Những nét văn hóa của cộng đồng người khơ mú - Bài 1: Lấy vợ là "lên chức" bố

LTS: Cuộc đời của một người khơ mú ở miền tây nghệ an, đặc biệt là người đàn ông từ khi sinh trưởng đến lúc lìa đời gắn liền với nhiều tập tục, nghi lễ. Báo Nghệ An xin giới thiệu những nét phong tục này đến bạn đọc qua chuyên đề: “Những nét văn hóa của cộng đồng người Khơ Mú”.

Theo già Cụt Văn Đào ở bản Ca Da (Bảo Thắng – Kỳ Sơn): Lấy vợ rồi, một người đàn ông được coi như đã trưởng thành. Đối với người Khơ mú lấy được vợ phải trải qua nhiều nghi lễ. Ngoài việc thách cưới ra còn phải trải qua hàng loạt những “thủ tục” khá lý thú.

Người Khơ mú ở Lượng Minh (Tương Dương) mang đệm cưới đi biếu cô dâu, chú rể.
Người Khơ mú ở Lượng Minh (Tương Dương) mang đệm cưới đi biếu cô dâu, chú rể.
Chuyện ở rể và nộp phạt
Vào được trung tâm xã Bảo Thắng đã khó bởi quãng đường dằng dặc dài 29 km từ Quốc lộ 7A qua xã Chiêu Lưu rồi xã Lượng Minh (Tương Dương) và để đến được nhà già Cụt Văn Đào là một cuộc luồn rừng thực sự. Những dốc núi cao vút và có quãng chỉ vừa lọt bánh xe máy. Ông Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thắng Moong Phò Hoan bảo rằng bản Ca Da, nơi ở của ông Cụt Văn Đào vẫn chưa xa xôi bằng bản Xa Va, địa bàn xa xôi nhất xã. Dẫu vậy thì đến được bản Ca Da đã là một sự kỳ công rồi.
Bản nhỏ nằm dưới một ngọn núi đất rậm rì cây cối. Chúng tôi thầm khen già Cụt Văn Đào khéo chọn nơi dựng nhà ngay cạnh con suối tối ngày nghe tiếng róc rách vừa vui tai lại gợi vẻ thanh nhàn. Vốn là Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thắng nghỉ hưu đã chục năm nay, giờ đây già Đào chọn nghề đan lát, làm ghế mây bán cho dân bản và những khách vãng lai. Gọi là bàn tay  vẫn được chuốt vót cho nó đỡ buồn. 
Thấy chúng tôi đến nhà, già Đào ngừng tay rót nước nấu từ một thứ cây rừng uống cho chắc xương cốt mời khách. Chúng tôi hỏi về phong tục, tập quán của người Khơ mú cặp mắt bình thản già nua như sáng lên. Già bảo : “Lâu rồi mới lại có người đến hỏi han về người Khơ mú ta để có dịp chia sẻ, mình vui lắm.” Nói rồi già bắt đầu câu chuyện.
Tục lệ của người Khơ mú gắn liền với cuộc đời một người đàn ông. Kể xong về cuộc đời của một người đàn ông là sẽ kể hết được những tập tục của người Khơ Mú. Người ta khi đã cưới vợ sẽ không còn non dại nữa mà đã trưởng thành, nghiễm nhiên được coi như một người đàn ông. Vì vậy, chuyện về cuộc đời một người đàn ông bắt đầu từ ngày đi hỏi, cưới vợ.
Đã là người ở nhà sàn thì tục cưới đều như nhau, người Thái hay Khơ mú đều vậy. Người con trai lấy vợ có thể tự đi tìm hiểu cũng có thể do cha mẹ sắp đặt cho nhưng hai phần vẫn do con quyết định, ý cha mẹ chỉ là một phần. Trước khi đám cưới phải có hai lần đám hỏi. Cũng như người miền xuôi, đi hỏi vợ nhất thiết phải có cau, trầu. Ngoài ra còn có vỏ cây chay, người vùng cao vẫn dùng để nhai trầu. Mỗi thứ đều có số lượng là 20: 20 miếng cau khô bổ tư, 20 lá trầu và 20 mảnh vỏ cây chay dài chừng hai gang tay. Ngoài trầu cau, ngày nay trong bản thấy người ta mang theo một bộ quần áo là trang phục truyền thống. Ngày trước thì tốn kém hơn, người ta mang theo một đôi vòng bạc, một đôi hoa tai bằng vàng, 2 đồng bạc trắng, áo, rượu, khăn… Nói chung mọi thứ đều phải là một cặp. 
