Văn Tứ ở thôn 5, gia đình anh Trần Văn Danh ở thôn 10…Mỗi hộ trồng từ 5 – 8 héc ta và đều cho thu nhập cao. Nhiều người ban đầu trồng bí như hộ anh Đào Văn Bắc, anh Đinh Văn Huynh (thôn 2)…nay chuyển sang thu mua bí cho bà con và cũng phất lên từ đó.
Nhen nhóm mô hình trồng gấc
Trong lúc đi thăm một số mô hình làm ăn của bà con nhân dân xã Tào Sơn, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hộ nông dân đang cuốc cỏ chăm bón cho giàn gấc của mình. Tò mò, tôi hỏi anh Hoàng Văn Cầm, sao những hộ gia đình này không trồng bí mà lại trồng gấc, trồng như vậy có ai thu mua cho không? Anh Cầm cười bảo: “Đó là một số hộ gia đình đã thu hoạch bí xong, đang làm gấc đấy. Đây cũng là một mô hình mới do Hội Nông dân phát động. Mới được 2 năm nhưng bà con bắt đầu thực hiện đại trà. Đến nay đã có 102 hộ tham gia trồng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Mô hình này do Công ty Cổ phần thực phẩm Nghệ An hợp đồng với Hội Nông dân thực hiện. Công ty bao tiêu sản phẩm tại chỗ và cho các hộ trồng đi tham quan mô hình trồng gấc tại Quỳ Châu về nên bà con rất hào hứng.
Tiến lại phía trang trại ông Lê Văn Tuyền (thôn 2) đang chăm sóc cho vườn gấc để hỏi thăm, ông dừng tay cuốc tâm sự: “Chưa biết tương lai ra sao nhưng trước mắt thì như vậy là tốt rồi chú ạ”. Theo lời ông, khi được Hội Nông dân vận động trồng và được đi tham quan mô hình này, ông về chuyển đổi 1 héc ta đất trồng ngô sang trồng gấc với 250 gốc. Ông đầu tư làm giàn kiên cố bằng cọc bê tông cho gấc leo để sử dụng lâu dài. Giống gấc mỗi năm cho thu hoạch một lần, sau đó lại cắt dây để lên chồi tiếp. Cứ thế tuổi đời của một gốc có thể kéo dài tới trên 15 năm. Vui nhất là mùa đầu, có những gốc gấc cho tới 150 kg quả, có quả nặng tới 4 kg. Mùa vừa qua, ông thu hoạch gần 8 tấn quả gấc và mang về trên 20 triệu tiền lãi. Mỗi năm cuốc cỏ vài lần, đến lúc gấc gần cho quả thì bón thêm lân kali cho cây vậy là có thể yên tâm. So với trồng bí thì thu nhập từ gấc chẳng là bao nhưng được cái giá cả ổn định, công sức và chi phí đầu tư không nhiều nên ông cũng yên tâm sản xuất.
Anh Cầm cho biết, hiện tại diện tích trồng gấc của xã là gần 50 héc ta. Sắp tới Hội nông dân sẽ vận động bà con mở rộng diện tích trồng. Bản thân gia đình anh hiện cũng đang trồng gần 1 héc ta héc ta và kết quả cũng rất tốt. Điều quan trọng nhất là tuổi đời của cây gấc được lâu dài, công sức và vốn bỏ ra không cần nhiều và không phải lo đầu ra cho sản phẩm nên nhiều hộ gia đình bắt đầu thực hiện theo mô hình này.
Chia tay Tào Sơn, một màu xanh mới đang phủ lên mảnh đất này trong những ngày hè nắng gắt, màu xanh của những hy vọng...
Đào Thọ

Tin mới