Bài 2: Về Bảo Thắng ăn món "nhoọc"

(Baonghean) - “Nhoọc” là món ngon phổ biến của người Khơ mú và Thái. Trong một ngày cái lạnh bất chợt ùa về, trong mâm cơm bữa tối có món ăn này quả là một trải nghiệm thú vị.

Món ngon giữa rừng xanh
Với chúng tôi, dẫu không quá xa lạ, nhưng được ăn món “nhoọc” vẫn là một trải nghiệm thật ý nghĩa trong một ngày mà ông trời trái tính nết gọi cái lạnh đến khi mới chớm sang thu giữa một miền đất lạ. 
Người bạn mới quen ở Bảo Thắng (Kỳ Sơn) gọi cho chúng tôi bảo rằng rét về rồi. Lên ăn món “gru” thôi. Đó là tiếng Khơ mú gọi tên món ăn mà người Thái gọi là “nhoọc” hay “nhắm nhọc”. Món ăn chế biến từ thịt rừng nấu cùng một số loại rau như lá ớt, sả, lá gấc, bí xanh và một số rau gia vị. Cũng như nhiều món khác của người miền núi, món “nhoọc” không thể thiếu ớt cay và quả “mác khén”. Thế nhưng thứ làm nên món “nhọc” chính là giống cà dại.
Vừa may chúng tôi đang có chuyến đi lên huyện biên giới Kỳ Sơn, thế là tiện đường thẳng tiến vào Bảo Thắng, xứ sở của người Khơ mú. Miền đất là một trong những địa bàn khó khăn nhất vùng cao xứ Nghệ. Toàn xã chỉ có 5 bản nằm bên những ngọn núi và thung lũng, hoang sơ và bí ẩn. Dẫu khó khăn nhưng cũng là nơi giàu tình người.
Từ ngã ba Xiêng Thù xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, cách trung tâm tỉnh lị chừng 200km, chúng tôi phải đi thêm 30km nữa thì tới trung tâm xã. Con đường rải nhựa độc đạo qua những bản vùng cao Lưu Thắng, Tả Thoong, đến một phần của huyện Tương Dương, rồi đi hết mấy con dốc núi dài dằng dặc nữa mới chạm đến địa phận xã Bảo Thắng. Trời đất thời nay kể cũng lạ, mới đầu tháng tám âm lịch mà cái rét đã về. Trên đường đi đã xuất hiện những bóng áo ấm. Vài cô thiếu nữ ngồi bên bếp lửa trông ra đường gợi một bức tranh mùa thu trầm mặc, thơ mộng.
Đã một vài lần đến Bảo Thắng, nên tôi biết rằng đường ô tô chỉ mới vào đến trung tâm xã ở bản Cha Ca 1. 4 bản còn lại là Cha Ca 2, Ca Da, Tha Lạng và Xa Va chỉ có thể đi bằng xe máy. Con đường này có lẽ cũng chỉ dành cho những tay lái giỏi đi đường rừng bởi lối đi đầy rẫy dốc ngắn, dốc dài, có quãng lối đi chỉ lọt bánh xe. Bù lại, khi qua chốn hoang sơ này có nhiều điều thú vị. Sau những cánh rừng săng lẻ xanh mướt dọc ven lối đi, một bản nhỏ hiện ra. Vài nếp nhà nép mình bên mép suối như muốn chơi trò trốn tìm chốn sơn dã.
Món nhọc trong mâm cơm người vùng cao.
Món nhọc trong mâm cơm người vùng cao.
“Nhoọc” của ngày xưa
Hôm nay chúng tôi đã không phải nhọc công như những lần trước đây ghé thăm miền đất này. Bản Cha Ca 1 của người bạn mới quen nằm ngay trung tâm xã. Cũng vừa may, con đường nhựa đã vươn đến nơi đây. Chỉ còn thiếu điện lưới quốc gia nữa là về đêm miền đất này đỡ phần tăm tối. Trong buổi chiều mưa phùn, cái lạnh lùa vào căn bếp nhỏ. Trên gác bếp đã có sẵn mấy con sóc sấy khô. Đó là thứ thịt rừng anh bạn chuẩn bị nấu món “nhoọc”. Bên bếp lửa, một vài thứ rau rừng cũng đã được nhặt kỹ. “Nói như người Thái thì tối nay chúng ta được ăn “nhắm nhọc” đấy” – anh bạn cười hiền trong khi đôi tay thoăn thoắt bên bếp.
