Sáng đẹp truyền thống yêu nước, nhân văn

(Baonghean) - Những ngày này, tin vui Đền Choọng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 16/7/2015 bay đi khắp chín bản mười mường, làm nức lòng người dân gắn bó, yêu mến một vùng núi thẳm non thiêng Mường Choọng, nhất là với những ai có nhiều tâm huyết trong việc gìn giữ, bảo lưu và phục dựng những giá trị vật thể và phi vật thể ở di tích đền Choọng.

Đền Choọng từ xưa đã trở thành nơi linh thiêng hội tụ về tâm linh và văn hóa, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Thái ở một vùng Tây Bắc xứ Nghệ rộng lớn. Di tích Đền Choọng (thuộc bản Choọng, xã Châu Lý, Quỳ Hợp) là cõi thiêng lưu giữ và ghi nhớ những câu chuyện kể về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết hòa hợp miền xuôi miền ngược trong suốt trường kỳ lịch sử.

Đền Chọong trong ngày khánh thành giai đoạn 1. 	Ảnh: Cao Duy Thái
Đền Chọong trong ngày khánh thành giai đoạn 1. Ảnh: Cao Duy Thái


Mường Choọng, theo tiếng Thái nghĩa là đất trọng người, mến khách. Trong ký ức cộng đồng và trong các tài liệu nghiên cứu về vùng đất này, tên gọi Mường Choọng rất có thể do chính nghĩa quân Lam Sơn đặt ra để ghi nhận vẻ đẹp tấm lòng của đồng bào dân tộc Thái nơi đây dành cho nghĩa quân trong những ngày gian khó. Vào thế kỷ XV, khi nghĩa quân Lam Sơn lui vào xứ Nghệ làm căn cứ địa xây dựng lực lượng đánh đuổi giặc Minh xâm chiếm nước ta, vùng Mường Choọng là một trong những địa bàn hiểm yếu mà nghĩa quân Lê Lợi dừng chân. Núi rừng và lòng dân Mường Choọng rộng mở đón nhận nghĩa quân, Mường Choọng trở thành một trong những nơi tụ nghĩa để nghĩa quân thâu nạp và huấn luyện nghĩa binh. Người dân khắp vùng Mường Choọng đã tích cực cung cấp lương thảo, sản vật, vũ khí cho nghĩa quân của Lê Lợi. Minh chứng sống động là ngày nay trên đất Mường Choọng vẫn còn chuỗi các địa danh gắn liền với nhiều hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Đó là Huồi Vang Cơ – thuộc bản Bàng (Châu Lý), nghĩa là “suối bỏ cờ”, nơi nghĩa quân cất giữ cờ trận; Pù Canh Vệ - thuộc bản Lấu (Châu Lý), nghĩa là “điếm canh phòng”, nơi ngọn đồi có cao điểm để quan sát, canh gác kho lương tại Đon Kho; Văng Mố Khung – thuộc bản Choọng, nghĩa là “mô bắn súng”, là nơi nghĩa quân huấn luyện, luyện tập sử dụng vũ khí; Đon Khó, Đon Chợ - nằm giữa bản Thắm và bản Choọng (Châu Lý), nghĩa là “cồn kho”, “cồn chợ”, dấu tích nơi cất giữ, tích trữ lương thảo và nơi nghĩa quân họp chợ với bà con trong vùng; Thẩm Ông Hâu – địa bàn nằm giữa xã Bắc Sơn và Châu Lý (Quỳ Hợp), nghĩa là “hang ông đến”, cách gọi đầy tôn kính đối với nơi tương truyền rằng Lê Lợi đã ẩn náu và bàn bạc việc quân cơ, chuẩn bị cho các trận đánh Trà Lân, Bồ Ải, Khả Lưu, những trận thắng vang dội trong lịch sử. Theo các già làng, trưởng bản, nhiều người đã tận mắt trông thấy hai “vật thiêng” là chiếc trống đồng và chiếc vạc nuôi quân, đáng tiếc nay cả hai đều đã bị thất lạc.

Mường Choọng trở thành “đất thiêng” không chỉ bởi các địa danh, các “vật thiêng” còn lưu lại trong ký ức, trong sử sách và trên thực địa, mà còn gắn với huyền tích về một nhân vật có vị trí đặc biệt quan trọng, có thể xem là nhân vật có vị trí trung tâm trong các huyền tích còn lưu lại nơi đây, đó nhân vật truyền thuyết - lịch sử Nang Phốm Hóm – “Nàng tóc thơm”.

Trước ngôi đền thiêng.
Trước ngôi đền thiêng.

Trong ký ức cộng đồng lưu truyền từ đời này sang đời khác ở Mường Choọng, “Nàng tóc thơm” là người được thờ chính tại đền Choọng. Là người con gái Thái sinh ra trong gia đình nghèo nhưng đẹp nết, đẹp người. Ở nàng hội tụ hương sắc và vẻ đẹp cao khiết, quyến rũ của những bông hoa quý nơi núi rừng. Nàng đi đến đâu cỏ đón, hoa chào, vẻ đẹp nàng làm đắm say lòng người và tô điểm cho cả cảnh sắc núi rừng thêm phần lộng lẫy. Điều đặc biệt là từ mái tóc của người con gái này luôn tỏa ra hương thơm tự nhiên rất dễ chịu. Vì thế dân bản gọi là Nang Phốm Hóm, nghĩa là “Nàng tóc thơm”. Cuộc sống thanh bình của dân bản bỗng chốc bị nhấn chìm cùng thân phận đất nước bị lầm than nô lệ hết sức điêu linh. Những chính sách bóc lột vơ vét tàn bạo của giặc Ngô khiến khắp nơi điêu tàn, loạn lạc, áng “Thiên cổ hùng văn” Bình Ngô Đại cáo Nguyễn Trãi đã ghi: “Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Lúc này, nhan sắc của “Nàng tóc thơm” trở thành nỗi thèm khát của bọn giặc hung tàn bạo ngược, nhưng bằng tài trí của mình, “Nàng tóc thơm” chẳng những tự bảo vệ được mình, mà còn giúp cho nhiều người dân trốn thoát vào rừng sâu.