Sau đám hỏi người con trai sẽ bắt đầu đi ở rể. Thường thì nửa năm, lâu thì 3 năm. Bao giờ nhà trai có đủ tiền làm đám cưới mới thôi. Cũng có người không có tiền làm đám cưới nên cứ ở rể như vậy cho đến khi cha mẹ vợ cho ra ở riêng luôn. Những lễ vật trong đám cưới vốn là để làm tin. Nếu trong thời gian ở rể vì một mâu thuẫn nào đó mà chú rể bỏ cô dâu thì sẽ mất hết những lễ vật đã mang đến nhà gái khi làm đám hỏi. Không những vậy, nhà trai còn bị phạt thêm 2 vòng bạc, một đôi hoa tai, 2 đồng bạc trắng, số lượng rượu cần, gà lợn cũng phải bằng hôm tổ chức đám hỏi. Ngược lại nếu cô dâu mà bỏ chồng sẽ phải bồi hoàn gấp đôi số lễ vật mà nhà trai đã mang đến. 
Lấy vợ xong, xưng “bố”
Cũng như người Thái, trong khi đi hỏi vợ hay làm đám cưới. Ông bà mối là người đứng đầu, thay mặt cha mẹ anh con trai đi cưới vợ cho con. Có một sự khác biệt là trong khi người Thái chỉ có một cặp ông bà mối thì người Khơ mú có tới 2 cặp ông bà mối, trong đó ông bà mối phụ có nhiệm vụ hỗ trợ ông bà mối chính trong cuộc cưới khi nói chuyện hay tiếp đón khách khứa. Thời khắc quan trọng nhất cũng do ông mối quyết định đó là giờ đưa dâu. Khi đến giờ đẹp ông mối sẽ giục mọi người trong đoàn nhà trai dừng ngay việc ăn uống để đón dâu. Khi chuẩn bị về nhà chồng, cô dâu sẽ cầm theo chiếc ghế mây mà mình vừa ngồi. Lúc này cô dâu sẽ được bà mối dắt xuống cầu thang bắt đầu về nhà chồng làm dâu. Chú rể sẽ theo sau cầm theo 2 chiếc cần hút rượu. Một chiếc ống hút có treo một chiếc vòng bạc. Đó là của để dành bố mẹ vợ chuẩn bị cho con rể. Ngày nay nhiều bản đã bỏ tục lệ treo vòng bạc đầu ống hút rượu cần. Theo tục lệ thì đây là “tiền công” để chàng rể chăm sóc bố mẹ vợ khi về già. Khi cha mẹ vợ lâm chung, chú rể  không về kịp thì chú rể phải chuyển chiếc vòng bạc này cho người đã chăm sóc cha mẹ vợ những giờ phút cuối đời.
Cũng như cộng đồng Thái, người Khơ mú ở Bảo Thắng cũng có tục rửa chân cho cô dâu khi bước lên nhà chồng. Sau khi cô dâu vào nhà, một con gà sẽ bị cắt phần mỏ để lấy máu nhỏ lên đầu gối của đôi vợ chồng. Người ta sẽ nhìn những giọt máu đọng trên đầu gối của cặp vợ chồng để biết được hậu vận. Nếu những giọt máu đọng lại thành giọt lớn thì sau này họ làm ăn thuận lợi còn nếu những giọt máu chia thành hai hay ba dòng khác nhau là điều không tốt.  
Sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng mới cưới sẽ cùng nhau cắp rổ xuống suối xúc cua. Đây cũng là một nghi lễ nữa trong tục cưới người Khơ mú, cụ Cụt Văn Đào cho biết. Hai người sẽ cố kiếm cho bằng được một vài con cua. Sau đó hai người cùng nhau mang đến một vực nước trên dòng suối và thả đi. Nếu con cua cứ trôi theo dòng nước thì đó mà điều không cặp vợ chồng nào mong muốn. Điều mà họ muốn là chú cua sẽ tìm đến một hốc đá và chui vào. Người ta nghĩ rằng điều này tượng trưng cho một gia đình mà cả chồng và vợ đều chí thú làm ăn, cùng nhau xây dựng gia đình.
Một nghi lễ nữa trong đám cưới của người Khơ mú là phải bỏ đi những điều xúi quẩy mà cô dâu đang mang theo. Cô dâu sẽ mặc theo hai chiếc váy, một chiếc mặc trong, một chiếc mặc ngoài. Bà mối sẽ dẫn nàng dâu ra đầu bản cởi bỏ chiếc váy phía ngoài vứt bỏ đi rồi trở về nhà. Người ta tin rằng làm vậy sẽ vứt bỏ được những điều không may.
Một tuần sau, cả hai vợ chồng mang vòi rượu có gắn hai chiếc vòng bạc trong khi đám cưới đến trả cho gia đình cô dâu. Tục này có phần giống với tục “lại mặt” của dân tộc Kinh, tuy nhiên theo quan niệm của người Khơ mú điều này nhằm thể hiện sự thành kính và biết ơn của chú rể đối với người đã sinh ra vợ mình.
Sau đám cưới, chú  rể người Khơ mú có quyền tự xưng là “giông” (cha, bố - tiếng Khơ mú). Đây là cách mà người đàn ông khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
(Còn tiếp)
Hữu Vi - Đào Thọ

Tin mới