Tôi sực nhớ có lần Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thắng, già bản Moong Phò Hoan kể rằng: Thật ra chẳng ai biết cái món ăn mà người Khơ mú gọi là “gru” ấy vốn là của cộng đồng dân tộc nào. Chỉ biết người Thái cũng ăn món này. Ban đầu người ta đi rừng săn được con sóc, con nai hay loài thú nào đó, họ liền cho vào chiếc ống lam bằng nứa hoặc lùng cùng với một số loại rau rừng. Ăn thấy ưa miệng, người đi rừng tìm cách hoàn thiện món ăn này cho thơm ngon hơn. Như vậy nguồn gốc của món “nhoọc” xuất phát từ cuộc sống lao động gắn liền với rừng núi. Nó không gắn với một câu chuyện cổ tích nào đó như một số món ăn của người miền núi. Nếu gọi đó là câu chuyện thì nó đơn giản là chuyện của sự mưu sinh giữa rừng.
Ngày nay, thi thoảng người dân bản ở Bảo Thắng vẫn nấu món “nhoọc” trong chiếc ống lam. Chúng tôi cũng từng chứng kiến người Khơ mú ở huyện Tương Dương nấu món xương trong chiếc ống lam và là một thứ đồ cúng ngày tết. Thế nhưng nguyên liệu có phần khác với “nhoọc” vì trong nguyên liệu của món này có sự góp mặt của những quả cà dại, thứ quyết định làm nên điều đặc trưng của món ăn. Đối với người Khơ mú ở Yên Na (Tương Dương), món xương lam của họ lại là thứ không thể thiếu trên mâm cúng ngày tết. 
Bữa cơm ngày lạnh
Buổi tối, chúng tôi trở lại căn nhà lá của anh bạn ở bản Cha Ca 1. Khi gia chủ chuẩn bị bắc xoong lên bếp, tôi chợt thắc mắc sao không dùng chiếc ống lam. Anh bảo hôm nay muốn trổ tài nấu món “nhọc” kiểu người Thái. Anh bảo rằng học của cộng đồng Thái ở huyện Tương Dương. Còn kiểu nấu “gru” trong ống nứa kỳ thực chỉ hợp khẩu vị của người bản địa. Té ra anh bạn muốn nấu riêng để thết đãi những người khách lạ.
Anh bạn hướng dẫn cho tôi ra khu vườn tìm hái cà dại và một ít lá bí xanh. Một trái bí xanh còn non cũng được trẩy về. Thịt sóc rừng được rửa sạch, băm nhuyễn. Lá non và trái bí xanh cũng được cắt lấy một nửa rồi thái nhỏ để nấu kèm. Cà dại nhỏ xíu thì để nguyên cả quả. Gia vị, ngoài “mác khén”, sả, ớt, có thêm rau mùi, hành. Vậy là nguyên liệu của món “nhoọc” đã xong.
“Khi nấu, phải xào thịt với ớt, sả, mác khén và mắm muối đã. Thịt gần chín mới bỏ mấy thứ rau còn lại rồi cho nước vào thôi.” Anh bạn giảng giải. Lúc này chỉ cần đun lửa thật đều. “Nhoọc” cũng là một món kỳ công. Càng nấu kỹ càng đậm vị. Vậy là chúng tôi phải chờ hơn một giờ đồng hồ nữa bữa cơm mới có thể bắt đầu.
Buổi tối giữa cái lạnh se se, bữa cơm trong căn nhà nhỏ nơi bản vắng chợt ấm áp nhờ có món “nhoọc”. Người bạn đường của chúng tôi hài hước so sánh nó với món súp lươn nơi phố thị. Nhờ cách nấu khéo léo của anh bạn mà bát “nhoọc” khi bày ra mâm nom ngon mắt đáo để. Thịt sóc, rau rừng cùng với những thứ cây nhà lá vườn nơi sơn dã hòa quyện với nhau tạo thành một thứ súp có sắc xanh, quả là đặc biệt. Anh bạn của chúng tôi bảo: Hễ lạnh về là gia đình lại nấu món này thết đãi anh em chòm xóm. Đây là món ngon của mùa đông nơi rẻo cao.
Câu chuyện vui của chúng tôi bên mâm cơm với món “nhoọc” đang diễn ra thì gia chủ chợt đứng phắt dậy, tuyên bố chuyển sang “tập 2” của cuộc vui. Một vò rượu cần đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ được bưng ra khỏi căn bếp thiêng, nơi cấm kỵ đối với người lạ. Với người Khơ mú, bạn đến chơi nhà không thể thiếu vò rượu cần. Xem ra món “nhoọc” dường như chỉ là cái cớ của những cuộc vui, nơi người ta thêm thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng. Đối với riêng chúng tôi thì quả là một chuyến khám phá thật thú vị.
Hữu Vi - Đào Thọ
TIN LIÊN QUAN

Tin mới