Trong những năm tháng bản làng Mường Choọng chìm trong bĩ cực, sự xuất hiện của nghĩa quân yêu nước đến từ núi rừng Lam Sơn đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng nồng nhiệt của dân bản. “Nàng tóc thơm” chính là người tích cực vận động nhân dân khắp rừng sâu núi vắng tìm về với nghĩa quân, giúp lập nghĩa quân tập hợp lực lượng, tích trữ lương thảo. Nghĩa quân Lê Lợi như cá gặp nước, diều gặp gió, được tiếp thêm sức mạnh ngay trong hoàn cảnh hoạt động giữa núi rừng hiểm trở muôn vàn gian khó thiếu thốn, nên đã có những trận thắng với thế “chẻ tre”.

Mến nghĩa trọng tài của nghĩa quân, ơn sâu nghĩa nặng với vùng đất đã cưu mang nghĩa quân trong những ngày gian khó, “Nàng tóc thơm” và một vị tướng tài người Kinh trong nghĩa quân đã phải lòng nhau và thề non hẹn biển duyên nghĩa trăm năm.

Hạt thóc - Linh vật được thờ để tưởng nhớ “Nàng tóc thơm” đã đóng góp lương thảo nuôi quân. 	Ảnh: n.k
Hạt thóc - Linh vật được thờ để tưởng nhớ “Nàng tóc thơm” đã đóng góp lương thảo nuôi quân. Ảnh: n.k

Một ngày tháng Sáu nắng như đổ mật, nhớ thương tướng quân rong ruổi nơi sa trường, “Nàng tóc thơm” ra suối nước chờ đợi. Trong lúc gội đầu, nàng thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, trong lúc với theo dòng nước, nàng đã rơi xuống vực sâu (Văng Có Cù). Khi hay tin “Nàng tóc thơm” bị mất, tướng quân và binh lính trở về huy động voi ngựa, cùng dân bản ngày đêm tìm kiếm nàng. Đất đào lên thành núi mà vẫn không hề tìm thấy nàng, chỉ thấy những sợi tóc lẫn vào dòng nước khi vớt lên vẫn còn nguyên hương thơm tỏa ngát. Thương nhớ nàng, nghĩa quân và dân bản đã đem những sợi tóc vớt được chôn cất ở nơi gò đất đào lên trong quá trình tìm kiếm và lập đền thờ “Nàng tóc thơm” trên đồi đất đó.

Tượng thờ “Nàng tóc thơm”.
Tượng thờ “Nàng tóc thơm”.

“Nàng tóc thơm” là nhân vật mang vẻ đẹp đại diện cho tấm lòng và công lao của người Mường Choọng với nghĩa quân Lê Lợi, với sự nghiệp bảo vệ đất nước. Mối tình đẹp nơi núi rừng hoang sơ là hiện thân của mối tình hòa hợp đoàn kết trăm họ dưới ngọn cờ yêu nước, khát vọng cố kết các vùng, miền để hội tụ sức mạnh vùng lên chống ách đô hộ. Chính vì thế, đền thờ “Nàng tóc thơm” - đền Choọng trở thành “cõi thiêng”, thành trung tâm sinh hoạt tâm linh, văn hóa, nơi giao lưu và kết nối tinh thần đoàn kết gắn bó giữa nhân dân trong vùng và các khu vực mường trên, bản dưới. Hàng năm, dân bản tổ chức cúng tế “Nàng tóc thơm” và các vị thần phối thờ trong các ngày Rằm và mùng Một, đặc biệt là trong 2 lễ chính là Đám Lục Ngoạt (vào 2 ngày 15 và 16 tháng 6 âm lịch) và ngày Lễ tất niên (25 tháng Chạp).

Tưởng nhớ công ơn tiền nhân, với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, trên nền dấu tích xưa cũ còn lưu lại, bằng tâm nguyện của các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong vùng, quần thể công trình đền Choọng đã được khởi công phục dựng vào ngày mùng 8 tháng Chạp 2013 (âm lịch), tức ngày 8/1/2014, và hoàn thành vào ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 2014. Trong các ngày 29 và 30/7 này, UBND huyện Quỳ Hợp long trọng tổ chức Lễ hội đền Choọng và đón Bằng công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại đền Choọng, xã Châu Lý. Việc đền Choọng được phục dựng và công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh không chỉ kịp thời đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, mà còn là sự khẳng định và ghi nhận về sức sống mãnh liệt của một di tích lịch sử giàu ý nghĩa về truyền thống yêu nước và nhân văn trên một vùng núi thẳm non thiêng, sơn thủy hữu tình!
 

Ngô Kiên

Tin mới